ClockThứ Năm, 27/04/2017 11:39

Đất cũ, chuyện mới

TTH - Năm 1975, theo tiếng gọi của Đảng, nhiều người dân ở Hương Thủy tình nguyện lên khai hoang, xây dựng quê hương mới ở A Lưới và lập nên xã Hương Phong ngày nay. Sau 42 năm từ ngày vỡ đất, lập làng, Hương Phong bây giờ đã trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của A Lưới.

Những ngày gian khó

Ông Trương Văn Vệ, gần 80 tuổi, ở thôn Hương Phú - một trong những người đầu tiên lên vùng đất mới Hương Phong nhớ lại: Từ ngày huyện A Lưới được thành lập, cũng là lúc bà con ở Hương Thủy tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới tại A Lưới bắt tay xây dựng quê hương thứ hai. Những ngày đầu trên miền quê mới có biết bao thách thức: đất đai sản xuất chưa có, xóm giềng chưa thân quen, đời sống kinh tế lúc đó vô cùng túng thiếu, bà con vừa phải ổn định chỗ ở, vừa phát nương làm rẫy. Giống cây trồng như lúa, ngô, sắn...do Nhà nước hỗ trợ một phần, phần còn lại các xã trong huyện trích ra giúp đỡ bà con để sản xuất. Nhà nước cũng quan tâm hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm cho các hộ trong suốt quá trình khai hoang tái thiết lập làng. Các ban, ngành hỗ trợ thêm giống cây trồng, vật nuôi, tôn lợp nhà...Người dân bắt tay xây dựng nhà cửa, phát hoang trồng trọt. “Vùng đất mới Hương Phong lúc đó chỉ toàn một vùng lau lách và cỏ dại, đất đai thì chi chít hố bom... Những ngày đầu lên khai hoang, bà con sản xuất mỗi năm một vụ lúa cạn xen sắn và ngô nhưng năng suất rất thấp, nên lúc đó lúa thu hoạch chủ yếu để dự trữ sản xuất, toàn ăn cơm độn sắn…” - ông Vệ nhớ lại.

Ông Mai Văn Quỳnh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hương Phong, thuộc thế hệ những người đầu tiên lên khai hoang vùng đất mới nhớ lại: Với tinh thần khẩn trương xây dựng vùng kinh tế mới, đầu năm 1976, các đội đoàn kết sản xuất được hình thành, mỗi đơn vị là mỗi thôn, nhờ đó góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất. Phương thức canh tác cũng được thay đổi sang hướng chuyên canh, thâm canh, năng suất cây trồng từng bước được nâng lên, mở đầu cho thời kỳ phát triển mới của địa phương…

Xã đầu tiên về đích nông thôn mới

Năm 1997, Chi bộ xã Hương Phong được thành lập. Theo ông Mai Văn Quỳnh, nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền xã lúc bấy giờ là tập trung xây dựng một số mô hình kinh tế hộ, kinh tế gia trại và phát triển hệ thống ngành nghề, dịch vụ phân phối hàng hóa. “Đến năm 2003, từ chủ trương của huyện, xã phát động chương trình trồng rừng kinh tế, mở hướng phát triển mới. Đây là ngành mũi nhọn giúp bà con sớm vượt lên khó khăn và vươn lên làm giàu” - ông Quỳnh nói.

Nhiều ngành nghề và các loại hình dịch vụ ở Hương Phong nhanh chóng hình thành; phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, hạ tầng cơ sở được đầu tư tương đối đồng bộ, tạo được thế và lực mới để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương.

Khi triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới,  các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hương Phong xác định chủ thể của xây dựng nông thôn mới là người dân, lấy dân làm gốc, lấy thôn, xóm, gia đình là hạt nhân nên đã phát huy nội lực và huy động được sức mạnh trong dân. Đồng thời, các công trình, các nguồn hỗ trợ của tỉnh và huyện, địa phương công khai để dân biết, dân bàn và dân tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng, ưu tiên các công trình phục vụ sản xuất, tiêu chí nào dễ thực hiện trước, không trông chờ ỷ lại, không chạy theo thành tích. Trong 5 năm xây dựng nông thôn mới, Hương Phong đã huy động hơn 32.205 triệu đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 13.850 triệu đồng, chiếm hơn 43%.

Hương Phong là xã biên giới, có chiều dài trải dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, diện tích tự nhiên 8.115,6ha, toàn xã có 183 hộ với 543 nhân khẩu.

Hương Phong cũng đã tập trung đầu tư, hình thành một số mô hình kinh tế trang trại, gia trại VACR… sản xuất theo hướng hàng hóa, xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm ổn định cho lao động ở địa phương. Đến nay, cơ cấu kinh tế của Hương Phong dịch chuyển theo hướng “dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp”, nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 10,5 triệu đồng vào năm 2010, lên 25,5 triệu đồng năm 2015, toàn xã chỉ còn 1 hộ nghèo.

Nhờ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận hưởng ứng của người dân, Hương Phong đạt được 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia và được UBND tỉnh quyết định công nhận ngày 18/11/2015, trở thành xã đầu tiên của huyện A Lưới đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Mai Đô, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hương Phong tấm tắc: Nếu ai đã từng chứng kiến những ngày đầu đến khai hoang, lập làng, mới hiểu được thành quả của Hương Phong hôm nay, hiểu được sức mạnh của sự đồng lòng mà Đảng bộ, chính quyền và người dân chúng tôi phát huy trong hơn 40 năm qua.

Chủ tịch UBND xã Hương Phong Mai Văn Linh quả quyết: Mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vì vậy, đạt chuẩn nông thôn mới không phải là kết thúc mà Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương phải gìn giữ, tiếp tục phát huy, chung sức đồng lòng xây dựng Hương Phong ngày càng giàu đẹp hơn, trở thành xã biên giới điển hình của huyện A Lưới.

Quốc Tuấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Return to top