ClockChủ Nhật, 19/08/2018 19:00

Đằng sau bài giảng

TTH - Khi khách đến, ông Hòa đang đứng trước ngõ, mắt dõi về ngôi trường tiểu học bên kia đường. Khách lên tiếng: “Bác đợi ai mà đứng đây?”. Dường như không nghe, ông lẩm bẩm: “Quá năm giờ rồi, sao không đánh trống nhỉ?” Vẫn đắm trong niềm riêng, ông để mặc câu hỏi của khách lửng lơ. Khách là một phụ nữ, tuổi trạc sáu mươi và anh bộ đội khoảng ngoài ba mươi; với vẻ ngơ ngác và mệt mỏi, với bụi đường vương áo, khiến họ có vẻ vừa trải dặm dài và đến từ phương xa. Hai vị khách đâu hiểu, dù rời bục giảng đã lâu nhưng ông vẫn giữ thói quen lấy tiếng trống trường để biết thời khắc trong ngày.

Về nhà

Người phụ nữ tiến thêm một bước, nhìn thẳng người đối diện, giọng rụt rè: “Xin lỗi, bác còn nhớ em không?” Ông Hòa giật mình, chớp mắt nhìn khách; vẻ lúng túng, cười gượng: “Xin lỗi, từ từ…” Ông tròn mắt, đưa tay gỡ kính, lặng hồi lâu rồi lắc đầu khe khẽ, giọng tiếc nuối lẫn bất lực: “Chịu! Cũng thấy quen quen nhưng... già rồi…”  Khách tươi cười, gợi mở: “Bác quên những ngày dạy học ở miền Bắc trước đây rồi sao?” Ông ngớ người, cúi xuống một lúc, đưa tay vỗ nhẹ lên trán rồi bất ngờ giọng vút cao như reo: “Cô Yến!?” Người phụ nữ rối rít gật đầu, nắm chặt tay ông, nước mắt chảy dài.

***

Hồi đó, để lại sau mái trường cháy nham nhở trong bom giặc, ông có mặt trong đoàn quân rầm rập tiến về phương Nam. Hơn năm sau, từ chiến trường ông về lại mái trường; cái bục giảng bỗng nhiên cao với cái chân phải giờ đây là chân giả của ông. Là tổ trưởng xã hội của trường, dưới ông có chín cô, trong đó có Yến. Trong khi nhiều đồng nghiệp ra đi từ đồng ruộng thì Yến là người thành phố. Vẫn thoa nhẹ chút son phấn, vẫn guốc cao gót cùng áo quần luôn được là thẳng nếp, ngày ngày Yến vượt qua những con đường đồng nhầy nhụa bùn để lên lớp. Cô càng đẹp nổi bật trước những lớp học lợp tranh vách đất cùng đám học trò tóc râu ngô khét nắng, đi học vẫn quần đùi áo cộc, lấm lem bùn đất.

Những chủ nhật không về nhà, Yến cùng vài đồng nghiệp thường đến nhà ông chơi; khi thì hỏi về một bài thơ hay, lúc muốn biết nhiều hơn một địa danh ở miền Nam, nơi cô chưa từng đến. Có những điều Yến đưa ra, ông cũng lắc đầu, cười; chẳng hạn như, bảy nịnh thần mà Chu Văn An xin vua Trần chém đầu là ai; những câu thơ ngạo nghễ và đầy khí phách “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông” hay “Trong khoảng trăm năm cần có tớ/Sau này muôn thuở há không ai?” ở bài thơ nào của Nguyễn Công Trứ… Cứ thế, chuyện giữa họ kéo dài, có khi hết buổi.

Những lúc ấy, vợ ông từ dưới bếp nhìn lên với đôi mắt nhiều tròng trắng cùng những cái lườm nguýt rõ dài. Vẻ bứt rứt, chị đá thúng đụng nia liên hồi rồi đi tới đi lui với những bước chân thình thịch đầy bực tức. Bỏ dở việc đang làm, chị chạy ra rượt lũ gà đang bươi phá rồi phát bét bét vào mông thằng cu đang hốt đất bỏ vào vại nước. Tiếng gà nháo nhác lẫn tiếng khóc thét của thằng bé đã tiễn khách ra ngõ.

“Yến chửa hoang”, những lời xầm xì ấy lòng vòng rồi cũng đến tai ông Hòa. Ông ngớ người. Hội đồng kỷ luật nhà trường họp xét kỷ luật Yến. Như nhiều người, ông ái ngại khi có mặt trong cuộc họp không mong đợi ấy. Riêng Hợi, hiệu phó nhà trường cùng vài người là được dịp thể hiện “trách nhiệm với đồng nghiệp.” Trước đây, Hợi là đồng môn, học trên Yến hai khóa; từng theo đuổi Yến nhưng cô chỉ thương anh bạn cùng lớp.

