ClockThứ Sáu, 19/05/2017 21:42

Đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài

TTH - Sáng 19/5, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do ông Trương Quang Nghĩa, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về một số nội dung liên quan đến việc phát triển giao thông- vận tải trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa (thứ 2, bên trái) kiểm tra Dự án đường Hồ Chí Minh La Sơn - Túy Loan

Tiếp và làm việc với đoàn, có các ông: Lê Trường Lưu, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.

Việc nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài rất cấp thiết

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, trên địa bàn tỉnh có đủ các loại hình giao thông; trong đó, hệ thống giao thông đối ngoại giữ vai trò chủ đạo và hỗ trợ đắc lực cho hệ thống giao thông đối nội. Do nguồn vốn còn hạn chế, đầu tư chưa đồng bộ nên hiệu quả khai thác chưa cao, gây khó khăn cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và liên vùng.

Cụ thể, sân bay Phú Bài được thiết kế với công suất 1,5 triệu hành khách/năm, nhưng số liệu năm 2016 cho thấy, lượng khách thông qua cảng đã đạt 1,57 triệu hành khách; tốc độ tăng trưởng trung bình hành khách trong giai đoạn 2010-2016 đạt 11-13% và 4 tháng đầu năm 2017 đạt 0,61 triệu hành khách. Dự báo với mức tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt từ 13-17% thì đến năm 2020, lượng khách qua cảng sẽ đạt 3-3,5 triệu khách/năm và đến năm 2025 sẽ đạt 6,5-7 triệu khách/năm.

Hành khách đến Huế tại sân bay Phú Bài

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, tỉnh xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu hàng năm thu hút khoảng 3-3,5 triệu lượt khách và đến năm 2020 đạt chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách tham quan. Xu hướng kết nối phát triển vùng du lịch Bắc miền Trung dự báo lượng khách đến Huế sẽ tăng trưởng đột biến, vượt xa so với công suất thiết kế sân bay Phú Bài hiện nay.

Thực tế cho thấy, hàng năm Thừa Thiên Huế mất khoảng 200-300 lượt khách phải vào Đà Nẵng để đón máy bay tiếp tục hành trình do hệ thống hạ tầng, nhà ga phục vụ khách Quốc tế chưa có (đang tận dụng xen ghép bố trí cùng nhà ga nội địa), nên công tác quản lý, phục vụ gặp nhiều khó khăn; với lượng khách như vậy thì đến nay sản lượng khai thác đã vượt công suất thiết kế và sẽ quá tải trong năm 2017. Việc nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài rất cấp thiết.

Chọn mô hình phù hợp

Đề xuất đầu tư, nâng cấp nhiều công trình

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, trong 6 DA trọng điểm được Bộ GTVT thực hiện đầu tư, DA nâng cấp Quốc lộ 49B, đoạn Thuận An - Tư Hiền - Quốc lộ 1A với chiều dài trên tuyến 48km. Do kinh phí khó khăn, hiện nay DA mới triển khai được hai gói thầu để nâng cấp, mở rộng 18,8km. Đề nghị Bộ GTVT tạo điều kiện cho tiếp tục triển khai thực hiện DA với 29,2 km còn lại; riêng đối với Quốc lộ 49A, đoạn từ Km26-Km63 có nhiều điểm hư hỏng nặng, trong năm 2016, Bộ GTVT đã có quyết định cho phép Cục Quản lý Đường bộ II sửa chữa bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ, nhưng hiện nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn. Đối với cầu Phú Xuân và Trường Tiền, Bộ GTVT đã có chủ trương nâng cấp mở rộng, đề nghị bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai.

Hiện nay, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đang triển khai dự án (DA) mở rộng nhà ga hành khách cạnh nhà ga hiện có với quy mô 8.000m2 sàn; tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, nâng công suất từ 1,5 triệu lên 3 triệu hành khách/năm, dự kiến hoàn thành vào quý I/2019. Theo dự báo đến năm 2020, lượng khách qua Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài sẽ đạt 3-3,5 triệu hành khách/năm, nhà ga mới mở rộng của ACV sẽ quá tải sau hơn một năm đưa vào khai thác.

Ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, hiện nay, ngoài nhà ga đang xây dựng mới, Công ty CP Hàng không Vietjetair đã có đề xuất UBND tỉnh DA đầu tư xây dựng nhà ga hành khách tại Cảng HKQT Phú Bài với tổng mức đầu tư khoảng 4.400 tỷ đồng, phục vụ khách đi và đến riêng biệt, đáp ứng nhu cầu 5 triệu hành khách/năm; 2.350 hành khách/giờ cao điểm. “Tỉnh đề nghị Bộ GTVT đồng ý chủ trương và cho phép Công ty CP Hàng không Vietjetair thực hiện DA đầu tư mở rộng sân bay Phú Bài; sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là lĩnh vực du lịch”, ông Phương nói.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN (Bộ GTVT) đánh giá, đối với phát triển du lịch của Huế hiện nay, việc nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới nhà ga sân bay có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của Cảng HKQT Phú Bài 18-19%/năm. Dự kiến trong năm 2017 này đạt 1,8 triệu khách. Bên cạnh nhà ga hiện có thì ACV đang triển khai DA mở rộng nhà ga hành khách, dự kiến đi vào khai thác từ quý I/2019, nâng công suất lên 4 triệu khách/năm.

Cục Hàng không VN cũng đang thu hút các nguồn lực, nghiên cứu triển khai tổ hợp nhà ga này để nâng tổng công suất lên 10 triệu khách/năm vào năm 2030 ở nhà ga Cảng HKQT Phú Bài. “Đối với nhà ga mới của Công ty CP Hàng không Vietjetair nếu đầu tư xây dựng cần chú ý đến vấn đề khảo sát chọn địa điểm, công tác giải phóng mặt bằng ít ảnh hưởng đến người dân và đặt trong tổ hợp nhà ga mới và đường băng mới”, ông Thanh đề nghị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, những kiến nghị, đề xuất của tỉnh là hoàn toàn chính đáng. “Đối với việc đầu tư, nâng cấp mở rộng sân bay Phú Bài, Bộ đồng ý. Tuy nhiên, địa phương phải khảo sát, lựa chọn mô hình, phương thức đầu tư phù hợp. Trong giai đoạn nguồn vốn khó khăn như hiện nay, Cục Hàng không VN cần phối hợp cùng địa phương, chủ động tăng cường đầu tư, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Để tránh tình trạng nhà ga mới đầu tư đã quá tải, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị, phía Cục Hàng không VN, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần có những nghiên cứu, khảo sát, dự báo hiệu quả để chọn mô hình, giải pháp đầu tư phù hợp và để không tái diễn tình trạng quá tải sau khi đã đầu tư.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác đã có chuyến làm việc tại dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan.

NGUYỄN KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp

Theo tin từ Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Michael Regan vừa công bố 8 tổ chức sẽ giám sát việc đầu tư 20 tỷ USD để tài trợ cho hàng chục nghìn dự án năng lượng sạch và giao thông vận tải tại các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn trên khắp nước Mỹ.

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp
Return to top