ClockThứ Tư, 21/09/2016 05:46

Dấu ấn 120 năm Quốc Học Huế

TTH - Quốc Học là biểu tượng Tây học đầu tiên của Huế, miền Trung và cả nước. Từ nền tảng đó, tính chất tân - Tây học tiên phong cộng với di sản cựu - Hán học tinh hoa, Quốc Học trở thành biểu trưng cho truyền thống khoa bảng Việt Nam, mang tầm quốc gia và quốc tế, với lớp lớp thầy trò tài năng, từ khắp nơi hội tụ.

Cổng Trường Quốc Học đầu thế kỷ XX

Trước đây, Khâm sứ Trung kỳ Brière từng bàn về việc học sinh Quốc Tử giám nên học và thi thêm tiếng Pháp. Phát xuất từ nhu cầu nội tại, triều đình cùng bàn bạc và đến tháng 12 năm Bính Thân (1896), nhà vua ban dụ “đặt trường Quốc Học chữ Tây”, nhấn mạnh: Nay chuẩn đặt trường, gọi là Trường Quốc Học để dạy tiếng và chữ Đại Pháp, tham khảo dạy thêm chữ Hán… Việc giao thiệp hiện nay thì hiểu rõ ngôn ngữ thông suốt tình lý đang là điều cốt yếu, các viên chưởng học đều nên cẩn thận theo đúng khoá trình gia tâm đào tạo để người học thông hiểu cả chữ Tây chữ Hán, trẻ em thành người đều được ích lợi, ngõ hầu làm việc xử thế đi sứ đều được người xứng đáng để không phụ thành ý đặt trường học dạy nhân tài” (QSQ triều Nguyễn, Đại Nam thực lục Đệ lục kỷ Phụ biên, S.: Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, 2011 [Cao Tự Thanh d.], tr. 264 - 267).

Học trò phải từ 15 - 20 tuổi, “phàm công tử tôn thất, ấm tử quan viên, ai đã thông Nho học và sinh viên Quốc tử giám cùng học đường các tỉnh…”. Học trò Ty hành nhân, học trò bình dân ưu tú phải thông hiểu chữ Hán, phải qua sát hạch, sẽ được cấp học bổng. Còn những trò từ 8 - 12 tuổi, phụ huynh trình với Chưởng giáo cho vào lớp đầu tiên. Về giáo quan, đặt 1 Chưởng giáo, 4 Đốc học trợ giáo, 1 Giáo tập trẻ em, đều chiểu hàm chi bổng và cấp lương tháng. Ngoài ra, còn có 2 Kiểm khán và 1 Từ hàn, 1 Điển thủ. Chưởng giáo do Khâm sứ và Cơ Mật viện chọn cử, Toàn quyền Đông Dương chuẩn y, được cấp ấn quan phòng và kiềm nhỏ, theo kiểu thức Quốc tử giám. Giáo chức do Viện Cơ Mật cùng Khâm sứ Trung kỳ uỷ nhiệm cho hội đồng sát hạch những người am tường. Tất cả đều ở lại trong trường để chuyên việc giáo tập. Các viên Từ hàn, Điển thủ, cho bộ Lại chọn bổ. Việc xây dựng trường học, phòng ốc và nhà ở của nhân viên giáo chức Giám thị, lương bổng chi phí cho trường…, đều trích từ quốc khố Nam triều. Việc phân định nhật kỳ dạy học, tất cả việc trường qui sĩ số, xét bổ niên hạn chi cấp lương bổng, chuẩn cho Chưởng học và nha sở quan bàn định, trình Cơ Mật viện xem xét bàn bạc với Khâm sứ Trung kỳ duyệt lại, rồi mới cho thi hành.

Về sau, Toàn quyền Đông Dương có văn bản giới hạn lại một số nội dung. Theo đó, từ nay, bãi bỏ Trường Hành nhân, lấy Trường Quốc Học thay thế. Học trò, ngoài sinh viên Quốc tử giám và học trò Trường Hành nhân thì định rõ phàm người từ 15 tới 20 tuổi mới cho vào học; Công tử, Công tôn, ấm sinh, học trò Trường Hành nhân, sinh viên Quốc tử giám theo lệ được vào trường thì do Nam triều chi cấp học bổng; học trò am hiểu chữ Hán, qua khảo hạch, có thể cho vào học. Riêng trẻ em từ 8 tới dưới 15, do phụ huynh trình với Chưởng giáo, cho vào học ở một lớp riêng.

