ClockThứ Ba, 29/11/2016 13:36

Đào hầm tránh bão

TTH - Ngồi bó gối nhìn mưa, ông Lê Viết Chót, trú tại Trằm Thiềm, thôn Nhất Phong, xã Phong Chương (Phong Điền) suy tư: “Mưa gió kiểu ni làm tui nhớ lại những ngày đào hầm tránh bão”.

Những đôộng cát cao là nơi thuận lợi để người dân vùng cát đào hầm tránh, trú bão

Bão mạnh là... đào hầm

Vùng cát trắng Trằm Thiềm những năm 90 với những độn cát dài, cây cối thưa thớt, tuyệt không một nóc nhà. Đưa dân lên khai hoang, lập trang trại là bài toán đã tính khá kỹ của Đảng bộ, chính quyền xã Phong Chương. Sau thời gian vận động, bao đêm trăn trở, cuối cùng một số người dân làng Phong Chương do anh Nguyễn Ái Chính dẫn đầu đã tự nguyện “cơm đùm, gạo bới” từ Phong Chương lên Trằm Thiềm dựng chòi, khai hoang, phủ xanh đất trống trên cát.

Buổi đầu khó khăn, nhìn đâu cũng toàn là cát, anh em tự giúp nhau dựng nhà tranh, tre tạm bợ để có chỗ che nắng, che mưa rồi vừa khai hoang, vừa tích cực trồng rừng trên cát. Cơn bão dữ năm 1985, gió giật mạnh đến cấp 12 tàn phá vùng cát Phong Chương. “Quê tui còn nghèo, nhà cửa cấp 4, đơn sơ lắm, chỉ gió cấp 7 cấp 8 là sợ rồi, chịu chi nổi sức gió giật cấp 12. Sợ quá, nhiều nhà phải chui vào thùng phuy để tránh gió, tránh bị nhà sập nguy hiểm đến tính mạng. Lên vùng cát Trằm Thiềm không sợ lụt, nhưng bão dữ thì ai cũng lo, nên tui và bà con nghĩ đến chuyện đào hầm tránh bão”, ông Chót góp chuyện.

“Năm đó, siêu bão Hải Yến đổ bộ vào các tỉnh miền Trung trong đó có Thừa Thiên Huế, gió bão giật cấp 15, 16. Điện, đài không có, chỉ có chiếc điện thoại “cùi” cầm tay, nghe vợ hốt hoảng gọi điện thoại báo: Mưa bão dữ lắm, ba mi coi mà lo liệu, chừ tui thân đàn bà khó để lên đó được. Mà tui còn phải lo cho mấy đứa nhỏ. Ở trong này tuy nhà cửa có kiên cố hơn, nhưng cũng phải chạy bão. Đó là chủ trương chung của chính quyền địa phương” anh Chính bùi ngùi nhớ lại buổi đầu đón trận bão dữ ở Trằm Thiềm. 

 Ở Trằm Thiềm, ông Lê Viết Chót là người đi đầu, với nhiều kinh nghiệm đào hầm tránh bão. Những năm chiến tranh ác liệt, dù mới ít tuổi, nhưng ông đã cùng bố mẹ đào hầm chữ A tránh máy bay, tránh bom đạn. “Sau khi làm xong hai cột chống ở hai đầu hầm và đặt đòn nóc lên trên, anh em tui xếp đứng các cây dựa sát vào nhau, dọc theo thân hầm. Khi đã xếp xong cây dựa, bọn tui trải một lớp bạt, phủ kín hầm, trừ lối lên xuống. Sau đó phủ lớp bao cát dày từ 50-70 cm để đảm bảo an toàn. Căn hầm được đào sâu xuống đất 1m, rộng 7m2, cao 1,5m”, ông Chót chia sẻ.

Mỗi khi bão dữ đến, thấy trời chập choạng tối, mưa nặng hạt, gió rít mạnh liên hồi, những cư dân ở vùng cát Trằm Thiềm lại rủ nhau chặt cây, đóng bao cát, lựa thế độn cát khuất gió để đào hầm tránh bão. Bà Phạm Thị Hương Giang cười nói: “Vợ chồng tui đón cơn bão đầu tiên ở Trằm Thiềm với gió giật cấp 15, 16. Nếu mưa bão như ri, ngôi nhà tạm của hai vợ chồng tui khó đứng vững. Tài sản lúc đó chẳng có gì nhiều, chỉ ít gạo, mì tôm, đèn dầu, muối mắm. Những lúc thiên tai đe dọa, có lẽ hai đứa con nhỏ của vợ chồng tui là tài sản lớn nhất. Chúng rất cần được che chở trước bão dữ. Giờ bão vào không sợ nữa. Vợ chồng tui cũng đã xây được nhà kiên cố để tránh bão.”. 

“Biệt tài” nhận biết thiên tai

Ông Nguyễn Thế Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Phong Chương tự hào: “Trong thời chiến, Phong Chương là cái nôi cách mạng, với những người con anh dũng kiên cường trong mưa bom, bão đạn. Thời bình, những người con Phong Chương lại đào hầm trên cát để chống chọi với thiên tai”.

Ông Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng thôn Nhất Phong chia sẻ: “Để chủ động phòng tránh những tác động bất lợi, cộng đồng người dân vùng cát, trong đó có Phong Chương còn có một số kinh nghiệm trong việc nhận biết thiên tai sắp xảy ra trên địa bàn họ sinh sống thông qua những sự vật, hiện tượng rất gần gũi với đời sống hàng ngày của mình. Đó cũng là cách để phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai bao đời nay của những người dân vùng cát”.

Nhấp chén trà đặc, ông Lợi bật mí: “Này nha, khi con ong vò vẽ làm tổ ở sát mặt đất thì sẽ có bão to. Nhưng, khi thấy lá cây cỏ ống có ngấn (móp) ở đầu lá, thì có bão sẽ xảy ra. Lúc nào thấy đàn cò di chuyển từ biển vào đất liền thì chắc chắn sắp có bão đến. Quan sát vị trí mọc của cây măng tre, nếu măng mọc chen vào giữa bụi tre thì trong năm sẽ có bão lớn. Thế nhưng, nếu thấy cây lau lách trổ hoa thì năm đó không còn bão nữa...”.

Chia tay với những người dân vùng cát Trằm Thiềm trong cơn mưa tầm tã, tôi thực sự lo lắng về thời tiết diễn biến bất thường. Nhưng với những người như ông Lợi, ông Chót, bà Giang, anh Chính... đó mới chỉ là những cơn mưa đầu mùa cho cây cối ở Trằm Thiềm thêm tươi tốt.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão:
Loay hoay tìm nơi đổ vật chất nạo vét

Khoảng 220 nghìn m3 vật chất nạo vét từ Dự án (DA) cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão (Phú Lộc) chưa biết đổ vào đâu, do điểm quy hoạch bãi thải người dân còn chưa đồng thuận. Việc chậm tìm ra nơi đổ thải đã ảnh hưởng đến tiến độ nạo vét của DA.

Loay hoay tìm nơi đổ vật chất nạo vét
Return to top