ClockThứ Sáu, 08/07/2016 20:23
LAO ĐỘNG TỰ DO:

Đánh cược số phận

TTH - Không ký hợp đồng lao động, lao động tự do thiệt cả trăm đường. Trước sức ép công việc, họ mạo hiểm đánh cược số phận của mình khi chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm mà không cần bảo hộ.

Một công trình không có lưới bảo vệ ở Phú Thượng (Phú Vang)

Gian nan đời thợ

Huế vào mùa nắng nóng. Trên các công trình xây dựng dễ bắt gặp hình ảnh lao động oằn mình trong lớp áo cũ sờn vai và chiếc mũ vải chuyển màu bạc phếch. Bảo hộ của lao động tự do chỉ có vậy, cốt tránh cái nắng đang táp vào mặt khi phải làm việc trên cao với cường độ từ 10-12 tiếng/ngày. Nhiều công trình xây dựng “lộ thiên”, không được che chắn bằng lưới bảo vệ. Các giàn giáo bằng gỗ được bắc chênh vênh, người lao động di chuyển lên xuống giữa các tầng lầu bằng cách... leo trên các cây gỗ. Chỉ một chút sơ sẩy, họ sẽ phải lãnh đủ. Có lao động gần 30 năm trong nghề mà chưa một lần mặc bảo hộ lao động trong khi làm việc. Họ nhắm mắt làm ngơ, chấp nhận sinh nghề tử nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Bình (Phước Vĩnh – TP Huế) buồn rầu kể: “Tôi từng làm thuê cho nhiều chủ thầu, xây nhiều công trình cao tầng nhưng chưa hề được trang bị bảo hộ lao động. Hàng ngày chứng kiến không ít cảnh tai nạn lao động ngã giàn giáo, gạch, sắt rơi trúng người… nhưng vẫn phải làm việc vì cứ “ráo mồ hôi” là cạn đồng tiền. Bao năm tính mua thẻ bảo hiểm y tế phòng thân cũng không mua nổi”.

Ông Hoàng Văn Phước, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động  (Sở LĐ, TB&XH) cho biết: “Qua những đợt kiểm tra, việc chấp hành các quy định của  luật lao động mới tập trung tại doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI còn doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như bỏ ngỏ. So với lao động có hợp đồng, những lao động tự do thiệt thòi hơn nhiều về chế độ, chính sách. Họ không được đảm bảo đầy đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn, khám sức khỏe định kỳ hay phân loại lao động (các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) để thực hiện chế độ bồi dưỡng…Do nhận thức hạn chế, phần vì “miếng cơm manh áo” nên nhiều lao động vẫn phải chấp nhận làm việc”.

Gần 17.000 lao động thời vụ không được bảo vệ​

Toàn tỉnh có 90.000 lao động làm việc ở gần 3.600 doanh nghiệp, trong đó, có gần 17.000 lao động làm việc thời vụ, không có quan hệ lao động. Đây là nhóm đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp khi phải chịu cường độ làm việc và áp lực lớn trong môi trường không an toàn. Họa vô đơn chí bất ngờ ập xuống khiến nhiều người thương tật suốt đời, thậm chí thiệt mạng. Trong vòng 20 năm, toàn tỉnh có trên 1.000 lao động bị tai nạn lao động, trong đó, có gần 100 người chết và trên 130 người bị thương nặng, mất khả năng lao động.

Đến nay, dư luận vẫn còn bàng hoàng khi cả hai anh em Hùng – Dũng (Hương Hồ - thị xã Hương Trà) bị điện giật khi đang quét sơn tường ở một nhà tư nhân khiến cả hai người phải cắt bỏ hai bàn tay. Chủ thầu chỉ vào viện thăm một vài lần, đưa một ít tiền bồi dưỡng. Gia đình hai anh cũng không dám đòi hỏi gì hơn, bởi lương tính theo công nhật, không hợp đồng nên không có gì ràng buộc trách nhiệm đối với chủ lao động. Từ lao động chính trong nhà, chuẩn bị lập gia đình, cả hai người phải đối mặt với bệnh tật triền miên, mặc cảm bản thân và không thể tiếp tục công việc khi thương tật nặng.

