ClockThứ Sáu, 13/10/2017 08:26

Đám cưới

TTH - Mùa cưới. Đừng tưởng chỉ có người mất phong bì mới rầu lòng, ngán ngẩm. Nữ chính như Trâm càng thấy mệt mỏi hơn. Đang sống độc thân thì bỗng nhiên có người giục cưới. Tại sao phải cưới? Yêu nhau không cưới có sao không? Không. Nhất định là không. Yêu mà không cưới thì dẹp đi cho đỡ tốn thời gian. Trâm cũng muốn dẹp quách nó đi, không phải vì tự ái. Đơn giản vì Trâm muốn làm bà mẹ đơn thân.

Thử nghĩ xem hai mẹ con sẽ chăm chút, đùm bọc và dắt nhau đi khắp nơi nơi. Cùng ăn những bữa cơm chỉ có hai người mà chẳng cần phải chờ đợi ai, bực dọc ai. Trong nhà không lo có đàn ông say, không có hơi rượu nồng và tiếng ngáy ầm nhà như kéo gỗ. Tối đến hai mẹ con thủ thỉ kể chuyện cho nhau nghe, hoặc chụm đầu đọc sách. Những buổi sáng cuối tuần vươn vai thức dậy, thảnh thơi vào bếp làm món thạch dưa hấu. Thỉnh thoảng dắt nhau đi chợ mua đồ về nấu những món cầu kỳ. Đủng đỉnh ngắm phố phường mà không cần phải bận tâm về một người đàn ông hiện diện trong nhà. Như thế chả vui chán so với một cuộc hôn nhân vô vị hay sao?

Con của Trâm sau này biết đâu sẽ than phiền “người đàn ông của mẹ thật chẳng dễ gần”. “Người đàn ông của mẹ suốt ngày say xỉn”. “Người đàn ông của mẹ thật là độc đoán”… Và lúc đó, chắc Trâm sẽ ân hận vì không biết chọn bố cho con. Không phải đứa trẻ nào vắng bố cũng hay thắc mắc “bố con đâu?” như trong phim. Mọi thứ đều là thói quen và đứa trẻ chắc sẽ hài lòng với thứ thói quen hạnh phúc mà mẹ nó mang đến. Thế là đủ, sao phải suy nghĩ quá nhiều?

Hùng cười nhếch môi như vừa đau đớn vừa mỉa mai cái ý nghĩ kỳ quái của Trâm. Em nói thật đấy chứ? Làm mẹ đơn thân ư? Với một người vụng về như em lo cho mình còn không xong, nghĩ sao mà đòi làm mẹ đơn thân? Trâm cười, cô vụng về với người tình chứ đời nào chịu làm người mẹ hậu đậu, vô tích sự. Đàn ông thường vậy, lúc nào cũng quan trọng hóa vấn đề. Cứ như không có họ thì đàn bà con gái chết hết không bằng. Anh đừng có thách em? Thế hóa ra bấy lâu nay em yêu anh chỉ để vui thôi à? Trâm không trả lời, cô muốn phát điên khi nghĩ về một đám cưới. Cả trăm thứ thủ tục, nghi lễ rườm rà chỉ làm nhàu hạnh phúc. Trâm cũng chẳng tha thiết khoác lên người bộ váy cô dâu đã qua cả trăm người mặc. Càng chán ghét tờ giấy đăng ký kết hôn như cái vòng kim cô quản thúc con người ta bằng cả trăm thứ luân lý và trách nhiệm. Tại sao phải cưới? Câu hỏi ấy vang lên trong đầu Trâm lặp đi lặp lại. Thật là ngán ngẩm.

