ClockThứ Sáu, 01/11/2019 14:54

Đảm bảo cân đối các chỉ tiêu thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phân tích bức tranh kinh tế - xã hội tổng quan năm 2019Luật là “khung mở” cho người nước ngoài đến khám, chữa bệnh tại Việt NamKhắc phục bất cập về xử lý các hành vi sử dụng trái phép vũ khíNhiều ý kiến tán thành Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan dự bịQuốc hội thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt NamTuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIVHướng đến thành phố di sản quốc gia

Cần thêm chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số

Đánh giá việc xây dựng Đề án đã thể hiện sự chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, Đề án đã đánh giá một cách toàn diện, khách quan thực trạng và đề ra các giải pháp đảm bảo tính lý luận, thực tiễn cao.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Hoàng Thị Thu Trang phát biểu. Ảnh: Văn điệp/TTXVN

Đồng tình với tiêu chí phân loại thôn, xã đặc biệt khó khăn được thể hiện trong Đề án, tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Đề án quan tâm xem xét thêm về nội dung đối với loại xã ở vùng trọng điểm có công trình quốc phòng đặc biệt mà chưa đạt tiêu chí như Đề án nêu. Các xã này thường nằm trong diện quản lý rất chặt chẽ về mọi mặt, không được đầu tư khai thác mà luôn được bảo tồn để xây dựng thế trận lòng dân.

“Tuy Nhà nước đã có nhiều sự quan tâm nhưng ở chừng mực nào đó còn những khó khăn. Nếu không để cho các xã này được thụ hưởng các chính sách đầu tư của Đề án, xã khó có khả năng phát triển theo kịp các địa phương khác. Người dân và cán bộ ở đó sẽ rất bị thiệt thòi”, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang khẳng định.

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước cần đánh thức được tiềm năng, phát huy được lợi thế của vùng, giúp đồng bào khơi dậy nội lực làm giàu, làm chủ chính trên mảnh đất của mình. Trong đó, việc phát triển hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông và thông tin kết nối, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo thu nhập là vấn đề đặc biệt quan trọng.

Đối với việc phát triển hạ tầng, đại biểu tán thành với dự thảo Đề án. Về vấn đề tạo sinh kế, từ thực tế địa phương, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, cần tập trung ở một số vùng sâu, vùng xa, có chính sách hỗ trợ đồng bào xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với đặc thù của vùng miền núi như: chăn nuôi, trồng trọt một số cây, con chủ lực... bởi những mô hình kinh tế này không cần đầu tư lớn, có thể tận dụng sức lao động, “lấy công làm lãi”; thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn miền núi, mang lại giá trị về kinh tế bền vững, thường xuyên.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, cần có chính sách thu hút những doanh nghiệp, dự án nhà máy sử dụng nhiều lao động địa phương và hỗ trợ khởi sự kinh doanh khởi nghiệp. Theo đại biểu, về hai vấn đề này, dự thảo Đề án đã giải quyết khá tốt và cụ thể.

Từ thực tế thành công của một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An như chăn nuôi bò sữa, chế biến gỗ, trồng và chế biến dược liệu…, đại biểu đề xuất cần hỗ trợ đầu tư, thu hút những mô hình doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp là trung tâm, người dân là vệ tinh xung quanh doanh nghiệp.

“Ở đó, doanh nghiệp vừa sản xuất một phần, nhưng vẫn đầu tư giống và hướng dẫn kỹ thuật để người dân sản xuất, chăn nuôi, sau đó thu mua, chế biến sản phẩm của bà con”, đại biểu Trang nêu ví dụ. Với mô hình này, có thể sẽ không sử dụng nhiều lao động địa phương như khung 70% mà dự thảo Đề án đặt ra, nhưng vẫn giúp được người nông dân có việc làm với tư cách làm chủ trên mảnh đất của mình. “Cái hay của mô hình này là doanh nghiệp không sử dụng quá nhiều đất đai”, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang góp ý thêm.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, để thay đổi bộ mặt vùng miền núi, cần thu hút các dự án lớn. Tuy nhiên, tổng kết của Chính phủ qua 3 năm 2016 - 2018, Việt Nam đã thu hút được 4.699 dự án đầu tư, nhưng những dự án này chủ yếu ở vùng đô thị, ven đô thị, ở địa bàn xã khu vực hai và khu vực ba hầu như không có.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, để có được những dự án lớn đầu tư làm thay đổi bộ mặt vùng miền núi, cần rất nhiều vốn và thời gian hoạt động của dự án rất dài. Do đó, đại biểu cho rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ như dự thảo Đề án đã nêu, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay nước ngoài nhằm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, cần cam kết đảm bảo tính bền vững của các chính sách cho các dự án lớn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào những vùng khó khăn này.

Rà soát lại các tiêu chí đảm bảo phù hợp thực tiễn

Khẳng định vùng dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và môi trường sinh thái, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đánh giá, Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó đạt được những kết quả to lớn trên các lĩnh vực. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Niềm tin của đồng bào, nhân dân các dân tộc vào đường lối lãnh đạo, đổi mới của Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, tăng cường. Khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc…

Mặc dù đạt được các kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, theo đại biểu Tống Thanh Bình, “Hiện nay, chúng ta vẫn phải khẳng định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là lõi nghèo của cả nước”. Với nhận định trên, để góp ý hoàn thiện Đề án, đại biểu cho rằng cần xác định rõ địa bàn, đối tượng thực hiện Đề án; đồng thời thống nhất phân kỳ thực hiện Đề án từ năm 2021 - 2030 nhằm đảm bảo tính kế thừa và phát triển.

Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng, xem xét ban hành tiêu chí để phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xác định cụ thể xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, làm cơ sở cho việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; cũng là cơ sở để làm tiêu chí phân bổ nguồn lực, tránh cào bằng; rà soát các tiêu chí đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Đại biểu nêu ví dụ: “Mục tiêu của Đề án đưa ra là đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần so với năm 2020, đến năm 2030 tăng gấp 2,5 lần năm 2026 là rất cao, rất khó khả thi. Tỷ lệ che phủ rừng Đề án đưa ra đến năm 2025 duy trì ở mức 42% là thấp, vì tính đến năm 2018, tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đã đạt bình quân 41,65%, đặc biệt, nhiều tỉnh miền núi có tỷ lệ che phủ rất cao, trên 50%”. Từ những phân tích này, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Ban soạn thảo Đề án rà soát lại các yếu tố, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo dục - đào tạo; trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. "Thực tế cho thấy, càng ở đơn vị cấp cao, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số càng thấp. Nhiều vụ, ngành Trung ương không có cán bộ người dân tộc thiểu số", đại biểu nêu thực tế. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện rà soát các nguồn lực đã bố trí, thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc tính đến thời điểm kết thúc năm 2020, “đảm bảo không nợ chính sách”; xác định rõ nguồn lực được bố trí của Đề án vì dự kiến nguồn lực được bố trí thực hiện Đề án là khá lớn, tránh tình trạng thiếu phối hợp, đồng bộ giữa bán hành chính sách và bố trí nguồn lực.

Đề nghị giữ mức chỉ tiêu về thu nhập

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, quá trình xây dựng các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 - 2030 của Đề án, Ban soạn thảo đã xem xét nhiều căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm đảm bảo tính khả thi. Qua thảo luận và thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Đỗ Văn Chiến cho hay, một số ý kiến cho rằng chỉ tiêu về thu nhập đến năm 2025 tăng hai lần là cao, không khả thi. Một số ý kiến khác cho rằng chỉ tiêu về giải quyết nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Có ý kiến đề nghị chỉ tiêu về đào tạo nghề cao, khó đạt được...

Giải trình về chỉ tiêu thu nhập, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, qua khảo sát trực tiếp của Ban soạn thảo, hiện nay thu nhập thực tế bình quân của người dân tộc thiểu số khoảng 1,1 - 1,2 triệu đồng/tháng, tương đương 13- 14 triệu đồng/năm. Nếu đến 2025 tăng gấp hai lần sẽ đạt khoảng 26 - 28 triệu đồng/năm. "Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đến năm 2025 nước ta sẽ đạt 5.000 USD bình quân GDP trên đầu người. Chúng tôi đã nghiên cứu văn kiện Đại hội Đảng bộ của các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, với quyết tâm rất cao: Năm 2020 so với năm 2015 Cao Bằng đề nghị tăng 2,1 lần; Quảng Ninh 2,2 lần, Hà Giang 1,85 lần, Hòa Bình 2,1 lần; Quảng Bình 2,5 lần; Gia Lai 2,1 lần… Chương trình tam nông xác định thu nhập của cư dân nông thôn tại Nghị quyết 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau 10 năm tăng 2,5 lần nhưng vừa qua tổng kết tăng 3,8 lần, bình quân là 1,9 lần/5 năm. Do vậy, Ban soạn thảo đề nghị cho giữ khoảng 2 lần để từng hộ, thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có quyết tâm phấn đấu và hằng năm có kiểm điểm".

Chỉ tiêu đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số trong độ tuổi hiện nay đạt 6,2%. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra chỉ tiêu lao động qua đào tạo là 70%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 25 - 30%. Ông Chiến khẳng định, Đề án đề xuất lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo khoảng 50% nhưng chỉ tiêu lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ 10 - 15% là phù hợp. Bên cạnh đó, việc tăng cường đào tạo, dạy nghề sẽ được thực hiện theo theo hướng cầm tay chỉ việc để lao động thực hành được việc ngay, không nhất thiết cần bằng cấp, chứng chỉ. "Đây là điểm tư duy mới về dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số", ông Chiến nhấn mạnh.

Riêng về chỉ tiêu giải quyết đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt…, tiếp thu ý kiến của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đồng thời căn cứ vào chỉ đạo kết luận của Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết Ban soạn thảo sẽ cân nhắc để điều chỉnh phù hợp tiêu chí này, trước mắt đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết theo hướng mở, có tính nguyên tắc và xác định cận dưới, để khi xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, Ban soạn thảo sẽ cân đối, đồng thời xác định chỉ tiêu hợp lý hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, cùng với sự đầu tư, giúp đỡ của Nhà nước, đồng bào vùng dân tộc thiểu số cũng đang nỗ lực vượt qua chính mình để vươn lên trong cuộc sống. “Đó là nguồn lực nội sinh mới hứa hẹn sự thành công của Đề án” - ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tốt nhất: “Quốc hội ấn nút phê duyệt Đề án và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp này là một món quà vô cùng đặc biệt, thật sự ý nghĩa tặng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trước thềm Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ hai, tháng 4/2020”.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top