ClockThứ Bảy, 28/07/2018 14:20

Để con tự tin vào lớp 1

TTH - Ngày đầu vào lớp một, nhiều trẻ cảm thấy bỡ ngỡ, lo lắng và thậm chí là không thích đi học. Cha mẹ cần chuẩn bị gì để trẻ có thể vượt qua khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp từ bậc mầm non lên tiểu học này? Những chia sẻ và lời khuyên của TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế, sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho các bậc phụ huynh.

Không cần thiết phải cho con học chữ trước khi vào lớp 1Không lo thiếu chỗ họcLại “nóng” chuyện tuyển sinh vào lớp mộtTrẻ em Thụy Điển học về lập trình từ lớp 1

TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế

* Thưa  TS.Nguyễn Thanh Hùng, cha mẹ cần có sự chuẩn bị về tâm lý cho con như thế nào để trẻ không cảm thấy bỡ ngỡ khi vào lớp 1?

Ở bậc mầm non chủ yếu là hoạt động chơi nhưng lên tiểu học thì thay đổi hoàn toàn: Môi trường mới mẻ, rộng hơn, thầy cô nhiều hơn, bạn bè mới lạ hơn, đặc biệt là chuyển từ hoạt động vui chơi sang hoạt động chính là học tập, mà lúc này không phải học 1 môn mà học rất nhiều môn, trong 1 môn cũng có nhiều thầy cô dạy nên trẻ sẽ gặp không ít khó khăn ở bước chuyển tiếp có thể nói là bước ngoặt trong cuộc đời trẻ. Để trẻ có thể thích ứng với môi trường mới, các bậc phụ huynh phải chuẩn bị 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, chuẩn bị tốt về thể chất cho trẻ vì không những trẻ cần có đủ sức khỏe để tham gia nhiều hoạt động học tập ở các hình thức khác nhau mà còn cần sức khỏe để có thể tham gia nhiều hoạt động vận động, ví dụ như môn thể dục chẳng hạn. Việc chuẩn bị thể chất bao gồm chuẩn bị chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho trẻ và trẻ có một tinh thần thoải mái nhất, từ đó tham gia tốt nhất vào các hoạt động mà nhà trường đặt ra.

Thứ hai là chuẩn bị về tâm lý, cái này rất quan trọng, vì khi lên lớp 1 tức chuyển sang một môi trường rộng lớn xa lạ, thay đổi về cách học tập, vui chơi nên tâm lý trẻ sẽ có sự xáo trộn. Ở mầm non chỉ có 1-3 cô nhưng sang tiểu học cùng lúc có thể tiếp xúc với 5-6 cô và có cả thầy - đó là điều hoàn toàn khác biệt. Về bạn bè cũng mở rộng không chỉ trong lớp mà còn có các bạn trong khối 1 và anh chị lớp 2, 3, 4, 5. Các môn học nhiều hơn nên trẻ phải chuẩn bị tốt về tâm lý.

Thứ ba, chuẩn bị về các điều kiện khác, ví dụ như mua sắm áo quần, giày dép, cặp sách, đồ dùng học tập,… Nếu ngày mai đi học mà trẻ có cặp sách mới, đôi giày mới thì tinh thần sẽ khác. Đứa trẻ khi nhận được sự chuẩn bị của gia đình về cả 3 mặt trên thì rất yên tâm, tự tin đi học.

Tôi có lời khuyên các bậc phụ huynh là, trước khi trẻ chính thức đến trường nên dẫn trẻ tới tham quan trước trường tiểu học để trẻ hình dung ra môi trường đi học. Khi đó,  yếu tố tâm lý sẽ giảm, trẻ cảm thấy tự tin, thoải mái, bình tĩnh hơn.

Cũng cần nói thêm là ở trường mầm non, yếu tố kỷ luật và nội quy của nhà trường chưa nhiều nhưng sang môi trường tiểu học, trẻ phải tuân thủ kỷ luật, nội quy, giờ giấc của nhà trường, 7 giờ vào học thì đúng 7h chứ không du di đến 8h như ở mầm non. Ở bậc mầm non, trong giờ học trẻ có thể chạy đi chạy lại và một tiết học cũng không khống chế về mặt thời gian và số lượng cụ thể nhưng đã vào tiểu học thì 1 tiết học bao nhiêu phút là phải đúng. Những nội quy đó làm cho trẻ bị áp lực nên cha mẹ phải chuẩn bị để trẻ hình dung ra đến trường tiểu học thì phải thực hiện theo những nội quy, quy định của nhà trường từ việc tuân thủ thời gian quy định trong lớp thế nào, khâu vệ sinh, sinh hoạt, vui chơi, tự ăn tự phục vụ… ra sao. Nếu chúng ta không chuẩn bị tốt, trẻ sẽ gặp những khó khăn, gây ra tâm lý căng thẳng không muốn đi học.

Không nhất thiết phải cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Ảnh: Lê Thọ

* Còn những kỹ năng khác thì thế nào, thưa tiến sĩ?

