ClockThứ Sáu, 14/04/2017 05:46

Dạy trẻ tự lập

TTH - So với trẻ em phương Tây, trẻ em Việt Nam thường thiếu tính tự lập hơn. Đâu là lý do và khi nào là thời điểm tốt nhất để bắt đầu dạy trẻ tính tự lập, cách thức dạy ra sao? Đó là câu chuyện mà chuyên gia tâm lý - TS. Nguyễn Thị Ngọc Bé, giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế; giảng viên kỹ năng sống của Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt Huế, chia sẻ với bạn đọc.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Bé

Dạy sai phương pháp

TS. Nguyễn Thị Ngọc Bé cho rằng, mấu chốt quan trọng nhất là do phương pháp dạy dỗ con không đúng: thường xuyên la mắng, cho con đi ngủ không có giờ giấc quy định, cho trẻ thường xuyên xem tivi khi còn nhỏ. Ví dụ, để cho con ăn một cách dễ dàng nhiều cha mẹ thường mở ti vi hoặc cho con xem điện thoại, thậm chí bế con đi quanh nhà. Ba mẹ cũng thường thỏa hiệp khi con đòi hỏi cái gì đó. Hình thức thỏa hiệp dễ gặp nhất trong các gia đình Việt là dùng phần thưởng hoặc quà. Để "dụ" con ăn ngoan, giữ yên tĩnh hoặc để con nghe lời, người lớn thường hay thỏa hiệp bằng cách cho trẻ xem tivi, ipad, mua đồ chơi hay kẹo bánh... Hành động này vô tình khiến trẻ không biết nghe lời.

Thường trong các gia đình Việt, khi có một đứa trẻ, mọi sự chú ý sẽ tập trung vào đó. Từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, nếp sinh hoạt của toàn thể gia đình đều thay đổi theo nề nếp của trẻ. Bên cạnh những nhu cầu chính đáng của trẻ như ăn, ngủ, vui chơi... còn có vô số những đòi hỏi của trẻ con mà bố mẹ Việt thường đáp ứng hết. Đó chính là lý do khiến trẻ nảy sinh thói mè nheo, ăn vạ... Các bậc cha mẹ thường đổ lỗi cho hoàn cảnh. Cách xử sự quen thuộc của bố mẹ Việt khi con bị ngã là “đánh chừa cái bàn này, tại cái bàn làm con đau này!”. Chính câu nói này làm trẻ nghĩ tất cả đều do hoàn cảnh chứ không phải do mình đi đứng không cẩn thận. Lớn lên, những suy nghĩ này ăn sâu vào tâm trí, trẻ sẽ không biết tự chịu trách nhiệm cho việc mình làm. Nhận hết việc của con về mình, không ít ba mẹ làm hộ con từ việc lấy nước, cho con ăn, dọn đồ chơi, mặc quần áo... cho dù con đã 4 - 5 tuổi. Sai lầm này không chỉ khiến các bố mẹ Việt cảm thấy mệt mỏi vì quá nhiều việc phải làm mà còn cản trở sự tự lập, trưởng thành của trẻ.

Hãy trao cho trẻ quyền được tự làm

Vậy chúng ta nên bắt đầu dạy cho trẻ tính tự lập từ khi nào và vì sao đó là thời điểm thích hợp nhất?

Thời gian bắt đầu dạy trẻ tính tự lập là khi được một tuổi rưỡi. Đây là thời kỳ trẻ bắt đầu muốn được tự mình làm mọi thứ như đòi tự xúc ăn, tự đi giày, tự đi nhà vệ sinh…, tức là trẻ đã bắt đầu muốn tự lập. Cha mẹ thay vì ngăn cản hãy trao cho trẻ quyền được tự mình làm.