Hay nghiêm trọng hơn, vụ tai nạn ngạt khí mê tan ở Công ty cổ phần Vinh Phát khiến 3 người tử vong, trong đó, có một lao động thời vụ. Chị Phan Thị Ngọc Anh (xã Phú Lương – Phú Vang) có chồng bị tai nạn lao động chia sẻ: “Anh mới vào làm việc ở công ty được vài ngày thì gặp nạn. Mặc dù công ty kịp thời hỗ trợ tiền thuốc men gần 1 tỷ đồng nhưng chồng tôi vẫn không qua khỏi. Anh mất, tôi vô cùng khó khăn, một tay nuôi hai con dại, bố mẹ chồng thì già yếu.Từ chỗ làm công nhân may ở khu công nghiệp Phú Bài, tôi phải nghỉ việc chăm hai con, chăm sóc bố mẹ chồng”.

Ngoài những trường hợp tai nạn có tính nghiêm trọng, còn lại hầu như doanh nghiệp không báo cáo với các ngành chức năng. Họ chọn giải pháp thỏa hiệp với người nhà nạn nhân, nên số vụ việc đơn vị báo cáo chỉ chiếm 10%. Khi lao động xảy ra sự cố, do chỉ vào làm việc theo thỏa thuận miệng với chủ thầu nên hết việc là cũng hết lương, không có chế độ gì, còn khi chẳng may gặp tai nạn cũng không rõ sẽ được đối xử thế nào. Thậm chí sau tai nạn, nếu không làm được việc, chắc chắn lao động bị sa thải. Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động TB&XH cho hay: Cái khó là lao động tự do làm việc theo thời vụ, không phải ký hợp đồng trực tiếp với chủ thầu chính thức của dự án mà qua 4-5 lượt chủ thầu đảm nhận các phần việc. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn rất khó giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho lao động.

Xử lý chưa quyết liệt

Theo BHXH tỉnh, nhiều doanh nghiệp rất “khôn ngoan” trong việc lách luật, cứ ký hợp đồng cho lao động dưới 3 tháng/lần để tránh đóng BHXH bắt buộc. Thậm chí, còn chứng minh người lao động có đơn kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp... không đóng BHXH, BHYT miễn trả công sòng phẳng. Câu chuyện ấy chỉ là một nốt trầm phản ảnh thực trạng lao động quá bức bách về việc làm nên “ngại” đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình bởi sợ mất việc. Nhưng, ngoài kia vẫn còn rất nhiều lao động tự do âu lo khi tương lai không biết về đâu. Chị Nguyễn Thị Ngọc làm công nhân ở một Công ty may mặc nỗi niềm: “Tôi sắp đến ngày sinh nở nên gắng gượng làm được đồng nào hay đồng nấy. Tôi làm ở công ty được 5 năm nhưng không có BHYT, BHXH nên không được hưởng chế độ thai sản như những người khác. 6 tháng ở nhà, tôi không biết xoay xở thế nào”.

Các ngành chức năng vào cuộc sau khi kiểm tra đã đưa ra rất nhiều kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp phải cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã truy thu trên 2 tỷ đồng BHXH, BHYT ở nhiều đơn vị không ký hợp đồng, không đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tiếc rằng, mỗi năm lực lượng chức năng chỉ kiểm tra khoảng 60 đơn vị, tập trung ở những ngành nghề nguy hiểm độc hại nên các doanh nghiệp nhỏ hầu như bỏ ngỏ. Hơn nữa, mức phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn bảo hộ lao động quá thấp nên phần lớn chủ sử dụng lao động chấp nhận nộp phạt để khỏi phải bỏ khoản tiền trang bị bảo hộ cho công nhân.

