ClockThứ Năm, 31/08/2017 13:59

Đẩy nhanh tiến độ bảo tồn và tôn tạo kinh thành Huế - bài 2: Không thống nhất thỏa thuận, sẽ cưỡng chế

TTH - Sau nhiều năm gần như “dậm chân tại chỗ”, dự án tu bổ, tôn tạo mặt nam Kinh thành Huế đã có tiến triển. Đại diện đơn vị giải phóng mặt bằng khẳng định: "Quyết tâm hoàn thành trong năm 2017. Nếu hộ nào không thống nhất được với các phương án hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng của Nhà nước thì sẽ tham mưu áp dụng biện pháp cưỡng chế".

Đẩy nhanh tiến độ bảo tồn & tôn tạo kinh thành Huế - Bài 1: Mỏi mòn chờ mặt bằng

Những hộ dân trong vùng dự án chưa di dời (nhìn từ đường 23/8)

Người đồng thuận, kẻ dùng dằng

Trong Quyết định số 1918/QĐ-UBND ngày 11/9/2011, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt mức kinh phí 1.282 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế; trong đó, giao Trung tâm BTDTCĐ Huế thực hiện hợp phần tôn tạo, tu bổ di tích và giao UBND TP. Huế thực hiện hợp phần đền bù, giải tỏa mặt bằng. Mục tiêu của dự án là giải tỏa và tái định cư cho toàn bộ cư dân trong khu vực thượng thành, eo bầu thuộc kinh thành, sớm ổn định cuộc sống cho người dân và chấm dứt tình trạng lộn xộn, xâm hại di tích. Đồng thời, từng bước chỉnh trang, hoàn nguyên di tích và cải thiện cảnh quan chung của đô thị Huế. Dự án được ấn định thời gian thực hiện từ cuối năm 2011, hoàn thành trong năm 2015, tu bổ và tôn tạo hơn 10 km thượng thành, tu bổ 20 trong số 24 eo bầu của kinh thành, thuộc địa bàn của 7 phường của TP. Huế; tái định cư cho 876 hộ dân và bồi thường hoa màu cho hơn 62,6 ngàn m2 đất hoa màu.

Giai đoạn 1 của dự án thực hiện công tác đền bù, giải tỏa mặt nam kinh thành Huế, khu vực từ cửa Thượng Tứ đến Quan Tượng Đài và các Eo bầu Nam Xương, Nam Hưng, Nam Thắng thuộc hai phường Thuận Hòa và Thuận Thành. Khu vực này có hơn 41.000m2 phải giải tỏa, có 79 hộ chính, 87 hộ phụ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay việc giải tỏa mặt mặt nam kinh thành vẫn chưa thực hiện xong. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế, đến thời điểm này, vẫn còn 15 hộ chưa giao mặt bằng. Trong số này, trung tâm đang lập hồ sơ đề nghị UBND TP. Huế áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất 6 trường hợp, 9 trường hợp do có diện tích đất bị thu hồi lớn hơn 400m2 nên được UBND tỉnh tiếp tục xem xét để có chính sách hỗ trợ bố trí thêm diện tích đất ở tái định cư.

Thực tế, phần lớn các hộ dân sống trên thượng thành và eo bầu đều là những hộ dân nghèo, chất lượng cuộc sống thấp. Vậy nên, khi nằm trong diện bị giải tỏa, họ chỉ mong được Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thích hợp để sớm ổn định cuộc sống. Trước căn nhà lụp xụp trên thượng thành thuộc tổ 19, phường Thuận Hoà, một người đàn ông bắt chuyện: “Ở đây, chỉ được cái là không sợ nước lụt nhưng bù lại hễ nghe có bão lớn về là phường lại lên di tản ngay. Chỗ này cao, nhà cửa lại không bền nên rất nguy hiểm”. Một phụ nữ luống tuổi bước ra từ kiệt 27 Tôn Thất Thiệp, phụ thêm: “Từ ngoài nhìn vô thì còn đỡ chứ trong nhìn ra thì cột kèo chi đều xiêu vẹo hết rồi. Mưa về dột khắp nơi. Ở thành phố mà cực ri nên chỉ mong được giải toả thôi, càng sớm càng khoẻ”.

