ClockThứ Ba, 19/01/2016 14:32

Đàn ông buôn gánh, bán bưng

TTH.VN - Những người đàn ông buôn gánh, bán bưng chấp nhận đổi lấy sự vất vả để đem về niềm vui cho gia đình. Những trường hợp chúng tôi gặp, không ít người là ông chồng, ông bố tuyệt vời.
 

Ông Quý Tồn mỗi ngày nấu bánh canh bán để nuôi hai con ăn học

Mỗi người một cảnh

Càng về đêm, phố Hàn Thuyên càng nhộn nhịp. Cái tên bánh canh Hàn Thuyên tồn tại suốt nhiều năm nay trong tâm trí nhiều người, chỉ có điểm khác là hơn ba năm trở lại đây, góc phố này có một người đàn ông đứng bán – ông Quý Tồn. Dừng chân ghé lại, hình ảnh người trung niên có dáng vẻ gầy gò loay hoay phục vụ khách, thu hút chúng tôi bởi thái độ niềm nở, chiều khách không khác gì các chủ gánh bánh canh bên cạnh. Khách xoay trăm đường, người đòi quạt, kẻ xin thêm bánh phồng tôm, người gọi bánh canh nhưng cách phục vụ của ông vẫn luôn được bụng tất cả bởi lối nói chuyện nhẹ nhàng và nụ cười hiền lành hiếm khi tắt trên môi.

Đêm khuya vắng khách, ông Tồn mới có thời gian kể cho chúng tôi câu chuyện về đời mình. Giọng ông chùng xuống khác xa lúc vồn vã phục vụ khách. 11 năm trước, khi vừa sinh đứa con thứ hai thì người vợ không may bị tai biến qua đời. Một mình nuôi hai đứa con còn quá nhỏ (đứa lớn 3 tuổi), từ nghề đan lồng chim chuyển sang nghề bán bánh canh. Ngày mới nấu, mặn nhạt vụng về lắm. Phải một tháng, tui mới tập quen dần. Một mình gà trống nuôi con, gánh bánh canh ni chừ cũng lo đủ cho 2 con lớp 8 và lớp 5 đến trường. Cực thì cực lắm, vì tiền học của hai đứa con nhiều nhưng bù lại, đôi khi bán như ri lại nhớ về hình ảnh ngày xưa phụ vợ, cũng tự an ủi lòng để cố gắng lo cho con”, ông Tồn nói..

Mưu sinh trên địa phương mình đã là một cảnh khổ, có những người đàn ông phải bươn chải xa quê như ông Trần Duy Vương (51 tuổi) với mong muốn mâm cơm của vợ con ở nhà bớt đạm bạc. Ngồi ở đường Trần Hưng Đạo từ sáng đến tối, mắt dõi theo từng dòng người qua lại để chờ khách, nhưng khi có người đến mua và cho thêm tiền, chúng tôi thấy ông từ chối, chỉ nhận số tiền bánh mà khách đã mua với lời cảm ơn “mua ủng hộ tui là quý lắm rồi”. Quệt ngang giọt mồ hôi trên trán, ông kể, là người Đà Nẵng và có thâm niên bán bánh su sê da lợn Quảng Nam trên 15 năm, ông đã qua không biết bao con phố. Khi lượng người bán tăng lên, khách chán dần cũng là lúc chén cơm gia đình ông vơi bớt. Ông lặn lội đi Bình Định, Quảng Trị, Quảng Bình thử nghiệm và rồi dừng chân ở Cố đô, nơi nhiều người vẫn còn thấy thú vị với loại bánh của ông. “Tui bán ở Huế được 6 tháng rồi. Cứ 1-2 tháng nhớ nhà là bắt xe về. Hết hàng thì điện thoại người ta gửi ra. Vợ tui ở nhà bán gánh đậu hũ chẳng được mấy đồng. Từ quê ra chỉ có mấy bộ áo quần, cũng không có tiền kiếm chỗ trọ tốt để ngủ nhưng tui chấp nhận hết. Ai cũng hỏi, đàn ông buôn gánh ngoài đường thế này có “dị” không. Tui bảo, không có nghề nào của đàn ông hay phụ nữ cả. Cực thì phải lao động, làm để kiếm tiền chứ đừng ngả tay xin tiền thiên hạ thì có gì mà phải sĩ diện”.

Ông Phú kiểm tra thu nhập sau buổi sáng bán xôi bắp

Vun vén cho con

Ở Huế cảnh đàn ông buôn gánh, bán bưng ngoài đường không phải hiếm nhưng số lượng khá khiêm tốn. Ngang qua rất nhiều con phố trong thời gian nhiều ngày, chúng tôi mới bắt gặp được vài trường hợp. Ẩn đằng sau những con người này là nhiều nỗi niềm và một giấc mơ đẹp. Ông Lê Chiêu Phú, trú tại phường Hương Long (TP. Huế) trải lòng, ngót nghét bước qua tuổi 60, cũng đã có sui gia qua lại. 10 năm làm nghề bán xôi bắp, vợ một đường, chồng một ngả, đôi lần gặp sui gia khiến ông “ngờ ngợ”. Ông bảo: “Trước tui chạy xe ôm, chừ xe ôm nhiều nên chuyển qua làm nghề ni với vợ. Nhiều đêm lưỡng lự định không làm vì thấy “dị”, nhưng rồi suy nghĩ lại thấy vợ cực nên lại lao vào”. Trong suy nghĩ của người đàn ông mái đầu đã ngả bạc, hạnh phúc gia đình không có chỗ cho một người làm, một người hưởng thụ.

Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đời tư, những người đàn ông buôn gánh, bán bưng đi đến một kết luận, gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt là giấc mơ chung mà những người đàn ông “làm nghề của phụ nữ”(cụm từ dư luận hay đặt cho họ) như họ hướng đến. Để đổi lấy niềm vui ấy, nhiều người phải chấp nhận ăn tiêu tiện tặn, chắt bóp từng đồng, thậm chí tới bữa ăn bánh mì thay cơm để dành dụm tiền. Ông Vương tâm sự: “Nghề nghiệp thì không phân biệt nam nữ, tui thấy mình có điểm giống các bà là tiêu gì cũng tính toán suy nghĩ. Làm ra đồng tiền càng khó bao nhiêu thì tiêu càng đứt ruột bấy nhiêu, hơn nữa mục tiêu kiếm tiền là để lo cho con. Nghèo không phải là cái tội. Nhưng cha mẹ nghèo thì tội cho con. Sinh con ra phải nuôi, phải cho con sung sướng. Mình nghèo thì chấp nhận gian nan cực nhọc nhưng phải cho con biết chữ nghĩa để sau này kiếm được công việc tốt hơn bố mẹ nó bây giờ”.

Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đi chợ cũng lắm chuyện hay

Nếu ai đó thường hay đi chợ - chợ truyền thống, từ thành phố đến vùng nông thôn, nhất là đàn ông sẽ càng nhận ra nhiều điều thú vị.

Đi chợ cũng lắm chuyện hay
Đàn ông đứng bếp

Mấy bữa ngoại hay cằn nhằn: “Con cứ để cho ba đứng bếp như rứa không được”, tôi cũng có dạ dạ nhưng rồi thôi. Vì tôi thích thế, vì thế giới đang mới rồi mà.

Đàn ông đứng bếp
Return to top