Các em nhỏ tham gia lớp học làm bánh tại cửa hàng Bánh và Bếp. Ảnh minh họa

Khi trẻ phát ra tín hiệu muốn tự mình làm, tức là trẻ đang muốn nói với cha mẹ rằng “con có thể tự làm một mình”, đó cũng chính là bước cơ bản đầu tiên mà một con người tiến tới tự lập. Nếu cha mẹ bỏ qua giai đoạn tiền đề này không cho trẻ luyện tập, rồi khi trẻ lớn lên thêm vài tuổi nữa lại la mắng trẻ là “lớn rồi mà mấy cái việc cỏn con này cũng không làm được” hay “tự mình làm đi!”, thì thật chẳng khác nào xây nhà mà không xây móng! Ý thức muốn tự mình làm còn thể hiện sự khẳng định cái tôi, ý chí của bản thân nên nếu như con nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ thì cái tôi ấy sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái.

Còn nếu như cha mẹ nào nhìn thấy con lóng ngóng cầm thìa rồi làm đồ ăn tung tóe, vụng về cài cái cúc mà nó cứ trượt, buộc mãi cái dây giày mà nó không xong thì sốt ruột, rồi cáu kỉnh nói với con “có làm được đâu nhưng cứ đòi”, rồi “mẹ đang bận lắm, không có thời gian”, hay “khi nào con làm được thì mẹ cho con làm” thì tự nhiên đã ngắt mất mầm non tự lập mới nhú của trẻ. Cha mẹ lại không biết rằng, trẻ sẽ tích lũy được kinh nghiệm để trở nên thành thạo hơn từ chính những trải nghiệm vụng về và thất bại ấy. Hơn thế nữa, hành động ngăn cản còn ám thị một sự phủ định cái tôi của trẻ, sẽ khiến trẻ mất đi tự tin và động lực hành động.

Dạy trẻ làm từng việc một

Cụ thể là cần dạy trẻ những gì? Làm sao để trẻ học tính tự lập một cách vui vẻ chứ không miễn cưỡng?

Cha mẹ cần dạy trẻ từ việc nhỏ nhất, sau đó nâng dần độ khó lên. Đó là những việc, như tự gấp, tự mặc áo quần, đi giày dép; tự xách đồ của mình; tự xúc ăn và dọn dẹp phần ăn của mình, ăn uống có văn hóa; tự cất đồ chơi sau khi chơi; tự vệ sinh cá nhân; dạy trẻ biết tự ngủ, đi ngủ sớm và ngủ riêng phòng; biết tự đứng dậy khi ngã; dạy con lối cư xử lịch thiệp; khuyến khích trẻ làm những việc vừa sức; không dễ dàng thỏa mãn những yêu cầu của trẻ…

Dạy trẻ tính tự lập cần lưu ý quan sát xem trẻ có thể làm được đến đâu, chỗ nào là khó đối với trẻ, chỗ nào trẻ vướng mắc không làm tiếp được để từ đó đưa ra những chỉ dẫn giúp trẻ làm cho phù hợp. Hãy dạy trẻ làm từng việc một, đừng dạy quá nhiều thứ cùng một lúc sẽ khiến trẻ không nhớ được. Trong quá trình dạy, hành động cần được chia ra làm các bước rõ ràng, chỗ nào khó làm đi làm lại nhiều lần cho trẻ nhìn, học theo và bắt chước. Hành động phải thật chậm rãi, có trình tự để trẻ nhìn thấy rõ.

Để trẻ vui vẻ học tính tự lập chứ không chỉ học một cách miễn cưỡng, cha mẹ nên khuyến khích và động viên trẻ làm những việc vừa sức, có những lời khen đúng lúc khi trẻ làm được một việc tốt. Không la hét hay có những câu nói nặng lời khi trẻ làm thất bại. Một điểm cần lưu ý là nắm bắt được nhu cầu của trẻ thích làm những việc gì, từ đó cha mẹ tạo điều kiện cho trẻ tự thể hiện mình. Nên lựa chọn hoàn cảnh và thời điểm thích hợp để dạy cho trẻ. Khi trẻ cảm thấy khó chịu, không thoải mái thì không nên miễn cưỡng ép trẻ làm.

