ClockThứ Bảy, 05/01/2013 06:52

Đánh thức tiềm năng, hứa hẹn tăng tốc

TTH - Năm 2012 ghi nhận sự tăng tốc, để lại những dấu ấn đậm nét và làm bản lề thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển.

Từ những dự án mới

Sau gần một năm thi công, tháng 6-2012 dự án Nhà máy may trang phục của Công ty TNHH Tokyo Style Việt Nam hoàn thành và đưa vào hoạt động. Là DN 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, dự án có tổng vốn đầu tư 21 triệu USD, chuyên sản xuất các loại sản phẩm may mặc với công suất 500 ngàn sản phẩm/năm. Đến năm 2015, sẽ tăng công suất lên gấp đôi, với sản lượng sản xuất hàng năm 1 triệu chiếc; kim ngạch sản xuất hàng năm 8 triệu USD, giải quyết việc làm cho gần một ngàn lao động.

Lĩnh vực dệt may ngày càng phát triển

Năm 2013, phấn đấu chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tăng 11%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.200 tỷ đồng, tăng 14,6% so với ước thực hiện năm 2012; sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như xi măng 2,2 triệu tấn, bia 220 triệu lít, sợi các loại 37.000 tấn, men Frít 45.000.

Nhiều dự án mới cũng đều vận hành, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.900 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2011. Tại KCN Phú Bài, nhiều dự án đầu tư mở rộng khởi động và đi vào sản xuất, đó là Nhà máy sản xuất Sợi Phú Mai với công suất 17 ngàn cọc sợi, Nhà máy may Trang phục lót cao cấp HBI - giai đoạn 3 với công suất 40 triệu sản phẩm/năm và nhà máy may công suất 24 chuyền may của Công ty CP Dệt may Phú Hòa An... Lĩnh vực thủy điện có 3 dự án hoàn thành phát điện thương mại là Bình Điền, Hương Điền và A Lưới. Tháng 6-2012, dự án thủy điện A Lưới chính thức phát điện 2 tổ máy tổng công suất 170 MW, sản lượng điện trung bình 686 triệu kWh/năm; đồng thời, khởi công 3 nhà máy thuỷ điện A Roàng, Alin và Tả Trạch.

Ông Lê Tự Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương nhận xét: “Năm 2012, lĩnh vực công nghiệp phát triển khá nhanh và hiệu quả. Các lĩnh vực, như chế biến nông-lâm-thủy hải sản; sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, dệt may, thủy điện... ngày càng mở rộng và phát triển từ địa bàn TP Huế đến các vùng sâu, vùng xa. Chất lượng sản phẩm nâng cao, năng lực sản xuất tăng nhanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Tạo sự bứt phá

Đầu năm 2013, một dự án quy mô lớn sẽ triển khai xây dựng tại KCN Phong Điền, đó là tổ hợp nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời. Theo Trưởng ban BQL các KCN tỉnh Nguyễn Hữu Trân, đây là dự án có vốn đầu tư lớn nhất được cấp phép trong năm 2012, tạo bước đột phá đối với công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh; đồng thời, tạo tiền đề để tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án lớn của các DN, tập đoàn trên thế giới đầu tư trên địa bàn tỉnh. Với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 300 triệu USD, dự án do Công ty CP Đầu tư chuyển giao Worldtech liên doanh, hợp tác với Tập đoàn Global Sphere (UAE) nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, hiện đại của thế giới. Theo đó, dự án hoàn thành đưa vào hoạt động vào tháng 5-2015 với công suất 65 MWp/năm.

Năm 2013 Nhà máy Bia Phú Bài sẽ nâng công suất thêm 180 triệu lít/năm với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng

Ông Chu Tất Thắm, Giám đốc CN Công ty CP Đầu tư chuyển giao Worldtech tại Huế cho biết: “Đây là dự án công nghệ mới lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, trong đó Thừa Thiên Huế là địa phương được chọn để triển khai dự án. Đưa vào hoạt động, 90% sản phẩm sẽ được bao tiêu để xuất khẩu ra các nước trên thế giới và 10% sẽ cung ứng cho thị trường trong nước.”

Giai đoạn 2010-2015, ngành công thương phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp từ 14.280- 14.900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 16% -17%, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới đạt trên 99%, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 650-700 triệu USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt từ 11.800-25.000 tỷ đồng.

Năm 2013, nhiều dự án trên lĩnh vực công nghiệp tiếp tục được đầu tư và đưa vào hoạt động. Đó là dự án xây dựng nhà máy chế biến cát trắng của Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt Phương với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, công suất 50.000 tấn men frít/năm và 650.000 tấn thuỷ tinh các loại góp phần khai thác tiềm năng và lợi thế vùng cát trắng Phong Điền; nhà máy chế biến xỉ titan công suất 10.000 tấn/năm của Công ty TNHH Nhà nước MTV Khoáng sản Thừa Thiên Huế với tổng vốn đầu tư 164,2 tỷ đồng, Công ty TNHH Bia Huế sẽ khởi công dự án có tổng vốn 1.600 tỷ đồng tại Nhà máy Bia Phú Bài, nâng công suất thêm 180 triệu lít/năm.

Một số nhóm ngành mới, như sản xuất quặng zincon, rutile, áo Jacket, menfrit, đan sợi nhựa, dăm gỗ nguyên liệu giấy, sợi... không ngừng gia tăng sản lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các dự án trọng điểm trong lĩnh vực công nghiệp được tập trung đẩy nhanh tiến độ, như Nhà máy Thuỷ điện Hương Điền, A Lưới, xi măng Đồng Lâm, Nam Đông, Long Thọ II; dự án phát triển các khu, cụm công nghiệp -TTCN tiếp tục đầu tư, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thời gian tới.

Ngành Công nghiệp của tỉnh thực sự được đánh thức với hàng loạt các dự án sản xuất bia, vật liệu xây dựng, dệt may, men Frít, khoáng sản được đầu tư mở rộng; các khu- cụm công nghiệp phát triển nhanh cùng với nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục. Năm 2013 hứa hẹn là năm công nghiệp tiếp tục tăng tốc theo hướng vừa đầu tư mở rộng quy mô vừa tăng năng lực sản xuất, góp phần tạo động lực để ngành công nghiệp tiếp tục bứt phá, đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra và gặt hái được nhiều thành quả trong năm 2013.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5

Nhằm đảm bảo cấp điện trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 tới, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các phòng ban chức năng, các đơn vị trực thuộc thực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu sinh hoạt, lễ hội của nhân dân trên địa bàn.

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30 4 và 1 5
Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

Chiều 10/4, tại Nghệ An, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh
Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

Sau thời gian gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cũng như yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và một số thị trường khác phải đảm bảo “đơn hàng xanh”, năm 2024 các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may trên địa bàn tích cực đầu tư nhà xưởng, thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu nên đã phục hồi trở lại và ổn định sản xuất kinh doanh.

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh
Return to top