Cũng thuộc diện phải đi khi dự án tu bổ kinh thành “về” đến phường Phú Bình, nên ông Trần Xuân Loan xác định trước: “Đây là đất di tích, trước hiên là hộ thành hào, sau vách là chân tường thành thì ai cấp "giấy đỏ" cho mình nữa. Rồi cũng đến lúc phải đi, nhưng khi chưa đi được thì cứ phải tạm bợ đã”.  Trong khi đó, hộ bà Trần Thị Kim Cúc (54 Ông Ích Khiêm) có nhà thuộc khu vực giải tỏa giai đoạn 1, đã nhận một phần tiền đền bù nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Bà Trần Thị Kim Cúc nói: "Gia đình tui đông con, nhà cửa bị giải tỏa nên mỗi đứa tan tác đi mỗi nơi để thuê nhà ở. Ngôi nhà này cũng đã xuống cấp quá nghiêm trọng, dột nát tơi tả và chỉ cần gió mạnh là đổ sập. Trước đây, ngoài số tiền đền bù, gia đình có nguyện vọng xin 2 lô đất tái định cư nhưng chỉ được giải quyết một lô. Nay, nguyện vọng tha thiết của gia đình là được tạo điều kiện cho mua một lô đất tái định cư trả góp để con cái có nơi ăn ở tập trung, sinh sống ổn định. Hoàn toàn không có ý chống đối việc giải tỏa của nhà nước".

Quyết tâm giải tỏa xong trong năm 2017

Liên quan đến 15 hộ chưa bàn giao mặt bằng giai đoạn 1, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Huế, cho biết, bà Trần Thị Kim Cúc thuộc nhóm hộ được giải tỏa từ dự án năm 2006. Riêng về tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư, gia đình nhận được hơn 500 triệu đồng. Trong số này, gia đình đã nhận hơn 400 triệu đồng, hơn 83 triệu đồng còn lại đã được Hội đồng Bồi thường hỗ trợ đất lúc bấy giờ (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế) chuyển qua cho đơn vị Thi hành án, do gia đình có liên quan đến một vụ án đã được Tòa xử và phải thi hành với số tiền trên. “Trường hợp này đã nhận tiền đền bù và cả đất tái định cư tuy nhiên vẫn không hợp tác để bàn giao mặt bằng. Hiện nay, UBND TP. Huế đang tiếp tục rà soát các thủ tục liên quan đến hộ dân này để có giải pháp giải quyết dứt điểm”.

Đối với 9 hộ gia đình chưa bàn giao mặt bằng do kiến nghị chính sách đền bù chưa thỏa đáng khi gia đình bị thu hồi diện tích đất lớn, Hội đồng tư vấn gồm đại diện các sở, ban, ngành liên quan đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh phương án hỗ trợ như sau: Đối với các hộ dân có đất ở bị thu hồi lớn hơn 2 lần hạn mức giao đất ở (200m2), thì bố trí tái định cư bằng khoảng 70% diện tích đất ở bị thu hồi. Đối với hộ trong gia đình có nhiều hộ phụ thì bố trí tái định cư bằng 1 lô đất có diện tích đất lớn khoảng hơn 180m2 đến 200m2/lô. Sau khi rà soát tất cả các hộ liên quan đến dự án, ngoài 9 hộ nói trên còn có thêm 3 hộ thuộc diện có diện tích thu hồi lớn và có hoàn cảnh đặc thù nhưng chấp hành tốt việc giao đất trước đó, được UBND tỉnh hỗ trợ đất tái định cư.

“Chúng tôi đã mời đại diện của các hộ lên làm việc để công bố đầy đủ chủ trương hỗ trợ đất tái định cư của UBND tỉnh, nhưng chỉ có 3 hộ đồng ý nhận đất, còn lại 9 hộ không thống nhất nhận đất. Bà con cho rằng tái định cư không tương xứng với nơi ở cũ, như: khu tái định cư ở xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà) thuộc đất nông thôn; vị trí tái định cư Hương Sơ giai đoạn 3 thuộc đất mồ mả vừa di dời. Thực hiện việc giải phóng mặt bằng của dự án này, chúng tôi khẳng định đã làm đúng các chế độ, chính sách của Nhà nước, những hộ dân bị thiệt thòi khi thu hồi đất cũng được UBND tỉnh hỗ trợ phù hợp. Đến thời điểm này, nếu hộ nào vẫn không thống nhất với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cố tình không di dời thì chúng tôi sẽ tham mưu biện pháp cưỡng chế”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cho biết.

Nếu việc cưỡng chế có thể thực hiện thì tại sao lại mất quá nhiều thời gian cho giai đoạn 1 của dự án này? Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sự kéo dài là do việc giải phóng mặt bằng của dự án liên quan đến nhiều văn bản quy định của Nhà nước, đồng thời đơn vị cũng cần thời gian để trả lời những vấn đề mà người dân trong vùng dự án khiếu nại. “Chúng tôi quyết tâm hoàn thành giải phóng mặt nam kinh thành trong năm 2017. Nếu hộ nào còn không chấp hành, chúng tôi sẽ tham mưu Nhà nước thực hiện quyền của mình là áp dụng biện pháp cưỡng chế luật pháp để đảm bảo tiến độ dự án”.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công
Đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững (GNBV); phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KT-XH, tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia
Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

TIN MỚI

Return to top