“Mẹ anh đi xem khắp nơi, họ đều bảo năm nay chúng mình đẹp tuổi. Cưới thôi em. Hay còn điều gì về anh khiến em lấn cấn?”. Điều gì ư? Để yêu dĩ nhiên là chẳng vấn đề nhưng để cưới làm chồng thì Hùng không phải là một chọn lựa khôn ngoan. Trâm không thích những người yêu đương mù quáng. Huống hồ tình cảm với Hùng không hẳn là tình yêu. Giống như những người cô đơn chụm lại với nhau cho đỡ lạnh. Để rồi quen có hơi ấm ấy và gắn kết với nhau không muốn tách rời. Hùng gọi đó là tình yêu nhưng Trâm thì không. Trái tim Trâm đã không còn tin vào tình yêu sau nhiều cuộc tình dang dở. Càng không tin vào thứ gọi là hôn nhân hạnh phúc. Vậy tại sao Trâm phải đánh đổi cuộc đời độc thân tươi đẹp của mình?

Mùa cưới, cũng là mùa các thầy tử vi, bói toán làm việc hết công suất. Người ta giục nhau cưới nhanh, cưới gấp vì thầy bảo “tháng này đại cát, đại lợi thế này phải cưới nhanh kẻo hỏng”. Đi dọc đường thấy phông bạt rực rỡ, nhạc đập xập xình. Chỉ “chết” ai nhận thiệp hồng tới tấp, cứ gọi là tha hồ đi ăn cơm bụi giá cao. Nghĩ đi nghĩ lại thì cưới xin vẫn chẳng có gì thú vị. Nhưng lời đề nghị nghiêm túc của Hùng lại không chịu trôi tuột đi. Nó găm vào đầu óc Trâm khiến cô nhiều đêm mất ngủ. Trâm cũng thử tưởng tượng xem nếu mình lấy chồng cuộc sống sẽ ra sao. Có người chia sẻ vui buồn. Có người chìa vai ra gánh hộ mình đôi phần khó khăn, trách nhiệm. Có người bưng cho bát cháo lúc ốm đau. Có người ôm vào lòng vỗ về bóng đêm ma mị. Lúc đang dỗ con khóc sẽ có người cầm bình sữa vụng về phụ nựng con. Lúc mất mát, đớn đau còn có người níu lấy tay dẫn mình đi đúng hướng. Sau này khi con cái đã lớn khôn mải mê sống phần đời của chúng thì may ra vẫn còn người tình già ngồi thủ thỉ cùng nhau.

Đấy là dẹp sang một bên những cám dỗ đời thường sẽ khiến vợ hoặc chồng tự nhổ neo rời bến mà đi. Đấy là không dám nghĩ đến những biến cố và xung đột sẽ biến nhau thành người khác. Và câu hỏi “yêu mà không cưới thì yêu để làm gì?” Trâm cũng không trả lời được. Bốn năm thanh xuân Hùng dồn cả vào cuộc tình này nên giờ Trâm không thể trả lời “yêu chỉ để yêu”.

* * *

Phương mất. Vừa đêm trước Phương còn gọi điện khoe mới đi đo váy cưới. Phương mang bầu tháng thứ tư, bụng to nên đặt may váy rộng. Một chiếc váy được đặt thêu tay có đính đá lấp lánh điểm xuyết vài bông hoa trước ngực. Phương tiếc hụi hụi không được mặc váy cưới đuôi cá rạng rỡ bước bên chú rể. “Nhưng có hề chi. Chẳng gì vui bằng có con cùng chứng kiến sự kiện trọng đại này. Trâm cũng mau làm đám cưới đi thôi”. Phương kết thúc cuộc gọi bằng giọng cười khúc khích, còn hứa sau đợt công tác về sẽ rủ Trâm đi in thiệp cưới. “Mà không phải là kiểu thiệp truyền thống đâu nhé. Phương mà đã ra tay thiết kế thì ai nhận thiệp chỉ có cười rụng rốn. Cứ chờ xem”.

Ấy vậy mà Trâm chỉ vừa ngủ một giấc, tỉnh dậy Phương đã về thế giới bên kia. Chuyến xe khách sáng sớm vừa khởi hành chưa được bao lâu đã lao xuống vực. Mang theo Phương cùng đứa con và ước mơ về một mái ấm gia đình.

