ClockThứ Tư, 10/02/2016 08:06

Đầu xuân về thăm vườn Truồi

TTH.VN - Ngày đầu xuân Bính Thân, chúng tôi thật xúc động khi trở lại thăm xứ Truồi, vùng quê thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc vừa được công nhận xã Nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2015...

Vườn của xã NTM

Lộc Điền bây giờ không chỉ ấn tượng những ngôi nhà đẹp, những con đường bê tông nối dài về các thôn khang trang mà còn hấp dẫn bởi những ngôi vườn vốn một thời có thương hiệu “mít ngọt dâu thơm”.

Theo tuyến bê tông ở phía nam sông Truồi, chúng tôi được bác Trần Văn Trực, trưởng thôn Đồng Xuân (Lộc Điền) giới thiệu, xứ Truồi là địa danh được thiên nhiên ưu đãi vì có nguồn đất màu mỡ, có mạch nước sông Truồi quanh năm xanh mát đã tưới tắm cho vườn tược, ruộng đồng nơi đây tốt tươi, hoa trái sum suê so với nhiều nơi khác.

Vườn tiêu của anh Phước tiếp tục sẽ cho mùa vàng

Ghé vào thăm khu vườn của ông Phan Tư và Nguyễn Đình Hùng, thôn Đồng Xuân, chúng tôi thật cảm xúc trước những vườn cây xanh sum sê, dào dạt trong tiết hanh nắng đầu xuân. Những ngôi vườn này đã gắn bó với chủ nhân gần cả đời người (thời cha mẹ để lại), đến nay vẫn mùa nào thức nấy đều có sản phẩm đưa ra bán chợ Truồi. Theo lời bác Phan Tư, nói đến Truồi là đến nhớ đến cây dâu tiên. Cây dâu tiên được trồng ở nhiều nơi, nhưng không đâu ngon ngọt, thanh như dâu ở phía nam cầu Truồi. Đã nhiều lần người dân lấy giống và chở đất ở Truồi đi trồng ở nơi khác, cây dâu vẫn sống khỏe, nhưng không hiểu sao lại cho trái có vị rất chua. Trái dâu tiên ở xứ Truồi là để tiến vua và chỉ để thờ cúng, làm quà biếu người thân họ hàng vào ngày lễ, Tết. Cứ độ giêng hai, hoa dâu bắt đầu nhú chồi mọc từ gốc đến ngọn, sau đó nở trắng xóa cho trái kín thân. Cùng với dâu là mít, thanh trà, ổi, xoài tạo nên thương hiệu miệt vườn cây trái xứ Truồi đi khắp mọi nơi.

Ngược lên thôn Quê Chữ, tôi ấn tượng những vườn tiêu được cải tạo sắp xếp trên vùng đồi thật đẹp mắt mà nhiều người địa phương gọi đùa là vườn của xã NTM Lộc Điền.  Anh Nguyễn Phước, chủ nhân vườn tiêu hơn 200 gốc xanh mướt đã thu hoạch quả gần 3 năm nay chia sẻ, gia đình anh theo cây tiêu từ năm 2007. Ban đầu anh chỉ trồng thử thông qua sự bảo trợ của ông Trần Văn Chỉnh (cậu họ) từ Gia Lai ra giới thiệu. Từ việc trồng thử không ngờ cây tiêu bám trụ sống tốt với Lộc Điền. Nhờ trồng tiêu, gần đây gia đình anh có nguồn thu nhập khá. Anh Nguyễn Phước cho biết, bây giờ ở khu vực này đã có hơn 10 vườn tiêu xanh tốt. Điển hình có cậu Chỉnh, được xem là người khai sinh cũng là địa chỉ trao đổi cung cấp cây giống và kinh nghiệm kỹ thuật cho nhiều bà con trong khu vực. Cậu Chỉnh cũng có vườn tiêu mẫu mực gần 400 gốc; trong đó có hơn 50% đã cho quả từ 3 năm nay, bình quân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm...

Đưa xã NTM phát triển bền vững

Nhẫn nha ở xứ Truồi trong ngày đầu xuân, chúng tôi dành thời gian trò chuyện với ông Hoàng Sa, Chủ tịch UBND xã Lộc Điền. Chủ tịch Sa cho rằng, xứ Truồi đã nổi tiếng miệt vườn từ ngày xưa, giờ vẫn còn lưu câu ca “Xứ Truồi mít ngọt thơm dâu/ Anh đi làm rể ở lâu không về. Thế nhưng, thời gian gần đây một số vườn Truồi không còn trù phú như ngày xưa, bởi một phần do tư tưởng của người dân thích “ăn xổi” nên không mấy thiết tha với các loại cây lâu niên. Có người lại thiếu vốn, giống và chưa am hiểu về kỹ thuật cải tạo vườn. Dẫn đến việc phục hồi một số cây có giá trị kinh tế đang gặp khó khăn... .

Ông Sa thực tình, trong định hướng phát triển xã NTM bền vững, Lộc Điền đã xác định cải tạo, phát triển kinh tế vườn là một hướng đi chủ lực ở địa phương. Vì vậy, thời gian gần đây Lộc Điền đã đề ra chương trình, kế hoạch quy hoạch cải tạo vườn, thành lập những vườn chuyên canh cây ăn quả, như cây dâu tiên, thanh trà, ổi, xoài, măng cụ và tiêu. Theo khảo sát, bà con ở Đồng Xuân, Lương Điền Thượng đã tập trung vào mô hình làm vườn truyền thống với nhiều loại cây kết hợp, như cam quýt, bưởi, thanh trà, măng cụt... Một số khác lại làm vườn chuyên canh trồng thanh trà, thanh long ruột đỏ, bưởi..từ 1-2 sào/hộ. Riêng ở thôn Quê Chữ, vùng đất ven đồi hợp với cây tiêu nên thời điểm này có hàng chục hộ dân háo hức làm theo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Sa nói: “Hiện Lộc Điền có gần 600 hộ tham gia làm vườn. Phần lớn là tập trung ở thôn Đồng Xuân, Lương Điền Thượng, Quê Chữ. Bình quân mỗi hộ có từ 2-5 sào. Năm 2015, mô hình kinh tế vườn ở Lộc Điền mang lại nguồn thu khoảng 2,1 tỷ đồng, góp phần cho các gia đình đạt tiêu chí xã NTM về thu nhập. Đây là tín hiệu vui mà chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật chăm bón từ ban, ngành liên quan để tiếp tục phát triển mô hình vườn hiệu quả”.

Ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Lộc cho rằng,  đến nay việc khôi phục phát triển vườn ở Lộc Điền chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng bước đầu đã có tín vui; đặc biệt là những vườn tiêu tập trung ở thôn Quê Chữ. Nếu người dân quyết tâm cải tạo, chuyển đổi những vườn tạp qua vườn chuyên canh trồng các loại cây chủ lực có hiệu quả kinh tế, Phòng NN&PTNT sẽ ủng hộ và hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để bà con thực hiện ...

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top