“Là người thầy, sao lại thế?! Còn thủ phạm, thằng mất dạy ấy đâu rồi? Trong môi trường mô phạm này không có chỗ cho con người đồi phong bại tục như cô! Không thể làm gương cho các em khi vác cái bầu ô nhục ấy đứng trên bục giảng!” Lời sắt thép của Hợi trùm lên phòng họp căng thẳng đến ngột ngạt lẫn trong tiếng nấc của Yến. Cô rũ người nơi góc phòng, suốt buổi cứ gằm mặt xuống bàn, len lén đưa tay kéo vạt áo so le trước bụng. Lời cô đẫm trong nước mắt: “Với tôi thì sao cũng được nhưng không được đụng đến anh ấy đang chiến đấu ngoài mặt trận. Dù thế nào tôi cũng không bỏ giọt máu của anh ấy đâu.” Hợi lại lồng lộn lên.

Ông Hòa bật dậy, tay chém xuống như cái ba-ri-e ngăn những lời cay độc đang dồn về phía người đồng nghiệp đáng thương: “Chúng ta dạy các em phải biết yêu thương, phải lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, trong khi chúng ta dùng ngôn từ đao búa để phê bình xây dựng cho đồng nghiệp?!” Ông lắc đầu, mặt hằn những nếp nhăn đau khổ, giọng lạc đi: “Dù sao việc đã rồi, chúng ta tôn trọng quyết định của cô Yến và giúp đỡ chứ không làm cô ấy khổ thêm. Nếu lúc này thấy cô đứng lớp không tiện thì để cô phụ trách thư viện một thời gian.” Mọi người nhất trí với đề xuất của ông. Hợi hậm hực rời phòng họp.

Không hiểu từ đâu, trong trường bùng lên tiếng đồn rằng, thầy tổ trưởng xã hội dan díu với cô Yến. Ông Hòa điếng người nhưng rồi chua chát cười trước trò hèn mạt ấy. Ông đau đớn khi cảm thấy học sinh cũng chỉ còn sợ ông là người chấm bài cho điểm chúng chứ không còn gần gũi lễ phép như ngày nào. Thói quen đến thư viện đọc sách của ông, giờ có kẻ cũng xuyên tạc. Biết không thể làm gì với những lời ác độc lén lút, ông nén lòng với nỗi đau âm thầm, dai dẳng.

Ông lui về gia đình, những mong tìm bình yên nhưng không, nơi đó không còn là tổ ấm nữa rồi. Vợ ông thường buông lời cay nghiệt xa xôi, không khí nặng nề bao trùm cả trong bữa ăn hay những khi nhà có khách. Giường ngủ của vợ chồng cách bàn làm việc của ông tấm ri-đô mỏng nhưng giờ đây bỗng nhiên xa. Nhiều đêm ông cố thức chấm bài, đọc sách chờ vợ đi ngủ trước nhưng nghe tiếng trở mình liên tục sau tấm màn mỏng nên đành xuống chái bếp nằm ghé với hai con.

Biết là lòng dạ méo mó của Hợi được dịp thỏa mãn và người khác có thể hiểu lầm nhưng ông vẫn đưa Yến xuống phố huyện đón xe về nhà, chờ ngày sinh nở. Trong trường chỉ ba người có xe đạp nhưng người đi xe vững thì ông không thấy ai. Nhìn mấy cô tập chạy xe mà cứ như đi… đánh nhau, không trầy xước mặt mũi thì cũng rỉ máu tay chân nên ông ngại. Đoạn đường hai mươi cây số đèo dốc đưa Yến xuống bến xe lần ấy khiến cái chân thương tật của ông rỉ máu nhưng vết thương vô hình làm ông đau đớn hơn nhiều.

***

Ba người ngồi lặng bên nhau; ngoài kia, cánh đồng mông quạnh trong chiều tàn. Cả tiếng quốc khắc khoải gọi bạn ở đầm sen trước ngõ, cả tiếng gù của chim câu trên mái ngói giờ cũng im hẳn. Có lẽ họ không biết nên bắt đầu từ đâu để chắp nối câu chuyện của gần bốn mươi năm trước. Người phụ nữ phá tan im lặng bằng cách vỗ vai chú bộ đội, lên tiếng: “Cháu tên là Thắng; chính nó đã làm khổ mẹ và bác đấy”.  Ông Hòa mỉm cười: “Mẹ làm khổ cháu chứ”. Ông nhìn ve áo của chàng trai, nheo mắt, xuýt xoa: “Chà, cháu đã là thiếu tá rồi đấy”. Thắng cúi đầu, vẻ bẽn lẽn, nắm chặt lấy bàn tay ông đưa ra. Chẳng đợi chủ nhà hỏi, Yến trải lòng, nỗi buồn xa xăm lắng trong từng lời của chị.

