ClockThứ Sáu, 29/07/2016 14:07

Đầu tư bãi đỗ xe du lịch: Biết đến khi nào?!

TTH - Đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan đã được quy hoạch và đưa vào kế hoạch trung hạn từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, triển khai đúng tiến độ hay không còn tùy vào việc “mở” những nút thắt cơ chế và khả năng xã hội hóa.

Tận dụng đất trống

Bãi đỗ xe là một trong những nội dung quan trọng trong quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh của đô thị Huế. Năm 2012, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển Chuỗi Giá Trị được UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Ở các điểm tham quan di tích khác, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng, kể cả việc huy động vốn đầu tư xã hội hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mục tiêu xây dựng các bãi đỗ xe đủ tiêu chuẩn, đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan vẫn chưa như mong muốn.

Áp lực trước lăng vua Tự Đức

Có mặt ở lăng vua Khải Định vào một buổi trưa trong ngày không phải cao điểm, nhiều loại xe du lịch to, nhỏ dừng, đậu ngổn ngang. Kiểm soát tình hình, anh Bùi Văn Sanh, nhân viên quản lý bảo vệ di tích phải gõ cửa từng xe đề nghị đỗ lại cho gọn và đảm bảo an toàn. Tại lăng Tự Đức, nhiều xe du lịch nối nhau xếp dài.

Do chưa đầu tư được bãi đỗ xe như quy hoạch, nên việc sắp xếp bãi đỗ tại các điểm tham quan di tích Huế thời gian qua được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tận dụng các khu vực trống và các điểm đỗ xe công cộng lân cận. Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho biết: Chất lượng bến, bãi đỗ xe chưa đảm bảo nên phát sinh những vấn đề về an ninh trật tự. Đơn vị đã có phương án đầu tư nhiều năm nay nhưng vẫn chưa triển khai được. Điều chúng tôi mong mỏi nhất là các thủ tục sớm được hoàn tất để kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ, phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan của du khách.

Trong cuộc trao đổi cách đây chưa lâu, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phấn khởi thông tin, UBND tỉnh đã cho chủ trương chỉnh trang bãi cỏ gần sân Hàm Nghi để làm bãi đỗ tạm cho xe du lịch cỡ nhỏ. Bãi đỗ tạm này sẽ góp phần giảm áp lực cho bến xe Nguyễn Hoàng, đồng thời rút ngắn được đoạn đường đi bộ của du khách khi ra khỏi Đại nội từ cửa Hiển Nhơn để ra xe tại bến Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên, nay hỏi lại tình hình, TS. Hải có phần ngậm ngùi: Cũng chưa biết khi nào mới bắt đầu được, vì còn phụ thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng. Việc này không thuộc thẩm quyền của trung tâm.

Cần mở cơ chế

Đến thời điểm này, việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan tại Đại Nội, lăng Khải Định, Minh Mạng, Tự Đức và một số điểm di tích khác như: lăng Thiệu Trị, điện Huệ Nam, Văn Thánh - Võ Thánh… đều được đưa vào quy hoạch và kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Theo kế hoạch đó, tháng 3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2016-2020; trong đó, danh mục đầu tư xây dựng bãi đỗ xe tại các điểm tham quan di tích tập trung số lượng khách tham quan đông, như: lăng Khải Định, lăng Minh Mạng… sẽ khởi công xây dựng trong năm 2017.

Phân tích lý do tại sao các dự án xây dựng bãi đỗ xe du lịch tại các điểm tham quan di tích Cố đô Huế rất được quan tâm nhưng lại chậm được triển khai, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trước tiên là do thủ tục. Thủ tục đầu tư xây dựng, bảo tồn, tu bổ các công trình di tích, nhất là di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, thì phải tuân thủ rất nhiều quy định hiện hành trong nước và các công ước quốc tế về bảo vệ di sản. Phần lớn các bãi đỗ xe đều được quy hoạch và xây dựng trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích nên việc hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng cũng phải tuân thủ tương tự như quy trình đầu tư tu bổ các công trình di tích. “Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan để xin phép ủy quyền cho địa phương giải quyết thủ tục cho các công trình và hạng mục công trình có quy mô vốn đầu tư tương đương dự án nhóm C (dưới 45 tỷ đồng). Rất mong được các cơ quan Trung ương thống nhất chủ trương để trình Thủ tướng Chính phủ quan tâm giải quyết sớm”, ông Phan Văn Tuấn nói thêm.

Đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe, xã hội hóa là giải pháp tất yếu. Tuy nhiên, việc phải trả tiền thuê đất theo quy định để xây dựng đang là một “rào cản” khiến các dự án khó thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Cái khó này không của riêng Thừa Thiên Huế. Theo ông Phan Văn Tuấn, để có thể sớm xây dựng các bãi đỗ xe, sắp tới Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ báo cáo UDND tỉnh các phương án đầu tư bằng nguồn xã hội hóa dưới hình thức PPP hình thức hợp tác công - tư. Cụ thể là áp dụng và kêu gọi đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) để giảm thiểu áp lực về nguồn vốn và nâng cao hiệu quả.

“Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp các đơn vị liên quan để giải quyết dứt điểm việc di dời, đền bù giải phóng mặt bằng tại các điểm dự kiến xây dựng bãi đỗ xe, nhất là các eo bầu ở khu vực phía nam Kinh thành Huế, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để đề xuất UBND tỉnh cơ chế chính sách ưu đãi cho các đối tác trong việc thuê đất đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe phục vụ tham quan du lịch”, ông Tuấn nhấn mạnh.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top