ClockThứ Tư, 02/01/2019 12:49

Đảm bảo sức khỏe cho người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội 2019

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị ngành Y tế các địa phương xây dựng, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm 2019 và triển khai thực hiện nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân trong dịp Tết, mùa lễ hội năm 2019.

Hà Nội tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ 1 - 5 tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi và tay chân miệng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Ngành Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, bệnh xâm nhập, đặc biệt là các ổ dịch cũ, những người về từ vùng có dịch, tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Các đơn vị chức năng cần lưu ý các bệnh cúm gia cầm, ho gà, sởi, rubella, tiêu chảy cấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

Bên cạnh đó, ngành Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng để khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết và mùa lễ hội, nhất là với các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp như bệnh sởi, cúm ở người, các bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa, thực hiện vệ sinh cá nhân, bảo đảm an toàn thực phẩm và lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh.

Để đảm bảo sức khỏe người dân trong dịp Tết, mùa lễ hội 2019, ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chia sẻ thông tin, phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, các dịch bệnh thường xảy ra trong cơ sở giáo dục.

Các đơn vị chức năng tại địa phương, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch; thường trực trong các ngày nghỉ Tết, sẵn sàng các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, những tháng cuối năm 2018, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp. Các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông, bệnh sởi xảy ra tại nhiều quốc gia khu vực châu Âu trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi. Các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số quốc gia trong khu vực vào mùa Xuân và xâm nhập vào Việt Nam.

Thời tiết mùa Xuân và sự gia tăng giao lưu, đi lại trong dịp Tết, mùa lễ hội là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top