ClockChủ Nhật, 17/01/2016 14:29

Đam mê tuồng Huế

TTH - Cách đây 20 năm (năm 1995), tôi chứng kiến một cô bé 15 tuổi được mẹ dẫn đến lớp đào tạo diễn viên tuồng do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCCĐ Huế) tổ chức để xin học tuồng và 20 năm sau (năm 2015) cô được công nhận nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) của loại hình nghệ thuật này.

So với nhiều nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tại Huế, Dương Kiều Oanh là NSƯT trẻ nhất về tuổi đời. Kiều Oanh may mắn được sinh ra trong một gia đình có bố từng là nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Bình Trị Thiên và các anh chị trong gia đình đều hoạt động trong ngành nghệ thuật. Có lẽ vậy, từ khi chập chững bước chân vào đời, Kiều Oanh ao ước được trở thành diễn viên, dù rằng lúc đó đối với cô khái niệm về hai từ diễn viên cũng rất mơ hồ.

NSƯT Dương Kiều Oanh (quỳ) hóa thân vào vai diễn Phương Cơ trong vở tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn”

Năm 1995, mới 15 tuổi, Kiều Oanh được bố mẹ dẫn vào học lớp diễn viên tuồng do TTBTDTCĐ Huế tổ chức đào tạo. Tại đây, sau những ngày đầu khó khăn vì phải cùng các anh chị lớn tuổi khổ luyện những vai diễn khó trong tuồng cổ, nhưng theo năm tháng, với năng khiếu sẵn có cùng với niềm đam mê của tuổi trẻ, Kiều Oanh từng bước khẳng định qua từng vai diễn. “Những năm đầu mới vào nghề rất vất vả. Bằng sự khổ luyện, lại được tạo điều kiện để học qua nhiều thầy cô giỏi nên em mới có thể trưởng thành như hôm nay. Cùng với nhiều anh chị đi trước, em cũng được đảm nhận những vai lớn. Với em, đó không chỉ là sự tin tưởng của người đi trước với lớp sau, mà còn là những bước nối dài để củng cố niềm tin làm nghề và giữ nghề”, Kiều Oanh tâm sự.

Với NSƯT Dương Kiều Oanh, khi được hóa thân vào nhân vật trong các vở tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Nghêu-Sò-Ốc-Hến”, “Hộ Sanh Đàn”… chính là lúc cô có nhiều trải nghiệm cuộc đời mình với đời sống sân khấu. Những thành công đã đến với cô như là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho niềm đam mê nghề nghiệp như: năm 2007, với vai diễn Kỷ Lan Anh trong vở tuồng “Hộ sanh đàn”, cô được trao giải B trong Liên hoan tài năng trẻ sân khấu tuồng chèo toàn quốc; năm 2008, trong Liên hoan Nghệ thuật tuồng truyền thống cô được trao huy chương bạc khi thể hiện vai diễn Ngọc Mai trong vở tuồng “Đào Duy Từ”; năm 2011, cô được trao huy chương vàng khi hóa thân vào vai diễn Phương Cơ trong vở tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn” tại Liên hoan Nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc; năm 2011, Kiều Oanh được trao huy chương vàng khi hóa thân vào vai Thị Hến trong vở tuồng “Nghêu-Sò-Ốc-Hến” trong Liên hoan Sân khấu tuồng hài toàn quốc; năm 2013, Kiều Oanh tiếp tục được trao huy chương bạc khi hóa thân vào vai diễn Hoàng Quý Phi trong vở tuồng “Nổi niềm đấng quân vương” trong Liên hoan Nghệ thuật tuồng và dân ca chuyên nghiệp toàn quốc… Bằng đam mê nghề nghiệp, cùng với những thành công nhất định, khi dám chấp nhận những khổ đau từ ánh đèn sân khấu mang lại. Năm 2015, Dương Kiêu Oanh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Đây là phần thưởng xứng đáng cho một diễn viên dám hy sinh để đến với đam mê nghệ thuật.

NSND Bạch Hạc – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (NHNTTTCĐ Huế), thừa nhận: “Tuồng là loại hình nghệ thuật rất khó, nếu  không muốn nói là khó nhất. Nhưng với Kiều Oanh, khó không phải là không làm được, bởi Kiều Oanh là một diễn viên có tâm, được các nghệ sĩ giỏi sẵn sàng truyền dạy, nên những thành công mà Kiều Oanh đạt được cũng là niềm kiêu hãnh đối với những người làm nghề như chúng tôi”.

Chia tay NSƯT Dương Kiều Oanh khi cô cùng các nghệ sĩ thuộc NHNTTTCĐ Huế đang tập chương trình chuẩn bị phục vụ Tết Bính Thân (2016). Trong cái se lạnh lất phất của mưa xuân xứ Huế, chúng tôi mơ đến một ngày nghệ thuật sân khấu tuồng Huế sẽ sánh vai cùng Nhã nhạc cung đình Huế trên con đường di sản. Bởi, chúng tôi tự hào vì có những diễn viên trẻ dám bóc tách từng mảnh vở của cuộc đời mình dưới ánh đèn sân khấu giống Dương Kiều Oanh.

Bài, ảnh: Trọng Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

Không chỉ vinh dự, những nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) xem đó còn là trọng trách nặng nề trong hành trình bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho hậu thế. Họ như là vốn quý, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật
Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
Return to top