Kinh nghiệm hay về dạy tính tự lập và khắc phục trẻ ương bướng

Để hình thành tính tự lập cho con, ngay từ khi em bé mới 3 tháng, tôi bắt đầu tìm hiểu về các phương pháp ăn dặm. Tôi đã chọn kết hợp 2 phương pháp là ăn dặm kiểu Nhật và Baby led weaning (BLW).

Chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật vì triết lý của phương pháp này là tôn trọng khẩu vị của trẻ, hình thành cho trẻ khả năng cảm nhận mùi vị của các món ăn ngay từ khi còn nhỏ và mục tiêu dài hạn là đến 1 tuổi con có thể tự xúc ăn. Một điều nữa tôi thích ở phương pháp này là trẻ không phải ăn đồ xay nhuyễn mà phải tuân thủ từng bước theo quy trình tỷ lệ gạo: nước để thức ăn có độ thô phù hợp với độ tuổi của con.

Tôi bắt đầu áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật từ khi con được 5 tháng 20 ngày. Sau khi con tròn 7 tháng, tôi bắt đầu kết hợp phương pháp BLW. Đây là phương pháp cho trẻ tự ăn và ăn thô hoàn toàn. Tôi luộc rau củ hoặc cắt trái cây mềm như chuối, đu đủ... sau đó để lên khay ăn, cho con ngồi vào ghế để con tự cầm thức ăn và ăn. Mẹ chỉ giám sát quá trình ăn và chỉ can thiệp phòng khi con có nguy cơ bị hóc thức ăn. Nhờ kiên trì kết hợp hai phương pháp này trong quá trình tập ăn dặm cho con, đến 1 tuổi con tôi đã có thể tự cầm đùi gà ăn ngon lành, biết ăn cơm, thức ăn chung với gia đình. Việc ăn uống của con cũng nhẹ nhàng hơn, con biết tự xúc ăn sớm, biết lựa chọn thức ăn và không phải ăn cháo xay, không ăn lẫn tinh bột và món đạm mà biết ăn riêng...

Trẻ con rất thích bắt chước, khi thấy người lớn làm việc thì cũng xông vào xin làm. Những lúc như vậy tôi thường khuyến khích con tham gia làm cùng (dù làm xong mẹ dọn mệt gần chết!). Được tham gia làm việc cùng mẹ khiến trẻ rất vui vẻ, tích cực và các kỹ năng cũng nhờ đó mà được hình thành.

Đối với các kỹ năng cá nhân như đánh răng, rửa mặt, tắm rửa... thì ngay từ khi 1 tuổi, tôi đã tập cho con nên khi con được 1,5 tuổi đã có thể tự đánh răng, rửa mặt và lau mặt. Khi dạy con tính tự lập, tôi cũng gặp phải sự chống đối của con. Ví dụ như việc đánh răng. Ngay từ khi mới bắt đầu, con không chịu hợp tác, khóc giãy dụa. Tôi có giải thích với con là nếu không đánh răng sẽ bị sâu răng, sâu răng sẽ bị hôi miệng, không có bạn chơi cùng... nhưng con nhất quyết không nghe. Tôi tìm mua cuốn truyện Ehon của Nhật Bản có tựa đề “Câu chuyện những chiếc răng”, trong đó có kể về chức năng của răng hàm, răng cửa, quá trình ăn uống và các nguyên nhân bị sâu răng. Nội dung câu chuyện ngắn gọn, kèm hình ảnh minh họa rất sinh động nên con rất thích (dù lúc ấy con mới hơn 1 tuổi). Sau vài lần mẹ đọc cho nghe, cậu ta đã tự nguyện đi đánh răng.

Thanh Vân (ghi)

Ngọc Hà (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy trẻ tư duy phản biện

Tự tin nói chuyện trước đám đông là kỹ năng mà nhiều phụ huynh mong muốn ở con mình, nhất là các em được tranh luận, phản biện.

Dạy trẻ tư duy phản biện
Dạy trẻ tự bảo vệ bản thân

Trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành xã hội là hoạt động được các cấp bộ Đoàn nỗ lực triển khai nhằm phát huy công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Dạy trẻ tự bảo vệ bản thân

TIN MỚI

Return to top