Quan chức trong trường, nên đặt bốn hạng giáo chức (một, hai, ba, tư), mỗi hạng một người, 1 Giáo tập trẻ em, 2 Giám thị. Chưởng giáo do quan Khâm sứ và Cơ Mật viện chọn cử, quan Toàn quyền bổ nhiệm, theo lệ được bổ hàm tương đương với quan viên người Việt, mọi việc có liên quan với toà, viện, bộ, nha, thì được toàn quyền tư báo. Các chức giáo tập do Toà sứ uỷ quan hội đồng sát hạch bổ nhiệm.

Các viên Chưởng giáo, giáo chức ngoài việc được chiểu hàm chi bổng theo lệ, được cấp thêm cho Chưởng giáo mỗi tháng 50 đồng, giáo chức hạng nhất 25 đồng, giáo chức hạng hai 20 đồng, giáo chức hạng ba 15 đồng, giáo chức hạng tư và Giáo tập trẻ em 10 đồng. Các viên Chưởng giáo, giáo chức đều phải cư trú trong trường. Lương bổng, học bổng của quan chức, học sinh trong trường, đều do ngân sách Nam triều chi cấp.

Giờ giấc dạy học, nghỉ ngơi, nội qui trong trường cùng số hiệu học trò và mọi việc cần làm…, phải trình rõ các quan coi việc giáo tập khắp Nam kỳ, Bắc kỳ xem xét góp ý, rồi mới trình Cơ Mật viện và Toà Khâm sứ hợp duyệt. Và “lấy Thái Thường tự khanh Ngô Đình Khả làm Chưởng giáo, định rõ từ trung tuần tháng giêng năm sau khai trường”.

Học trò Quốc Học có sự bổ sung, thay đổi qua thời gian. Từ tháng 2 năm Mậu Tuất (1898), bỏ Ty Hành nhân, chỉ  chọn lưu lại 2 người, lệ vào Cơ Mật viện, còn lại cho qua Trường Quốc Học. Đến tháng 10, bắt đầu phái các Tiến sĩ, Phó bảng theo Trường Quốc Học học tập chữ Tây. Tháng 5/1899, bắt đầu chọn những người trẻ tuổi, có tư chất, cho vào học. Tháng 2 năm Bính Ngọ (1906), triều đình cho bãi bỏ cấp sơ học, chỉ dạy bậc toàn phần, chuyển cấp sơ học qua Trường Sơ học Pháp Việt. Tháng 4 năm Tân Hợi (1911), khi Trường Hậu bổ được thành lập thì bỏ Phòng Khoa Mục ở Quốc Học, chuyển số “chỉ định mức 30 suất, tuổi từ 24 - 34, chỉ Tiến sĩ, Phó bảng được tới 40 tuổi” và “sắp có trách nhiệm coi dân, làm việc giao thiệp đều phải hiểu biết tiếng Pháp” sang trường Hậu bổ.

Chính nhờ tính chất tân học - cựu học tiên phong điển hình, trở thành tôn chỉ tối thượng đó mà Quốc Học có sức thu hút mạnh mẽ để đào tạo nguồn nhân lực, làm nên bóng dáng riêng có, phát huy ảnh hưởng ngày càng cao hơn, xa hơn, trên tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, từ những trang sử đầu tiên cho đến hiện nay.

Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 2.000 người đến cổ vũ chung kết Olympia

Sáng 8/10, cầu truyền hình cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023 diễn ra sôi nổi tại cổng trường Trường THPT chuyên Quốc Học. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và hơn 2.000 học sinh, giáo viên, người dân cổ vũ cho Nguyễn Minh Triết, học sinh lớp 12 lý 1, Trường THPT chuyên Quốc Học.

Hơn 2 000 người đến cổ vũ chung kết Olympia
Từ giải nhất của Từ CôngThành, hy vọng môn toán “hồi sinh”

Đã 40 năm chờ đợi, đến năm học 2022 - 2023, môn toán mới có lại 1 giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thành tích của cậu học trò Từ Công Thành, lớp 12 toán 1 Trường THPT chuyên Quốc Học khiến nhiều người tự tin và hy vọng về môn toán “hồi sinh”.

Từ giải nhất của Từ CôngThành, hy vọng môn toán “hồi sinh”
Tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2022-2023

Sáng 20/3, Sở GD&ĐT tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2022-2023. Đến dự, có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT và đông đảo học sinh, giáo viên trường THPT Chuyên Quốc Học Huế.

Tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2022-2023
Return to top