Phụ huynh cần chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết, như: Kỹ năng hợp tác, giải quyết xung đột với bạn bè trong lớp, bạn bè ngoài lớp; kỹ năng hợp tác với thầy cô, vì ở mầm non thì chỉ trong một lớp học nhưng sang tiểu học thì không chỉ trong một lớp mà một khối học có nhiều lớp, trong trường có nhiều khối học khác nhau. Đối với những đứa trẻ học tiểu học bán trú cần có kỹ năng tự phục vụ vì trẻ phải tự phục vụ bữa ăn cho mình, sắp xếp bàn ghế, đồ ăn, dọn dẹp phòng học và thực hiện hoạt động dọn vệ sinh,... Trước khi trẻ đi học, cha mẹ phải hướng dẫn con về những hoạt động con sẽ tham gia và những công việc con phải thực hiện ở trường để con hình dung và chuẩn bị những kỹ năng đó.

* Để trẻ khỏi bỡ ngỡ, nhiều cha mẹ cho con đi luyện chữ và học toán trước khi vào lớp 1, theo chuyên gia, có cần thiết phải làm như vậy không?

Theo quan niệm giáo dục học và tâm lý học, các nhà nghiên cứu khuyên không nên cho trẻ đi học trước, khi trẻ biết trước điều gì rồi sẽ hạn chế về mặt tư duy và đặc biệt là gây ra sức ì ở trẻ. Trẻ luôn thích những cái mới lạ, càng mới lạ càng kích thích khả năng phát triển của trẻ. Do vậy, hãy để trẻ tự khám phá về những kiến thức mới lạ mà giáo viên mang đến cho trẻ khi đã vào lớp 1. Một ví dụ là 2 đứa trẻ cùng đi vào siêu thị, đứa trẻ biết chữ trước rồi thì khi nhìn vào túi thức ăn (ví dụ như đó là thức ăn cho mèo) thì sẽ đọc được và biết là thức ăn cho mèo nhưng đứa trẻ chưa biết chữ thì không đọc được nên nó bắt đầu tư duy suy luận: Trên có hình ảnh con mèo, dưới có đĩa thức ăn thì chắc chắn đây là túi đựng thức ăn cho mèo. Như vậy, đứa trẻ biết chữ chỉ cần đọc thôi không cần phải tư duy, còn đứa chưa biết chữ bắt buộc phải vận động tư duy và đó là cái lợi cho đứa trẻ. Thế nên, phụ huynh không nên căng thẳng về việc cho con học trước mà hãy để cho trẻ bắt đầu học từ đầu khi vào lớp 1. Môi trường nhà trường là nơi mà các nhà sư phạm được đào tạo sẽ biết cách bắt đầu cho đứa trẻ học tập từ đâu và luôn luôn tạo ra sự mới lạ cho đứa trẻ.

Tuy vậy, cha mẹ nên cho con nhận biết mặt chữ cái và biết trước số học đơn giản từ 1 đến 10. Mặc dù trong nghiên cứu các nhà nghiên cứu nói trẻ có thể học và tiếp thu được từ khi 3 tuổi nhưng cha mẹ không nên vội vàng nhồi nhét cho trẻ, hãy để cho con có thời gian trẻ thơ. Chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định những trẻ biết đọc trước sẽ giỏi hơn trẻ chưa biết đọc nên không cần phải sốt ruột. Vấn đề là phụ huynh nên dành thời gian hướng dẫn thêm sau giờ học trên lớp của con, khuyến khích trẻ và khen ngợi trẻ để phát huy khả năng của trẻ.

* Một số sai lầm khác của cha mẹ khi con vào lớp 1 là có cha mẹ không hề chuẩn bị tâm lý cho con nhưng có phụ huynh lại chuẩn bị và lo lắng thái quá. Vậy lời khuyên của chuyên gia là gì, cần chuẩn bị thế nào là vừa đủ?

Để trẻ có tâm thế tốt nhất thì như tôi đã đề cập, các phụ huynh cần chuẩn bị 3 vấn đề chính ở trên. Chỉ cần đủ 3 điều kiện đó là đứa trẻ đủ tự tin vững vàng để tham gia môi trường học tập mới, không nên cố gắng kỳ vọng và áp đặt quá mà hãy để trẻ sống đúng với tuổi thơ của nó và chắc chắn tới trường tiểu học, các thầy cô sẽ có cách thức để giúp trẻ tiếp thu những kiến thức, kỹ năng và một số yêu cầu khác của nhà trường. Cha mẹ cần tránh hai vấn đề là quan tâm quá mức, không nên làm và lo lắng hết cho trẻ mà hãy để trẻ chủ động; thứ hai là không nên quá thờ ơ không chuẩn bị gì cho trẻ. Cả hai điều này đều gây nên sự ức chế.

Tôi khuyên các bậc phụ huynh trước khi con vào lớp 1 thay vì cho con học chữ thì hãy cho con học một số môn năng khiếu về âm nhạc, hội họa, bơi lội hay cái gì con thích để con có tâm lý thoải mái nhất.

* Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hà (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top