Bộ luật Lao động mới chỉ hướng đến lao động chính thức, thế nên, chính sách BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân được xem là cứu cánh đối với lao động tự do để họ có lương hưu. Tuy nhiên, lao động ở khu vực này hầu như không tham gia. Mỗi tháng họ phải đóng ít nhất  22% theo mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn (150.000 đồng/người/ tháng) là quá sức. Bởi lẽ, họ đang sống trong cảnh “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” khi thu nhập thấp, công việc không ổn định mà thời gian tham gia đóng BHXH lại dài đến 20 năm. Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” cứ bủa vây khiến cơ hội tự bảo vệ mình khó lòng thực hiện. Thêm một lần nữa,  gần 17.000 lao động tự do đang đứng ngoài cuộc mặc dù có nhiều chính sách an sinh xã hội bảo vệ người lao động. 

Làm gì để bảo vệ quyền lợi cho lao động tự do?

Ông Trần Quang Vinh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh:

Lao động tham gia nghiệp đoàn để được hỗ trợ

Hiên nay, Liên đoàn lao động TP Huế đã thành lập được 8 nghiệp đoàn với  hơn 700 đoàn viên đang sinh hoạt và hoạt động hiệu quả.

Khi xảy ra tai nạn trong lao động, mặc dù lao động chưa có đơn nhờ can thiệp nhưng theo quy định, đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh cùng lực lượng chức năng sẽ xác minh vụ việc và tiến hành các bước tiếp theo để đảm bảo quyền lợi cho người lao động...

Ông Phan Quang Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ, TB&XH:

Yêu cầu doanh nghiệp ký hợp đồng lao động

Cá nhân người lao động tự do phải tự bảo vệ mình là chấp hành pháp luật và cẩn trọng trong làm việc. Họ phải hiểu biết chính sách, luật lao động để thỏa thuận với doanh nghiệp về thời gian, giá cả, điều kiện việc làm. Khi làm việc cho chủ lao động, phải yêu cầu được ký hợp đồng, được tham gia BHXH, BHYT cũng như được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn...

Ông Trần Văn Thịnh, Giám đốc Công ty CP Ánh Dương (TP Huế):

Nên nhìn nhận nghiêm túc về công việc

Nhiều lao động không hiểu biết về an toàn lao động. Thế nên, khi doanh nghiệp trang thiết bị bảo hộ, họ thường không sử dụng, sợ vướng víu, giảm năng suất lao động. Đã đến lúc, người lao động cần có cái nhìn nghiêm túc về đóng góp của mình trong các doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm

Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân vào giai đoạn làm đòng, sắp trổ đại trà, một số diện tích gieo cấy sớm đã trổ. Đây là giai đoạn quan trọng trong các thời kỳ sinh trưởng của lúa, gần như quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm tốt của vụ mùa với điều kiện không bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại.

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm
ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm

Khu vực châu Âu vừa chứng kiến số lượng gia tăng các ca nhiễm chủng siêu vi khuẩn hypervirulent Klebsiella pneumoniae (hvKp) kháng kháng sinh, được dự báo sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong gia tăng, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trong một báo cáo.

ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm
Cảnh báo bỏng do pháo tự chế

Chỉ trong vài ngày, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận 4 ca bị bỏng do pháo tự chế mua trên mạng internet. Trong số này, một trường hợp bỏng nghiêm trọng đang được lên kế hoạch phẫu thuật.

Cảnh báo bỏng do pháo tự chế
Cẩn trọng khi tham gia giao thông vào mùa mưa

Điều kiện thời tiết mưa gió, đường trơn trượt, tầm nhìn bị hạn chế... luôn tiềm ẩn những yếu tố ảnh hưởng đến an toàn của các phương tiện khi tham gia giao thông.

Cẩn trọng khi tham gia giao thông vào mùa mưa
Một trường hợp bị chó cắn nghiêm trọng

Chiều 1/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho biết vừa tiếp nhận tiêm chủng một bệnh nhi bị chó cắn nghiêm trọng với nhiều vết thương, trong đó có 5 vết thương sâu.

Một trường hợp bị chó cắn nghiêm trọng
Return to top