ClockThứ Sáu, 24/06/2016 05:46

Dấu ấn của sinh viên nghệ thuật Huế tại xứ sở mù sương

TTH - Mới đây, công chúng và người dân Đà Lạt (Lâm Đồng) có dịp thưởng thức các tác phẩm sắp đặt và nghệ thuật nhân tượng của sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế tại phố đi bộ Yersin của thành phố Đà Lạt. Đây là chuỗi hoạt động trong chương trình giỗ tổ nghề thêu năm 2016 do Công ty XQ Việt Nam tổ chức và tài trợ.

Tác phẩm sắp đặt: “Cây” của Lê Trung Nghĩa tại XQ Đà Lạt. Ảnh: PLC

Tháng 7/2013, đoàn giảng viên của Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế do PGS.TS Phan Thanh Bình – Hiệu trưởng làm trưởng đoàn đã ghi dấu ấn đầu tiên với đợt nhiệm trú sáng tác tại thành phố Đà Lạt. Kể từ đó, Trường đại học Nghệ thuật Huế trở thành đối tác luôn có mặt trong hầu hết các hoạt động nghệ thuật do Công ty XQ Việt Nam tổ chức. Mối quan hệ giữa hai đơn vị đã gắn kết và bền vững hơn sau những thành công của các đợt triển lãm và sáng tác nghệ thuật tại thành phố Đà Lạt, Nha Trang, Hội An...

Đến với hoạt động nghệ thuật của Công ty XQ năm nay, Trường đại học Nghệ thuật Huế chọn 3 tác phẩm sắp đặt của sinh viên kết hợp với hoạt động nhân tượng theo chủ đề đường phố, đem đến hơi thở mới cho công chúng và người dân Đà Lạt bởi những yếu tố mới mẻ và ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc.

Với chất liệu mây đan, sinh viên Lê Trung Nghĩa chọn chủ đề “Cây” để thực hiện tác phẩm của mình, đây là một cách nhìn mới trong việc tái hiện cấu trúc của cây theo chiều ngang trong không gian. Chia sẻ về ý tưởng của mình, Nghĩa trình bày: “Cây cối mang một vẻ đẹp tiềm ẩn trong nó. Những vết sần sùi, rêu phong, những đường nét uốn lượn, khúc khuỷu và những chỗ lồi lõm đã tạo nên nét riêng biệt cho cây. Vẻ đẹp này của cây cối là thứ luôn cuốn hút tôi..”.

Tác phẩm của sinh viên Bùi Thị Diễm Chi tái hiện những mảnh ghép về giấc mơ với những trải nghiệm của bản thân mình. Trong tác phẩm của Chi, người xem đóng một vai trò tương tác khi được viết và chia sẻ những giấc mơ của mình vào những mảnh ghép và cùng sắp xếp vào tác phẩm. Đối với Diễm Chi: “Giấc mơ là một điều gì đó thật bí ẩn khiến tôi muốn khám phá và chinh phục”.

Sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt kết hợp với chất liệu video, tác phẩm: “Sóng” của sinh viên Châu Thị Cẩm Tiên là sự kết hợp giữa hai yếu tố “động” và “tĩnh” để đề cập đến vấn đề môi trường mà cụ thể ở đây là thực trạng nước biển dâng. Điều này được Tiên gửi gắm thông qua hình ảnh của những chiếc đồng hồ cát đang dần lấp đi nhà cửa của người dân tại các làng chài ven biển nơi cô đã có dịp trải nghiệm thực tế, đây cũng là một bài thi trong chuỗi ý tưởng tốt nghiệp chuyên ngành Media tại Khoa Hội họa của Tiên trong tháng 5 vừa qua. Bên cạnh đó, hoạt động nghệ thuật nhân tượng cũng góp phần sinh động ở phần lễ hội đường phố. Ông Võ Văn Quân (Giám đốc Công ty XQ Việt Nam) đánh giá cao các hoạt động nghệ thuật đến từ Trường đại học Nghệ thuật Huế và mong muốn mối quan hệ giữa hai đơn vị sẽ có nhiều gắn kết hơn nữa trong tương lai thông qua các hoạt động nghệ thuật.

Thành công nhất định của các tác phẩm sắp đặt và nhân tượng lần này khẳng định uy tín của Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế với các hoạt động sáng tác và thực hành nghệ thuật, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống của đơn vị đào tạo nghệ thuật khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

PHAN LÊ CHUNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WORKSHOP “NGƯỜI PHỤ NỮ VỚI NGHỆ THUẬT THÊU”
Tôn vinh hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam

Chiều tối 6/5, Công ty XQ Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ phối hợp với Trường đại học Nghệ thuật Huế tổ chức bế mạc workshop “Người phụ nữ với nghệ thuật thêu”.

Tôn vinh hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam
Tuyển sinh Trường đại học Nghệ thuật Huế:
86 thí sinh làm thủ tục

Sáng 14/7, các thí sinh đăng ký thi vào Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật Huế bước vào buổi làm thủ tục thi môn năng khiếu (khối H). Nhìn chung, tâm lý của các em khá thỏa mái, vui vẻ trước giờ thi.

86 thí sinh làm thủ tục
Return to top