ClockChủ Nhật, 22/04/2018 09:07

Dấu Huế trong tranh Thái Bá

TTH - Huế, một ngày tháng sáu bỏng rát năm 1938, bà Tôn Nữ Thị Nhơn sinh người con trai thứ hai với tên khai sinh là Thái Nguyên Bá. 9 tuổi, mất cha, cậu bé Thái Nguyên Bá được lớn lên trong sự nuôi nấng của đại gia đình Thái tộc.

Bộ sưu tập tranh của Nguyễn Hữu HoàngVẽ tranh đón tết

Chiều sông Hương

Tài năng thiên bẩm

Huế, một ngày tháng sáu bỏng rát năm 1938, bà Tôn Nữ Thị Nhơn sinh người con trai thứ hai với tên khai sinh là Thái Nguyên Bá. 9 tuổi, mất cha, cậu bé Thái Nguyên Bá được lớn lên trong sự nuôi nấng của đại gia đình Thái tộc. Sau đó ít lâu, cậu được bà cô Thái Thị Huệ Khanh, phu nhân của Thượng thư Nguyễn Trừng đón từ làng An Ninh Hạ về ngôi nhà gỗ tại phố Hàng Đường (nay là đường Bạch Đằng), với sự chăm sóc bảo trợ hết mực tận tình. Cũng cần nói thêm, Thái tộc với lịch sử hơn trăm năm cư trú rải rác ở ba địa vực cổ xưa của Huế (An Ninh Hạ, Kim Long - Hà Khê, Hàng Đường) đã là một bảo chứng về sự lưu giữ nhiều giá trị xưa xứ Huế từ nhà vườn, trang phục truyền thống, khoa bảng đến đức hạnh vua ban cho những người phụ nữ trong toàn bộ gia tộc.

Theo ghi chép của GS. Thái Kim Lan, em gái của họa sĩ Thái Bá, ngay từ thời tiểu học, Thái Bá đã bộc lộ thiên tư hội họa qua những nét vẽ về người thân trong gia đình. Sinh thời, họa sĩ Tôn Thất Đào chính là người phát hiện năng khiếu hội họa ở Thái Bá và khuyến khích ông đi theo con đường này. Sau khi hoàn thành bậc trung học tại Trường Quốc Học Huế, tháng 10/1955, Thái Bá thi đậu vào Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định - Sài Gòn. Ông chính thức trở thành học trò của họa sĩ Lê Văn Đệ - một trong những cây cọ tiêu biểu cho xu hướng tân cổ điển tại miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.

Năm 1958, Thái Bá đoạt Huy chương Bạc trong cuộc thi Tranh cổ động du lịch Việt Nam và giải Nhì toàn khóa với đề tài Công dung ngôn hạnh được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật. Những thành tích này đã tạo điều kiện cho Thái Bá nhận được học bổng du học tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris - Pháp vào năm 1960. Sau khi kết thúc khóa học tại Pháp vào 1966, Thái Bá chính thức bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp với các trường phái và chất liệu chính như lụa, sơn dầu, màu nước, sketch hay bút pháp Thiền họa thủy mặc mà ông học hỏi từ Trung Hoa. Năm 1969, ông được UNESCO bảo trợ sang Mỹ và có tranh in cho Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Cũng trong thời gian này, triển lãm cá nhân One man show của Thái Bá được quảng bá rộng rãi tại thủ đô New York. Thái Bá còn góp mặt trong những đặc san về Huế tại Mỹ như Nhớ Huế, Phượng Vỹ, Cố Đô, Thừa Thiên Huế... bằng những bức minh họa đậm chất Huế.

Phu Văn Lâu

Một mảnh kinh kỳ

Ngôi nhà cổ tại đường Bạch Đằng của GS. Thái Kim Lan còn lưu giữ những tác phẩm của cố họa sĩ Thái Bá sáng tác trong khoảng thập niên 90 khi ông thường xuyên trở về Việt Nam. Đó là những bức màu nước trên giấy, đóng khung gỗ trang trọng, mà thoạt nhìn bất kỳ ai cũng nhận ra, đó là Huế.

Tranh Thái Bá thâu tóm đầy đủ các yếu tố Thiên - Địa - Nhân với màu trời đặc trưng của Huế. Sương khói ảo ảnh, hòa sắc nhã nhặn, thiên về tím nhạt, xanh da trời, vàng mơ. Tất cả hòa sắc không rõ ràng mà nhòa vào nhau, tạo nên nét bảng lảng huyền hồ của Huế. Trong bức Chiều sông Hương, Thái Bá sử dụng phép viễn cận của trường phái hiện thực lãng mạn để đặc tả thiên nhiên, thiên về gợi hơn là tả. Điểm nhấn bức tranh là lệch 2/3 bố cục tổng thể, với tỉ lệ tam giác vàng theo cách vẽ của Leonardo de Vinci. Đây là kỹ thuật hội họa điêu luyện, hình họa già dặn nhưng vẫn toát lên sự gần gũi, thân thiện trong cảm xúc.

Chia sẻ về màu xanh trong tranh Thái Bá, GS. Thái Kim Lan gọi đó "tiếng reo của trời xanh vùng Linh Mụ một sáng tinh sương dội lên trên nền lục thủy mặt nước sông Hương, hòa sắc với âm giai xanh mực tàu bao trùm núi Kim Phụng một ngày xuân... Nhiều lần người nhìn ao ước phải chi có một lớp bụi phủ trên màu xanh ấy để tranh thật hơn màu xanh huyền thoại trong truyện cổ tích, rốt cùng lại nhận ra đó chính là cảm hứng nguyên thủy của Thái Bá nơi anh bắt đầu hành trình cuộc đời".

Xem tranh Thái Bá, thấy một tình yêu quê hương chân phương, mộc mạc, thật thà. Ông không cố để vẽ Huế một cách lộng lẫy, nguy nga mà nhìn Huế một cách bình lặng, tinh tế. Ẩn hiện trong bức Phu Văn Lâu chính là tấm lòng mộc mạc ấy.

Với góc nhìn từ Kỳ Đài về núi Ngự Bình, bao quát cả Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình, bức tranh ghi lại những dấu xưa của kiến trúc cung đình Huế nhưng kỳ thực nét chính lại chính là sự im lặng của dòng sông. Thái Bá muốn miêu tả những đặc trưng của Huế gồm thiên nhiên, kiến trúc và con người qua hệ thống ngũ sắc cung đình (đỏ, vàng, xanh, lục, tím). Giai sắc Huế qua những gam màu miền nhiệt đới được hiển lộ qua các cung bậc, nhịp điệu, ánh sáng chan hòa. Điểm đặc biệt của bức vẽ này, là Thái Bá không hề vẽ con người nhưng người xem vẫn thấy phảng phất bóng dáng con người, tình người, hồn người ở đó.

Bài, ảnh: NGUYÊN HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên

Với nhiều mô hình thiết thực và cách làm hiệu quả, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã lan tỏa những giá trị, nét đẹp của sách và văn hóa đọc đến với các bạn đoàn viên, thanh niên.

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top