ClockThứ Bảy, 24/02/2018 05:46
NÂNG CẤP ĐÊ NHO LÂM - NGHĨA LỘ:

Dân lo lũ; Ban quản lý công trình: Yên tâm

TTH - 42 hộ dân xóm Đò với hàng trăm nhân khẩu ở thôn Bác Vọng Đông (Quảng Phú, Quảng Điền) rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chật vật trong mùa mưa lũ khi chủ đầu tư tiến hành nâng cấp tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ vô tình “bỏ quên” những hộ dân này bên triền sông.

An toàn cho đê Nho Lâm-Nghĩa Lộ

Ông Trần Chánh Đạo (ảnh) lo lắng về việc triển khai tuyến đê Nho Lâm- Nghĩa Lộ ảnh hưởng tới xóm Đò trong mùa mưa lũ

Lũ đe dọa... làng

Nếu  trận lũ năm 1999 đi vào lịch sử với người dân xứ Huế thì trận lũ vào cuối tháng 11/2017 đối với người dân xóm Đò lại “chưa bao giờ thấy nước to đến thế”. Tìm về làng Bác Vọng Đông, hỏi về đê điều, nhiều cụ cao niên bảo rằng, bây giờ lũ thì nước sông Bồ chảy “năng” hơn, bao nhiêu khối nước lũ từ thượng nguồn như bị ép, trút về xóm Đò cả.

Ông Trần Chánh Đạo, một cư dân xóm Đò lo lắng, gia đình ông ở bên sông Bồ đã mấy đời mà chưa khi nào thấy lũ lớn và “bức” như trận lũ tháng 11/2017. Nguyên nhân theo ông, khi triển khai nâng cấp tuyến đê Nho Lâm- Nghĩa Lộ, chủ đầu tư đã vào bóc nền đê cũ chạy từ phía trên thượng nguồn sông Bồ về tới miếu Bà Tơ. Tại đây, chủ đầu tư cũng đắp thêm một tuyến đường - đê ngang dẫn ra cầu cống đang xây dựng để nối ra nền cũ của tuyến đê Nho Lâm- Nghĩa Lộ. Khi triển khai, bà con đã nhận thấy vô tình khi thi công tạo thành “nút cổ chai” ở khu vực này khiến nước sông Bồ bị ép, tràn qua tuyến đê mới bị cào bóc, chảy thẳng vô làng.

“Trận lụt vừa rồi, nước trong đường làng cao tới 1m, chưa bao giờ nước to như thế. Là bởi xóm Đò với 42 hộ dân đang bị “bỏ rơi” ngoài triền đê sát sông Bồ. Trong khi mục đích của tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ là nhằm ngăn lũ từ sông Bồ vào, bảo vệ dân làng phía bên trong”, ông Đạo lý giải.

Nỗi băn khoăn lo lắng của ông Đạo cũng là nỗi niềm chung của 42 hộ dân xóm Đò, vì như lời ông Đạo nói, “không ai biết lũ bằng dân”. Nhiều cư dân ở khu vực này lo lắng, khi chủ đầu tư nâng cao trình nền đê Nho Lâm- Nghĩa Lộ phía bên trong làng lên cao, nước sẽ tiếp tục không tràn qua được, “vô tình” khi lũ sông Bồ về, một lần nữa sẽ bị dồn về phía xóm Đò. Bằng chứng mà ông Dương Phàn, Trưởng xóm Đò đưa ra là mực nước trong làng sau các trận lũ liên tiếp vào cuối tháng 11/2017 đã xấp xỉ “đỉnh lũ” năm 1999. Nước bị “ép” từ sông Bồ, chảy tràn vào làng đã cuốn trôi nhiều gà, vịt và tài sản của người dân.

“Trước đây khi chưa cào bóc, xây dựng tuyến đê ngang gần miếu Bà Tơ thì lũ rất nhỏ, bà con chủ động ứng phó được. Bây giờ lũ lớn như thế, có di dời người thì tài sản cũng không “cứu” kịp, ông Phàn bày tỏ.

Theo ông Phàn, từ miếu Bà Tơ đến Nhà thờ chí sĩ cách mạng Đặng Hữu Phổ còn 200m nữa, đã có nền đường nội bộ xóm bằng bê tông. Nếu được đầu tư một tuyến đê dọc sông Bồ qua đoạn này, “che chở” ngăn nước sông tràn vào xóm Đò thì bà con mới yên tâm được.

“Khi triển khai dự án, nhận thấy nguy cơ lũ sẽ cao, người dân có đơn phản ánh lên xã, huyện, kiến nghị chủ đầu tư về khả năng nước sông Bồ bị ép tràn vào làng sẽ gây lũ lớn. Xã, huyện cũng đã về làm việc, nói là thi công xong sẽ không ảnh hưởng, nhưng bà con vẫn còn lo lắm bởi từ khi triển khai dự án vào cuối năm 2017, đã xảy ra tình trạng lũ vào làng rồi”, ông Phàn nói thêm.

Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong mùa mùa mưa lũ, cư dân xóm Đò còn lo ngại tình trạng nước chảy mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến hai di tích quan trọng của làng Bác Vọng Đông là miếu Bà Tơ và Nhà thờ Đặng Hữu Phổ vốn đã xuống cấp.