Đám cưới ấy mãi mãi chỉ là dự định dang dở. Giá như sáng đó Phương không vội vàng về thành phố sớm để cùng chồng tương lai làm lễ cúng nhà mới thì có lẽ đã chẳng xảy ra chuyện đau lòng. Ngôi nhà ấy Phương và người tình đã dành cả phần đời tuổi trẻ làm việc cật lực để mua từng viên gạch. Phương từng tiếc những nhu cầu thiết yếu của bản thân để tiết kiệm vun vén. Mọi ước ao từng bắt đầu bằng câu “chừng nào xây xong nhà…”. Ừ thì chừng nào xây xong nhà Phương sẽ đi du lịch. Sẽ đến những nơi thật đẹp, thưởng thức những món ăn ngon. Sẽ làm việc ít thôi để dành thời gian nghỉ ngơi, đọc sách. Sẽ thảnh thơi ở nhà nấu những bữa cơm ngon cho chồng con, bè bạn. Sẽ ngủ một ngày mười tiếng cho đã đời, bù lại cho những năm dài thức khuya dậy sớm. Sẽ có tiền đi khám chữa tổng thể những căn bệnh lặt vặt hành hạ bấy lâu. “Có khi nào chúng sẽ biến chứng thành ung thư trước lúc mình hỏi han đến chúng? Mà chẳng sao đâu, thầy tử vi nói số mình sống đến già”. Phương cười ha ha rồi lại ngồi tính “chừng nào…”.

 Cái chết của Phương khiến Trâm đau xót nhận ra rằng hạnh phúc quá đỗi mong manh. Trong đám tang Phương, chú rể như hóa thành tượng đá. Chiếc nhẫn cưới mới mua còn sáng bóng trên tay. Anh ghìm nỗi mất mát trên đôi môi run rẩy không than gọi vợ con dù chỉ một lời. Trâm bỗng nhiên mường tượng ra Hùng trong dáng hình mất mát ấy. Trong những lúc đớn đau nhất của cuộc đời Hùng, Trâm đã không có mặt. Người thân của Hùng lần lượt ra đi trước những tai họa bất trắc của đời sống này. Hùng trải qua và chịu đựng đến kiệt cùng sức lực. Những sợi tóc trên đầu Hùng bạc sớm, khuôn mặt khắc khổ đến đáng thương từng khiến Trâm xót xa. Ở thành phố này Hùng không có ai ngoài Trâm. Để những lúc mỏi mệt có thể ghé qua ăn với nhau một bữa cơm đạm bạc. Hùng muốn một đám cưới có gì sai? Khi ai cũng có ước ao về một mái ấm bình yên, hạnh phúc. Cuộc đời thì bất ổn. Nay hứa với nhau điều này thắm thiết nhưng mai chắc gì còn được gặp lại nhau. Cái chết của Phương khiến Trâm thấy sợ phải một mình đối mặt với những mất mát dự phần. Nên lần thứ mười khi nghe Hùng nói về chuyện trăm năm, Trâm bảo “ừ, tụi mình cưới nhau đi”. Bất ngờ đến mức Hùng không tin đó là sự thật. Có gì mà trăm năm hả Hùng, sợ cứ mãi hững hờ rồi đến một ngày không kịp thương yêu nữa…

