ClockChủ Nhật, 19/02/2017 05:11

Đặng Nhật Minh & sự dấn thân trong điện ảnh

TTH - Tôi đã nghe tên tuổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh từ lâu, một số phim của ông đã gây tiếng vang, nhưng vào thời đó, tuổi của thế hệ chúng tôi chưa đủ tri nhận để cảm và thích phim của người đạo diễn tài ba này.

Bìa cuồn Hồi kí của Đặng Nhật Minh

Một chiều ngang qua đường Nguyễn Trường Tộ, dừng lại trước vỉa hè sách cũ, lẫn trong những chồng tạp chí Sông Hương, Kiến thức Ngày nay, Văn hóa Phật giáo, Những người khốn khổ, Trăm năm cô đơn… tôi phát hiện cuốn Hồi ký Điện ảnh của Đặng Nhật Minh. Gửi số tiền chỉ bằng một ly cà phê vỉa hè cho người bán sách cũ, cầm về nhà đọc, tôi như bị cuốn hút vào những câu chuyện của quá khứ mà người kể không sử dụng bất kỳ một sự cường điệu nào hay thể hiện bút pháp Đông Tây nào. Ở thế giới đó là những hồi ức về người bố của ông là giáo sư Đặng Văn Ngữ, người mẹ của ông là bà Tôn Nữ Thị Cung bên dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong, cùng những mảnh vỡ được ông nối ghép lại như những thước phim được dựng lên rất tự nhiên qua những câu từ giản đơn đi vào lòng người đọc.

Cũng có thể do sự đam mê điện ảnh đã tạo nên thôi thúc bên trong nên có phần chủ quan khi đọc hồi ký của một đạo diễn danh tiếng. Còn nhớ một lần tình cờ ngồi cà phê ở Bưu điện tỉnh với nhà văn Tô Nhuận Vỹ, anh Vỹ kể câu chuyện cảm động của một nhà khoa học Nhật Bản đã di chúc lại cho chồng là sau khi bà qua đời, tro cốt của bà được chia thành ba phần, một phần được gửi về quê hương của giáo sư Đặng Văn Ngữ mà sinh thời bà rất kính mến. Hôm đó, anh Vỹ đã gọi điện cho anh Thành - Chủ tịch UBND TP. Huế để hỏi về thủ tục rải tro cốt trên sông Hương...

Trở lại với những câu chuyện cảm động trong hồi ký của ông, tôi nhận ra nghệ thuật chỉ dành cho hai loại người, một là người chân thật, hai là người có đầu óc tưởng tượng và hư cấu đến độ siêu thực. Cũng như trong hội họa vậy, tả thực và siêu thực hay trừu tượng đều cần đến tài năng. Đạo diễn Đặng Nhật Minh thuộc típ người chân thật.

Đọc hồi ký của ông, tôi biết thêm được xã hội miền Bắc của những thập niên 60, 70 thế kỷ trước; biết được tâm trạng của ông trong thời khắc lịch sử ông có mặt ở Dinh Độc Lập. Hiểu được gia đình của ông và nỗi cô đơn khi đối diện lần lượt với những mất mát của từng người thân trong gia đình. Tôi còn biết được cầu Ông Thượng ở làng Lại Thế do một vị Thượng thư Bộ Hình thời Khải Định là ông ngoại của Đặng Nhật Minh xây dựng. Biết được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết lời thơ cho phim “Thị xã trong tầm tay” được Trịnh Công Sơn phổ nhạc đưa vào trong đoạn kết của phim, còn phim tài liệu “Nguyễn Trãi” do Hoàng Phủ Ngọc Tường viết lời bình. Những câu chuyện kể về quá trình làm phim đầu tay “Những ngôi sao biển”, phim tài liệu “Nguyễn Trãi”, phim truyện “Thị xã trong tầm tay”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”... như mỗi bài học cho những người trẻ theo nghề điện ảnh. Sau này, Đặng Nhật Minh còn thành công hơn với các phim “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”... và gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá trong nước, quốc tế, được đồng nghiệp đánh giá cao cũng như sự yêu mến của khán giả.

Từ cuốn sách của đạo diễn Đặng Nhật Minh, tôi càng hiểu được con đường ông đến với nghệ thuật thứ bảy đầy cam go, thử thách và bấp bênh như thế nào. Nghĩ cũng lạ, vào năm 1976, lần đầu tiên được cử đi thực tập đạo diễn điện ảnh ở Bulgarie 6 tháng, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng xem ra, bên trong con người ông như sẵn có dòng máu và lối tư duy của nghệ thuật thứ bảy và sự miệt mài trầm tư của một con người dấn thân, ông đã tạo ra một dấu ấn mới cho điện ảnh Việt Nam. Và, chợt hiểu ra rằng, muốn thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào ngoài sự may mắn còn phải nỗ lực học hỏi, nhất là tự học, tự nghiên cứu và dấn thân trọn vẹn.

Bài, ảnh: Lê Huỳnh Lâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấn thân vào những việc mới, việc khó

Trong khuôn khổ Tháng Thanh niên năm 2024, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua tình nguyện, tham gia đảm nhận nhiều công trình, phần việc thanh niên, góp sức trẻ cùng hệ thống chính trị thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Dấn thân vào những việc mới, việc khó
Mai, Đào và cách quản lý khán giả chưa đủ tuổi đến rạp

Những ngày qua, hai bộ phim điện ảnh “Mai” do Trấn Thành làm đạo diễn và “Đào, phở và Piano” là chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trên các diễn đàn mạng xã hội. Một bên là phim do tư nhân sản xuất, bên khác là do Nhà nước đặt hàng. Điểm chung là hai phim này đều nhận được sự quan tâm của công chúng, khán giả cả nước.

Mai, Đào và cách quản lý khán giả chưa đủ tuổi đến rạp
“Văn chương thời nào cũng cần sự dấn thân”

Đề cập đến những phận người, đời sống chính trị qua nhiều triều đại, thời kỳ trong lịch sử Việt Nam, tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự” của nhà văn Lê Vũ Trường Giang vừa vinh dự đạt giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã buổi trò chuyện với anh xung quanh tác phẩm và công việc sáng tác.

“Văn chương thời nào cũng cần sự dấn thân”
Return to top