Sẽ giải thích cho dân hiểu

Ông Lê Quang, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú cho biết, trước khi dự án nâng cấp tuyến đê Nho Lâm- Nghĩa Lộ được triển khai, qua các đợt tiếp xúc cử tri, bà con xóm Đò đã có đơn kiến nghị lên cấp trên về tình trạng lũ lớn do thiết kế đê không phù hợp và cũng đề xuất xây dựng một tuyến đê chạy dọc sông Bồ để bảo vệ cho xóm trong mùa lũ. Sau khi người dân phản ánh, phía xã, huyện, chủ đầu tư đã tiến hành khảo sát, tiếp xúc và giải thích cho bà con. Tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ được nâng cấp không chỉ đảm bảo ngăn lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn mà còn bảo vệ sản xuất nông nghiệp với hơn 250 ha đất và hàng trăm hộ dân ở địa phương.

Ông Phạm Lê Hữu Tiến, Giám đốc Ban Quản lý công trình đê Nho Lâm- Nghĩa Lộ cho rằng, dự án nâng cấp đê Nho Lâm- Nghĩa Lộ do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng khu vực huyện Quảng Điền làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án mới triển khai một số cống trên đê và ưu tiên những điểm xuống cấp trên toàn tuyến ở các địa phương để phục vụ đi lại, sản xuất trước mắt.

Dự án nâng cấp đê Nho Lâm- Nghĩa Lộ được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng mức đầu tư trên 36 tỷ đồng. Đê dài gần 4,5 km , kết hợp đường giao thông đi qua địa bàn các xã Quảng Phú, Quảng Thọ và các vùng phụ cận. Dọc bờ đê sẽ xây dựng các bến nước sinh hoạt, bãi tránh xe và công trình trên tuyến phục vụ tưới tiêu.

Theo thiết kế, đoạn từ Km0- Km0+566 được xây dựng với kết cấu cao trình đỉnh đê từ +2,8-3,7m, được gia cố bằng bê tông rộng 3,5m; đoạn còn lại dài 3.901m có cao trình đỉnh đê +3,7m, đỉnh đê rộng 5m, được gia cố bằng bê tông rộng 5m.

“Đến nay chúng tôi mới cào bóc lớp phong hóa ở tuyến đê qua thôn Bác Vọng Đông, dự kiến sẽ không nâng cao trình ở đoạn này nên nói lũ sông Bồ ảnh hưởng là do người dân chưa hiểu, lo lắng quá mà thôi. Còn việc xây tiếp đoạn đê từ đoạn miếu Bà Tơ đến khu vực Nhà thờ Đặng Hữu Phổ chạy dọc sông Bồ để bảo vệ  người dân xóm Đò như nguyện vọng của bà con thì không thể thực hiện vì không có kinh phí”, ông Tiến khẳng định.

Theo ông Tiến, trước khi triển khai nâng cấp tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ, đã tiến hành tham vấn cộng đồng dân cư, có sự thống nhất giữa các địa phương là UBND các xã Quảng Phú, Quảng Thọ và có sự thống nhất giữa các ban ngành địa phương trước khi trình phương án phê duyệt. Do vậy, việc người dân xóm Đò phản ánh thực trạng do đê gây ra lũ lớn là thiếu căn cứ.

“Sắp đến phía chủ đầu tư sẽ cùng địa phương về khảo sát lại và sẽ tiến hành giải thích cho bà con khỏi lo lắng”, ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền lý giải, do nằm ngoài đê nên việc bà con xóm Đò lo lắng là có thật. Việc cào bóc lớp phong hóa nền đê cũ để tiến hành xây dựng chứ không hạ thấp cao trình như người dân nghĩ. Tuy nhiên, trước khi dự án đê được triển khai, chính quyền xã, huyện và chủ đầu tư đã giải thích cho bà con hiểu và đã đi đến đồng tình, thống nhất. Việc xây dựng tuyến đê dọc sông Bồ để bảo vệ người dân xóm Đò như nguyện vọng của bà con không nằm trong thiết kế dự án, không khả thi do địa hình và sẽ tốn thêm kinh phí.

“Tuyến đê Nho Lâm- Nghĩa Lộ có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống lũ và phát triển kinh tế ở địa phương. Nếu bà con tiếp tục phản ánh, sắp đến địa phương sẽ cử đoàn về nắm thêm thông tin về nguyện vọng của người dân nhằm giải thích để đi đến sự đồng thuận ”, ông Đức khẳng định.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cấp các xã lên phường

Đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống điện chiếu sáng hay hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư ở các xã, phường mới sáp nhập vào TP. Huế từ tháng 7/2021 là những dự án (DA) đã và đang được UBND TP. Huế triển khai, với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng và đáp ứng các tiêu chí để nâng cấp các xã lên phường.

Nâng cấp các xã lên phường
Nâng cấp thủy lợi phục vụ sản xuất

Nhiều công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng trên địa bàn tỉnh hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng sản xuất. Ngoài nguồn vốn bảo trì của đơn vị quản lý, vận hành, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương lồng ghép kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình, nhằm chủ động nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Nâng cấp thủy lợi phục vụ sản xuất
Nâng cấp hạ tầng nghề cá, thúc đẩy kinh tế biển

Hoàn thiện các công trình chỉnh trị cửa biển, xây dựng hạ tầng nghề cá trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực ngành thủy sản, đảm bảo ổn định hệ thống giao thông thủy và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Nâng cấp hạ tầng nghề cá, thúc đẩy kinh tế biển
Đường Tam Thai được nâng cấp, sửa chữa

Vui mừng. Đó là cảm xúc không chỉ của người dân phường An Tây (TP.Huế) khi tuyến đường Tam Thai xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm nay vốn là nỗi ám ảnh của người qua đường, đang được đầu tư nâng cấp.

Đường Tam Thai được nâng cấp, sửa chữa

TIN MỚI

Return to top