ClockThứ Sáu, 28/09/2018 22:20

Đại học Huế & những thách thức về vị thế - Kỳ 2: Áp lực năm học mới

TTH - Ngay trong năm học 2018 - 2019, những đơn vị tuyển sinh khó sẽ đối mặt không ít áp lực. Giải quyết bài toán này không thể chần chừ.

Đại học Huế & những thách thức về vị thế - kỳ 1: Khi sự lựa chọn không dành cho Đại học Huế

Nhiều vấn đề đặt ra

Kết quả xét tuyển bổ sung đợt 1 (từ ngày 14 - 21/8) của ĐH Huế có chưa tới 10% thí sinh (so với chỉ tiêu) nhập học, đồng nghĩa nguồn tuyển đã cạn. Vì thế, các đơn vị thiếu nhiều chỉ tiêu không tránh khỏi những áp lực khi bước vào năm học mới, trước hết là việc bố trí nhân sự, giờ giảng phù hợp.

Tiến sĩ Trần Viết Nhân Hào (bên trái), người vừa giành giải thưởng nghiên cứu trẻ của Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam

Trường hợp Khoa Địa lý - địa chất, Trường ĐH Khoa học là một điển hình. Đào tạo 5 ngành, song từ năm 2016, ngoại trừ ngành quản lý tài nguyên và môi trường còn các ngành khác (địa lý tự nhiên, địa chất học, kỹ thuật địa chất, kỹ thuật trắc địa - bản đồ) đều khó tuyển, riêng ngành địa chất học không thể mở lớp. Khó khăn kéo dài, đến năm học này, toàn khoa chỉ tuyển được 18 tân sinh viên ngành quản lý tài nguyên và môi trường (các ngành khác không có thí sinh). Ths. Trương Đình Trọng, Phó khoa Địa lý - địa chất thẳng thắn, trong năm nay không tránh khỏi tình trạng giảng viên chỉ dạy 1 - 2 học phần (thông thường 6 - 7 học phần). Điều này ảnh hưởng thi đua của giảng viên.

Áp lực tuyển sinh “nặng nề” hơn đối với các đơn vị ít ngành và lượng thí sinh đầu vào quá thấp, đơn cử như Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị. Hiện, toàn bộ cán bộ, giảng viên (kể cả hợp đồng) của phân hiệu là 50 người, trong đó có khoảng 30 giảng viên. Trong khi, số lượng sinh viên đầu vào (hệ chính quy) năm nay chưa tới 20 người. TS. Trương Chí Hiếu, Giám đốc Phân hiệu trăn trở, công tác tổ chức đào tạo và nhiều vấn đề khác cũng sẽ rất vất vả.

Cái khó đang “bó nhiều thứ”, trong đó có tâm lý giảng viên. Nguyên tắc những ngành 3 năm không mở lớp được phải xem xét dừng tuyển và hiện có một số ngành nằm trong “ngưỡng”, chắc chắn sẽ tạo ra lo lắng cho giảng viên. Hơn thế, khi các lớp quá ít sinh viên, nhiệt huyết, sự thăng hoa trong giờ giảng của giảng viên phần nào bị ảnh hưởng.

Tuyển sinh khó cũng tác động tâm lý sinh viên. Qua các năm ở nhiều đơn vị, tình trạng sinh viên bỏ học giữa chừng để thi tuyển ngành nghề khác hoặc vì lý do khác luôn xảy ra. Với tình hình tuyển sinh khó và một số ngành học ít thí sinh, tình trạng sinh viên chán nản, bỏ học theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục sẽ làm cho tình hình “căng” hơn.

Cần triển khai ngay giải pháp phù hợp

Khẩn trương đề ra các giải pháp đối mặt với khó khăn là việc cần làm ngay; trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là giải quyết giờ giảng cho giảng viên. Theo PGS. TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, năm nay, tuyển sinh sau ĐH được 400 học viên, tăng gấp đôi so với mọi năm. Phương án các khoa sẽ nghiên cứu, phân bố để các giảng viên có học hàm, học vị dạy sau ĐH; các giảng viên trẻ sẽ được bố trí dạy cho sinh viên ĐH.

Thực ra, giải pháp nói trên chỉ giải quyết một phần. Minh chứng là theo như PGS. TS. Nguyễn Mạnh Sơn, Trưởng khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học, quy định “cứng” của khoa lâu nay là những môn đại cương, môn nền tảng ban đầu phải giao cho các cán bộ có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Còn ở một số đơn vị khác, có ngành lượng học viên cao học thấp, vẫn phải phân bố giờ giảng sinh viên ĐH cho giảng viên có học hàm, học vị cao. Vì vậy, ngay trong năm nay, đơn thuần giải pháp phân bố giờ giảng là chưa đủ.

Giải pháp mà Khoa Vật lý đưa ra và có lẽ những đơn vị khác có thể tham khảo là bố trí công tác kiêm nhiệm cho các cán bộ chưa có trình độ tiến sĩ (vì chưa được dạy sau ĐH), đơn cử như làm các trợ lý khoa, phụ trách các phòng thí nghiệm. Đồng thời, tạo điều kiện để các giảng viên trẻ tham gia nâng cao trình độ (nghiên cứu sinh). Giải pháp này sẽ giúp miễn giảm giờ giảng và giúp họ đủ điều kiện giảng dạy sau ĐH trong tương lai.

Trong năm học này, các đơn vị cũng cần nghiên cứu giải pháp phù hợp về các tiêu chí thi đua. Thiếu giờ giảng là nguyên nhân khách quan, vì vậy, phải có những phương thức bố trí công việc dựa vào tình hình thực tế, trong đó có thể tăng số giờ nghiên cứu khoa học. Phải tạo ra sự công bằng, khách quan thì cán bộ, giảng viên mới yên tâm công tác.

Các đơn vị có quá ít thí sinh phải tìm hướng giải pháp tức thời. Đơn cử Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị lần đầu triển khai tuyển sinh và giảng dạy cho các sinh viên Lào. Hiện tại, có khoảng 35 sinh viên. Nguồn sinh viên này sẽ là điều kiện để phân bố giờ dạy cho giảng viên. Ngoài ra, sẽ phát triển nguồn thu khác từ các hoạt động dịch vụ, khoa học công nghệ, đào tạo ngoài hệ ĐH chính quy.

Điều quan trọng là phải xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt tạo niềm tin để sinh viên yên tâm. Đó là cải tiến chất lượng trong từng giờ giảng, tạo ra nhiều hoạt động, sân chơi bổ ích. Đổi mới phương pháp giảng dạy là việc làm thường xuyên, nhưng trong lúc này, cần có ngay những tiết học sinh động và hấp dẫn. Điều đó, phụ thuộc rất lớn vào các khoa, giảng viên.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

(Còn nữa)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

TIN MỚI

Return to top