ClockChủ Nhật, 29/01/2017 10:53

Dấu ấn mới trong lập pháp của Quốc hội

Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có nữ Chủ tịch, lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao sau khi được Quốc hội bầu đã tuyên thệ nhậm chức...

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu trong phiên họp thứ nhất của Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công

Đó là hai trong 10 dấu ấn nổi bật của Quốc hội của năm 2016 được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc điểm lại trong buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí trước thềm Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua.

Các sự kiện nổi bật còn lại là tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Là tổ chức kỷ niệm trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946- 06/01/2016). Rồi, lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn...

Đã không có sự kiện nào về lập pháp - chức năng rất quan trọng của Quốc hội được điểm lại như dấu ấn nổi bật của năm qua.

Nhưng, việc dự án Luật Hành chính công - sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - đang được khẩn trương xúc tiến đã được xem như là dấu ấn mới trong hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì một số nhiệm kỳ trước cũng đã có đại biểu trình sáng kiến lập pháp, nhưng chỉ mới là đề nghị chứ chưa được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Với dự án Luật Hành chính công, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đã đề xuất từ năm 2013, và cũng có lúc tưởng như khó có thể được trình xin ý kiến Quốc hội.

Nhưng, Quốc hội đã đồng ý đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của khoá 14. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thành lập Ban soạn thảo do đại biểu Khánh làm Trưởng ban và Ban soạn thảo đã họp phiên thứ nhất vào tháng 12/2016.

27 Tết, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu vẫn cùng Ban soạn thảo và nhiều chuyên gia pháp luật tìm "lối đi riêng" cho dự án luật trong một hội thảo về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật này.

Dù còn không ít băn khoăn nhưng "ủng hộ" là hai từ liên tục được nhắc đến, có vị còn bày tỏ sự háo hức và chờ đợi sự ra đời của dự án Luật Hành chính công.

Ủng hộ hay háo hức, chờ đợi đều không chỉ bởi đây là dự án luật được hình thành từ sáng kiến lập pháp của cá nhân đại biểu, một điều quá đỗi bình thường với nhiều nước khác nhưng khá hiếm hoi ở Việt Nam.

Mà còn ở chỗ dự án Luật Hành chính công được kỳ vọng sẽ “tấn công” mạnh vào quản lý hành chính Nhà nước, trong bối cảnh kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước, cán bộ, công chức được quan tâm, đẩy mạnh.

Tống bí thư yêu cầu nhốt quyền lực vào cái lồng của cơ chế lập pháp thì dự án luật này cũng là một phần cái lồng của cơ chế lập pháp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá 13, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh tại hội thảo.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khái quát, Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Hành chính công vào chương trình xây dựng luật với mục đích để có nền hành chính minh bạch, công khai, hiệu lực, hiệu quả. Một nền hành chính công phục vụ và thông suốt đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, tạo điều kiện thông thoáng cho dân nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý của nhà nước.

Ông Phan Trung Lý còn nói rằng, việc lần đầu tiên sáng kiến lập pháp của cá nhân đại biểu được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội không phải vì để lấy "thành tích" mà đó là kết quả của tâm huyết, tâm sức của đại biểu Khánh cùng rất nhiều người khác nữa.

Chấp nhận dự án Luật Hành chính công chính là sự đổi mới, từ trước phần lớn dự án luật là do Chính phủ trình, ông Lý nhấn mạnh.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng nếu dự án Luật Hành chính công thành công sẽ mở đường cho cách thức  xây dựng mô hình pháp luật mới. Vì thế nên dành sự ưu tiên cho dự án luật này.

Vẫn còn quá sớm để nói đến sự thành công của dự án Luật Hành chính công. Song, Quốc hội làm luật (chứ không chỉ thông qua luật) luôn là một điều được cử tri trông đợi.

Bởi, đại biểu Quốc hội thay vì một vị bộ trưởng hay trưởng ngành làm trưởng ban soạn thảo luật thì có thể tình trạng cục bộ, "cài cắm" lợi ích - căn bệnh được nhắc đến lâu nay - có thể sẽ giảm.

Theo VnEconomy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148
Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn

Ngày 16/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã đi khảo sát tình hình thực hiện dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan (cao tốc đi qua Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng).

Nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe mới đảm bảo khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn
Return to top