ClockThứ Ba, 19/11/2019 06:15

Đầu tư phát triển lưới điện

TTH - 20 năm sau cơn đại hồng thủy 1999, ngành điện liên tục đầu tư phát triển lưới điện nhằm thỏa mãn nhu cầu phụ tải của tỉnh và cấp điện phục vụ sản xuất kinh doanh với tỷ lệ hộ sử dụng điện đến nay đạt 99,98%.

Trường lớp giờ đã khang trangNhững bài học đắt giáLũ không cuốn được tình người20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Kiểm tra lưới điện mùa mưa bão

Thiệt hại lớn

Cơn “đại hồng thủy” năm 1999 đã gây thiệt hại lớn cho ngành điện, hệ thống điện hư hỏng trên diện rộng, đặc biệt là 11 xã thuộc 2 huyện Phú Vang và Phú Lộc.

Theo thống kê của ngành điện, có 432 trạm biến áp bị ngập nước và hư hỏng không sử dụng được, 2.383 cột điện trung hạ áp bị đổ gãy, 1.224 km dây cáp điện bị đứt và hàng vạn công tơ bị chìm trong nước không sử dụng được. Ước tính thiệt hại 30 tỷ đồng.

Nguyên Phó Giám đốc Điện lực Thừa Thiên Huế, nay là Công ty Điện lực (PC) Thừa Thiên Huế - Hoàng Ngọc Hùng nhớ lại: “Sau khi nghe thông báo về diễn biến phức tạp của thời tiết, đêm 1/11, toàn bộ ban giám đốc, đảng ủy, công đoàn và anh em kỹ thuật, công nhân có mặt tại cơ quan chuẩn bị chống lụt. Sáng hôm sau, nước sông Hương lên mức báo động ba, các trạm điện trung gian liên tiếp báo về ngập nước toàn bộ thiết bị trong trạm trung gian Tân Mỹ, An Lỗ và các trạm Phong Chương, Phú Diên… Rồi sự cố đỗ gãy cột, đứt dây ở Vinh Hiền, Đập Đá, Long Thọ, Nam Đông, A Lưới…”.

Nhằm đảm bảo an toàn, 11h 5 phút ngày 2/11, thực hiện phương thức sa thải, 100% phụ tải toàn tỉnh, bao gồm phụ tải nhận điện qua các trạm 110kV E6, Dệt Huế, Văn Xá và nguồn phát Ngự Bình về Huế đều mất điện, mọi thông tin liên lạc lúc này đều bị gián đoạn. Đêm 2/11, eo Hòa Duân vỡ, hàng chục cột điện gãy đỗ và hàng trăm km đường dây điện sà xuống nước, một số đã bị lũ cuốn trôi và các máy biến áp đều bị chìm trong nước.

Ngày 4/11, nước rút, ban giám đốc Điện lực Thừa Thiên Huế bàn kế hoạch khôi phục phụ tải, đồng thời thông báo đến Công ty Điện lực 3 và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam nhờ hỗ trợ về nhân lực và vật tư thiết bị. Công tác khắc phục bắt đầu từ lõm trung tâm thành phố, trong đó huy động lực lượng và dùng xe cẩu đi kiểm tra trạm E6 ở Ngự Bình và các tuyến đường dây trong thành phố, đến 12h trưa 4/11 đóng điện cho Bưu điện tỉnh, UBND tỉnh, Bệnh viện Trung ương Huế, Đài Phát thanh, Đài truyền hình, nhà máy nước…

Theo ông Hùng, sau khi khắc phục các tuyến đường dây ở lõi trung tâm để đóng điện phục vụ hoạt động chính trị cũng như sinh hoạt, từ ngày 5/11 trở đi, đơn vị tiếp tục triển khai toàn bộ lực lượng đi kiểm tra, khắc phục sự cố đường dây cao thế, hạ thế, các trạm biến áp trung gian và các trạm biến áp phân phối để dẫn dây cấp điện trở lại cho các địa phương.

Do cơn lũ lịch sử đã mở thêm một cửa biển Hoà Duân nên đã gây thiệt hại nghiêm trọng 1km đường dây 22kV và 1km đường dây 6kV làm cho 11 xã ven phá bị mất điện. Sau khi khắc phục lưới điện để cấp điện cho khu vực TP. Huế và các huyện, Giám đốc Điện lực Thừa Thiên Huế đã quyết định thực hiện phương án thi công tạm 1km đường dây 22kV qua cửa biển Hòa Duân, với giải pháp dựng 2 cột bê tông ly tâm 20m bố trí hình PI về hai phía của cửa biển Hòa Duân để kéo 450 mét đường dây 22kV vượt qua phá Tam Giang cấp điện cho bà con vùng biển.

Hiện đại hóa lưới điện

Để hoàn thiện lưới điện toàn tỉnh, năm 2019 công ty đã đầu tư trên 400 tỷ đồng phát triển mới, nâng cấp và cải tạo hơn 22km đường dây trung thế, 97km đường dây hạ thế, 58 trạm biến áp phân phối và lắp đặt mới hơn 42 ngàn công tơ điện tử.

Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế Nguyễn Đại Phúc thông tin, sau cơn đại hồng thủy 1999, ngành điện liên tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa để hoàn thiện lưới điện trên địa bàn. Lưới điện trung áp được quy hoạch phát triển theo tiêu chí N-1 đảm bảo cấp điện cho phụ tải, hỗ trợ nguồn giữa các trạm biến áp 110, 220kV.

Với mục tiêu hiện đại hóa lưới điện, công ty đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển 110kV Thừa Thiên Huế nhằm thu thập dữ liệu, giám sát, điều khiển xa 09/10 trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh chuyển từ trạm có người trực sang không có người trực; đây là đơn vị đi đầu trong việc mở rộng hệ thống giám sát điểu khiển xa SCADA lưới điện trung áp. Hệ thống này cho phép giám sát, điều khiển xa và thu thập thông số của thiết bị trên lưới điện, giúp nhanh chóng khôi phục cấp điện trong các trường hợp sự cố, đồng thời nâng cao năng suất lao động, hạn chế mất điện trong các trường hợp cắt điện sửa chữa lưới điện.

Đến nay, PC Thừa Thiên Huế đang quản lý gần 410km đường dây 110kV, 15 trạm biến áp với tổng dung lượng 473MVA, gần 2.000km đường dây trung áp và trên 2.900km đường dây hạ áp. Hiện, 152/152 xã, phường, thị trấn có điện, đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,98% và có trên 300 ngàn khách hàng sử dụng điện.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Động lực phát triển từ các “đại dự án”

Năm 2024, nhiều dự án (DA) trọng điểm dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh. Các DA này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Động lực phát triển từ các “đại dự án”

TIN MỚI

Return to top