ClockThứ Năm, 05/05/2016 14:14

Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius: Chúng tôi tôn trọng văn hóa và lịch sử Việt Nam

TTH - Trở lại Huế trong dịp Festival Huế 2016 và dự lễ khánh thành dự án Triệu Tổ Miếu – dự án được Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa kỳ tài trợ, Đại sứ Hoa kỳ Ted Osius bày tỏ: “Triệu Tổ Miếu là nơi đặc biệt đối với người dân Việt Nam. Tôi rất tự hào, giờ đây nơi này cũng sẽ được nhớ đến với tư cách là dự án bảo tồn văn hóa lớn nhất từ trước đến nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.

Đại sứ Ted Osius

Cởi mở và thân thiện, Đại sứ Ted Osius dành thời gian chia sẻ với bạn đọc Báo Thừa Thiên Huế một số nội dung về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua.

Trước tiên, xin cảm ơn ngài Đại sứ tạo điều kiện để phóng viên Báo Thừa Thiên Huế thực hiện cuộc trao đổi này! Khi nói đến Huế và văn hóa, con người ở vùng đất Cố đô này, đại sứ nghĩ đến điều gì đầu tiên?

Đó là Việt - Mỹ: Hành trình mới. Tại sao vậy? Tháng 1 vừa qua, các thành viên trong đoàn đạp xe của chúng tôi gồm cả người Mỹ và người Việt Nam đã tiến hành chuyến đạp xe từ Hà Nội đến Huế. Đây là chuyến đi mà chúng tôi gọi là hành trình mới.

Trong chuyến đi này, chúng tôi tham gia các hoạt động tập trung vào chủ đề tương lai quan hệ hai nước, nhấn mạnh về giáo dục, y tế, khởi nghiệp, đổi mới và bảo tồn văn hóa. Chúng tôi đối mặt với rất nhiều khó khăn trong chuyến đi, nhưng đã cùng nhau vượt qua.

Chuyến đi nhiều ý nghĩa và đầy cảm hứng kết thúc ở Cố đô Huế tươi đẹp là một ví dụ hoàn hảo và sinh động về cách thức Hoa Kỳ và Việt Nam đang cùng hợp tác. Chúng ta đang hướng đến một tương lai chung, nhằm tăng cường ổn định, thịnh vượng và mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Khán giả hòa cùng ban nhạc Della Mae (đến từ Tennessee, Hoa Kỳ) biểu diễn tại cung An Định. Ảnh: Phan Thành

Yếu tố quan trọng nào đủ thuyết phục để Hoa Kỳ dành cho Huế khoản tài trợ đối với Triệu Tổ Miếu hiện nay?

Những năm qua, Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác trong nhiều dự án và một lĩnh vực hợp tác quan trọng là bảo tồn các di sản văn hóa. Năm 2014, Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ làm việc cùng Trung tâm Bảo tồn Di tich Cố đô Huế để phục chế ba án thờ có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử nằm trong khu vực Đại Nội. Đến năm 2015, chúng tôi triển khai dự án bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu trị giá 700.000 USD nhằm bảo tồn các di sản của Việt Nam. Đây chỉ là một trong năm dự án bảo tồn văn hóa lớn do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ triển khai vào năm ngoái. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn các di sản Huế.

Chúng tôi tôn trọng văn hóa và lịch sử của Việt Nam và xem dự án này là cơ hội để bảo đảm các thế hệ tương lai, kể cả người Việt Nam, người Mỹ cũng như khách quốc tế có thể trải nghiệm và hiểu những truyền thống quý báu của Huế, cũng như khu Đại Nội tráng lệ. Thông qua việc bảo tồn các di sản văn hóa, chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn quá khứ và hiện tại. Đó là khoản đầu tư cho tương lai hai nước chúng ta và là một trong những ưu tiên quan trọng nhất của chúng tôi.

Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư vì sự thịnh vượng và phát triển chung của hai nước. Để đạt được điều đó, chúng tôi đã hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Năm 2015, chúng tôi đã làm việc với Đại học Huế để tổ chức thành công triển lãm giáo dục, giúp các học sinh, sinh viên tiềm năng và phụ huynh tiếp cận các trường đại học uy tín của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã tổ chức các hội thảo cho giáo viên và tài trợ các hội nghị chuyên đề về giáo dục. Chúng tôi đã trao một khoản tài trợ cho Trường đại học Ngoại ngữ Huế để dạy tiếng Anh cho 25 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và cuối năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ đưa một chuyên gia giảng dạy tiếng Anh – một trong năm chuyên gia được cử đến Việt Nam – đến Huế trong năm học 2016-2017.

Thông qua việc tập trung vào bảo tồn văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực quan trọng khác, Hoa Kỳ - Việt Nam đang tăng cường quan hệ và xây dựng nền tảng cho một quan hệ đối tác lâu dài, nhiều ý nghĩa.

Đại sứ đánh giá như thế nào về nỗ lực của Thừa Thiên Huế trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa?

Huế là một thành phố đẹp, giàu truyền thống lịch sử. Tôi rất ấn tượng với chủ trương của lãnh đạo tỉnh trong việc bảo tồn văn hóa, với những gì thành phố đạt được trong lĩnh vực này, kể cả việc phục hồi nhiều kiến trúc trong Đại Nội và khu lăng mộ Hoàng gia.

Một điều rất đáng khích lệ khi Huế đang thúc đẩy ý tưởng phát triển du lịch bền vững. Đây là sự đầu tư cho phát triển kinh tế và bảo tồn các di sản văn hóa. Việc quy hoạch đúng đắn trong lĩnh vực này vừa giúp phát triển kinh tế của tỉnh, vừa bảo đảm các giá trị của Huế sẽ được gìn giữ cho các thế hệ mai sau, đồng thời thu hút ngày càng nhiều khách du lịch.

Festival Huế là một ví dụ tuyệt vời nữa về cách thành phố Huế vinh danh và chia sẻ các di sản văn hóa của mình với phần còn lại của thế giới. Festival tuyệt vời này còn tập trung giới thiệu các nền văn hóa khác, trong đó có văn hóa Mỹ đến với Việt Nam. Chúng tôi thật sự vui mừng được giới thiệu ban nhạc Bluegrass của Mỹ từng được đề cử giải Grammy, Della Mae, đến với khán giả Festival Huế 2016. Chúng tôi tin các bạn đều đón nhận thể loại âm nhạc này của Mỹ.

Một lần nữa, xin cảm ơn Ngài Đại sứ!

ĐỒNG VĂN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Return to top