Đám cưới. Mọi thứ chuẩn bị thật nhanh gọn. Mất một ngày chọn váy và nhẫn cưới. Trâm phì cười khi nghĩ chiếc nhẫn cưới giống như cái cùm của hôn nhân vậy, có gì đâu mà ai cũng háo hức lạ thường. Hùng nói hạnh phúc thì không cần cầu kỳ, đơn sơ thôi miễn vui là đủ. Dẫn Trâm đến căn phòng trọ mới thuê, Hùng gãi đầu gãi tai ngượng ngùng bảo “giá đất đắt đỏ quá, chờ vài năm nữa tụi mình mới có nhà”. Ngó qua nơi sẽ trở thành mái ấm, Trâm nghĩ rồi mình sẽ đứng góc này nấu bếp, góc kia pha trà. Chỗ bậc cửa sẽ là nơi mỗi chiều đứng đợi Hùng về. Ngoài góc hè sẽ kê một chiếc bàn nhỏ bày vài ba chiếc ghế để tối đến uống trà. Sẽ trồng thêm vài chậu cây nhỏ cho mát mắt những ngày hè nóng nực. Phòng nhỏ thôi nhưng cũng đủ để bày biện những thứ mà mình thích, và thu vén bớt những thứ còn bề bộn. Trâm đi chợ sắm thêm ít bát đĩa vì thỉnh thoảng bạn bè sẽ ghé chơi. Băn khoăn không biết nên chọn giấy dán tường hình hoa cỏ hay hình con vật. Một cái lò nướng bánh loại mới ra cũng đủ níu chân Trâm trong siêu thị nửa giờ.

Tối đến Trâm vẫn hay mường tượng về những đứa trẻ. Chỉ có điều đã thôi nghĩ “nhà chỉ có hai người’. Mọi hình dung đều có thêm bóng dáng người đàn ông trụ cột gia đình. Ví dụ như mỗi buổi sáng sẽ có ba người thức dậy cùng nhau. Có những bữa cơm người này sẽ đợi chờ người kia trong niềm hạnh phúc. Thỉnh thoảng sẽ phát điên vì thấy nhà bừa bộn quá. Nhưng chỉ cần  người đàn ông mỉm cười hối lỗi thì lòng người phụ nữ lại dịu dàng như thu tháng mười…

BÙI QUANG DŨNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghề MC ở làng

Tôi vẫn hay đùa với mấy đứa bạn ở quê: “Làng mình có mạch đất làm MC. Hay thiệt, về dự đám cưới thấy mấy đứa bây ai làm MC cũng hay cả!”. Đùa mà thiệt, tính sơ sơ số người làm MC trong làng tôi phải vài chục, từ thầy giáo các trường cấp 3, cấp 2, tiểu học rồi cán bộ ủy ban xã, mấy bạn sinh viên ra trường chưa có việc làm, hay như thằng bạn tôi chuyên làm nghề MC đám cưới chỉ để vui…

Nghề MC ở làng
Hiếu, hỉ... online

Đám cưới tổ chức online từ xa, tương tự đám tang con cháu không thể về để tiễn biệt lần cuối… đó là những câu chuyện chỉ có ở mùa dịch COVID-19. Người dân cả nước nói chung và bà con Thừa Thiên Huế xa quê nói riêng, đang phải đối mặt trước những xáo trộn của dịch bệnh và hy vọng rồi đây mọi thứ sẽ bình yên trở lại.

Hiếu, hỉ  online
Phòng dịch không đợi nhắc

Đang tính chưa biết phải nói thế nào để từ chối khéo đi đám cưới thì em đã đăng lên facebook cá nhân xin tạm hoãn tiệc cưới, dù lúc đó dịch chưa xuất hiện ở Huế và lệnh cấm tập trung đông người chưa được ban hành.

Phòng dịch không đợi nhắc
Nhân nhượng cũng phải có nguyên tắc

Anh gọi điện cho tôi, giọng đầy hân hoan báo tin con gái sắp lấy chồng. Báo trước là ngày ấy, giờ ấy mời vợ chồng tôi chung vui. “Đặt cọc trước cho chắc, còn thiệp mời sẽ được chuyển sau.”- Anh vui vẻ.

Nhân nhượng cũng phải có nguyên tắc
Ai là chủ hôn?!!

Đám cưới đứa cháu, do “thiếu kinh nghiệm” lại cảm thấy không được tự tin trước đám đông, anh chị tôi nhờ một người cậu đứng ra làm chủ hôn giúp. Tất nhiên cũng chẳng có gì phức tạp khó khăn, ông cậu vui vẻ nhận lời và cùng gia đình bàn, thống nhất “kịch bản” cho ngày đại sự của cháu diễn ra suôn sẻ.

Ai là chủ hôn

TIN MỚI

Return to top