“Bố cháu đi cả đời cũng không về được với mẹ con em. Trước lúc hy sinh, anh ấy kịp trao cho đồng đội cuốn nhật kí, trong đó có ghi lại những ngày hạnh phúc ngắn ngủi khi em đến thăm ở Đô Lương, cả cái đêm hai đứa dành trọn cho nhau trước khi bố cháu vào chiến trường. Anh ấy đã nhận thư em nên biết mình sắp có con... Ngày đưa cháu về thăm bên nội, em đắn đo mãi bởi dù gì cũng chưa chính danh. Nhưng vừa gặp nhau, bà nội đã ôm chầm lấy cháu, người thân thì tròn mắt kinh ngạc bởi nó giống bố lắm, bác ạ. Thắng là đứa cháu nội duy nhất của gia đình có ba người con trai và cả ba đã hy sinh trong những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm cứu nước năm xưa. Sau này, nhà có công to việc lớn, bà nội đều gọi Thắng về, đều lấy ý kiến nó làm trọng. Có bữa ở nhà thờ họ, khi phải ngồi chiếu trên và nghe những người đáng tuổi ông tuổi chú gọi anh, gọi bác, nó ngượng, bỏ ra sau hè đứng với gốc xoài. Bà cháu phải ra lôi vào.”

Yến dừng lời, được san sẻ những điều sâu kín dường như cho chị nhẹ lòng. Chị lặng nhìn ánh trăng ngời ngợi trên sân, mặt man mác buồn. Đón ly nước từ tay chủ nhà, chị tiếp: “Sau này, em tìm về trường xưa, biết là chị nhà đã mất, bác đã hồi hương sau ngày thống nhất; Hợi thì bị buộc ra khỏi ngành vì sàm sỡ các nữ sinh thực tập…Em chắc chẳng bao giờ còn gặp lại bác. Tình cờ năm trước em đọc bài báo đòi khôi phục danh dự cho bác. Bài báo kể về việc bác bị trả thù vì tố cáo những cán bộ xã tham nhũng đất đai và kinh phí xây dựng các công trình do dân đóng góp. Lần này, sau khi đi tìm mộ bố cháu, mẹ con em cứ theo địa chỉ trên bài báo ấy. May quá!”

“Mẹ con cô đến thăm, tôi mừng lắm. Hưu rồi nhưng gặp lại đồng nghiệp, nghe tiếng trống trường, lòng tôi lại náo nức vui”. Ông Hòa lên tiếng, vẻ xúc động hiện rõ trên mặt. Ông trầm ngâm hồi lâu rồi nói như nói với chính mình: “Tôi nghĩ, đằng sau bài giảng, người thầy phải xứng đáng với chính những điều tốt đẹp mình đã dạy học sinh. Nếu không được thế thì… buồn lắm!”

Không phải bằng lời mà bằng ánh mắt, họ nhìn nhau trong đồng cảm. Người phụ nữ xoay người nhìn quanh nhà, mắt chị dừng lại lâu hơn nơi bàn thờ gia tiên. Ở đó, gia chủ không thờ chữ phước quen thuộc mà rực rỡ một chữ tâm, không phải viết bằng mực tàu đen nhánh mà bằng màu của trái tim.

Lương Mẫn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Tết muộn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển quanh năm đượm mùi tôm cá. Tết của những làng chài ven biển cũng không khác gì ở những nơi khác, có chăng chỉ là tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển xa biền biệt của ba. Vì thời gian tết về thì ở chỗ chúng tôi cũng là lúc bắt đầu mùa cá. Khi ấy những người đàn ông sẽ dong thuyền ra khơi và có khi đi cả tháng trời mới về. Tết của chúng tôi khi ấy vừa là hòa vào không khí chung của ngày lễ cổ truyền, vừa là sự chờ đợi và cầu bình an cho những người chủ gia đình đang lênh đênh trên sóng.

Tết muộn
Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng

Vòng xe chúng tôi lăn bánh từ Nghệ An rồi trở lại Huế, chưa có chuyến đi nào đầy cảm xúc như chuyến đi này. Mỗi gia đình người hiến mô/tạng là một câu chuyện khác nhau, song tựu trung vẫn là cái nhìn vị nhân sinh, sự cho đi nặng trĩu tình người…

Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng
Quý nghề xưa, giữ nếp nhà

Bánh tiến cung tưởng lùi vào dĩ vãng vẫn được gìn giữ theo cách riêng mỗi gia đình. Nhờ vậy, một dòng mạch ngầm ẩm thực âm thầm chảy trong đời sống người Huế, mang theo tình yêu và niềm tự hào một thuở…

Quý nghề xưa, giữ nếp nhà

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top