ClockThứ Tư, 21/06/2017 06:21

Để nghề báo mãi được tôn vinh

TTH - Tiếng ta thán... “báo đời, báo hại” vẫn chưa thôi dứt vọng về từ cuộc sống. Thanh danh của nghề báo, của nhà báo vẫn tiếp tục bị tổn thương, bị méo mó trong mắt của nhiều người...

Báo Thừa Thiên Huế trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp Quảng Bình

Bước vào đầu năm lớp 12 rồi mà tôi vẫn còn khù khờ vô kể. Bạn bè đã thấy chộn rộn sẽ đăng ký thi khối này khối kia, trường này trường khác. Còn tôi thì cứ như đang đi giữa mê trận. Cha mẹ thì vì hoàn cảnh lịch sử nên không nhiều chữ nghĩa. Các chị cũng chỉ cách tôi một vài tuổi, lại lo ở nhà chạy chợ giúp mẹ nên cũng không tư vấn được gì nhiều. Một hôm đến nhà một người bạn chơi, thấy anh của bạn đang cặm cụi bên bàn viết. Bạn thì thào: “Anh tau là nhà báo đó, đừng làm ồn, để anh ấy viết bài...”. Thái độ của bạn, rồi nhìn dáng điệu nghiêm cẩn pha chút nghệ sĩ của anh, lòng tôi dấy lên sự ngưỡng mộ khó tả. Chợt nghĩ mình cũng thích văn chương chữ nghĩa chút chút, e... làm nhà báo cho nó oách. Vậy là quyết định thi vào khoa văn trường Tổng hợp.

Ra trường, may mắn đã cho tôi được dự một chân vào tờ báo mà bạn đang đọc. Nghề báo không như những gì mình vẫn nghĩ. Nói tóm lại là “không chỉ có hoa hồng”. Ai làm nghề rồi mới biết, nội cái chuyện chạy theo đề cương, chỉ tiêu tin bài thôi cũng đã đủ... bể phổi. Nhưng ngoài cái nhọc nhằn nghiệp vụ ra thì công bằng mà nói, nghề báo vui, và cả... sướng nữa. Sướng nhất là ở chỗ đi đâu cũng được chào đón, được gọi bằng “anh nhà báo”, “đồng chí nhà báo” rất trọng thị thân tình; và còn một cái sướng nữa, có thể là hơi... nhỏ nhặt, nhưng không kém phần quan trọng là đi cơ sở về dạ dày hiếm khi bị lép, cho dù là giữa thời “cơm thua gạo kém, lương tiền khó khăn”.

Được trọng thị như vậy, ngược lại, cánh nhà báo đa phần cũng hết sức đàng hoàng, chuẩn mực. Bài vở có thể chưa sắc sảo lắm, chưa nhanh nhạy lắm, nhưng công ra công, tư ra tư, làm ra làm chơi ra chơi. Chính vì vậy, thỉnh thoảng trong một vài bài viết, ta đọc thấy câu xã này, phường kia, doanh nghiệp nọ gặp và đón nhà báo “như người thân” là tả thật lòng thật bụng chứ không phải ngoa ngôn đại tự.

Nhưng, hình như, đó đã là chuyện của ngày xưa...

Trong một cuộc giao ban báo chí, có nhà báo đã vừa phản ánh vừa phàn nàn với lãnh đạo tỉnh về tình trạng có những đơn vị làm việc xong, nhà báo vừa ra về đã lập tức bị quăng theo: “mấy thằng nhà báo...”, “bọn nhà báo...”. Theo nhà báo nọ, đó là thái độ hết sức khiếm nhã, nếu không muốn nói là vô văn hóa. Đụng chạm đến nghề, đến đồng nghiệp, tôi cũng cảm thấy sốc, cảm thấy bị xúc phạm dữ dội. Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua. Bình tâm ngẫm lại mới giật mình xót xa cho sự xuống cấp của nghề. Thời chúng tôi mới bước chân vào làng báo, cũng có hiện tượng nhà báo “lôm côm”, nhưng hầu hết là vặt vãnh, dạng nằn nì “xin” cái quảng cáo, làm vài trăm tờ lịch để kiếm chút phần trăm hoa hồng cải thiện đời sống. Khôn ngoan, dài nghĩ hơn thì tranh thủ mối quan hệ để xin mua lô đất theo giá tiêu chuẩn. Còn anh nào... bần tiện, thiển cận thì kiếm cuộc nhậu cuối ngày... Mà đó cũng chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ trong làng báo.

Còn bây giờ thì, quả là hơi... loạn. Loạn cả về số vụ scandal lẫn loạn cả về tính chất vụ việc. Nào là thành lập nhóm để “đánh hội đồng” bắt chẹt doanh nghiệp phải chung chi; nào là quay phim, chụp ảnh để “đổi chác”; nào là vỗ ngực xưng danh có nhiều mối quan hệ để lừa đảo chạy việc; nào là liên kết để thực hiện... “chuỗi giá trị” sáng đăng - trưa gặp - chiều “gỡ”; thậm chí ngay cả cảnh sát giao thông cũng trở thành nạn nhân bị “đọc lệnh” không hề ngán ngại! Bẩn thỉu và phi nhân nhất là chuyện theo dõi, “rình mò” rồi suy diễn, thổi vấn đề đối với những chuyện cỏn con  nhằm gây sức ép trục lợi. Ai đời nhà báo mà “cả gan” vào yêu cầu chủ hộ gia đình xuất trình giấy phép xây dựng để... kiểm tra. Không có hả? “Nộp phạt”, nếu không muốn bị viết bài (!). Rảo quanh các huyện, bất chợt bắt gặp xe biển xanh về công tác, trưa đứng bữa, địa phương tình cảm mời dùng cơm rồi hẵng về. Vậy là chộp ảnh, rồi tìm gặp lãnh đạo huyện “dọa” phản ánh chuyện chấp hành chỉ thị Chủ tịch tỉnh không nghiêm. Chưa kể đến chuyện nhân cách, nhà báo kiểu gì mà ra xã hội bị người ta đánh giá còn thua cả... “thằng cao bồi”. Biết chả phải nói gì mình, nhưng nghe sao cứ thấy nghẹn lòng... 

Không ít vụ đã bị “bêu danh”, bị kỷ luật, xử phạt, cắt hợp đồng lao động, thu hồi thẻ nhà báo, thậm chí cả bị truy tố trước pháp luật. Vậy nhưng, hình như thuốc chưa đủ đắng nên tật chưa chịu giã. Tiếng ta thán... “báo đời, báo hại” vẫn chưa thôi dứt vọng về từ cuộc sống. Thanh danh của nghề báo, thanh danh của nhà báo vẫn tiếp tục bị tổn thương, bị méo mó trong mắt của nhiều người. Câu chuyện trở nên bức xúc đến mức Hội nhà báo Việt Nam phải quyết định thành lập “Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo”, các hội nhà báo thành viên cũng đã và đang tiến hành thành lập hội đồng tại đơn vị mình.

Nguyên nhân của câu chuyện do đâu? Do nhà báo đào tạo “bùng nổ” về số lượng mà quên mất chất lượng, nhất là chất lượng đạo đức nghề nghiệp? Do áp lực kinh tế báo chí? Do buông lỏng quản lý? Do pháp luật còn kẽ hở, chế tài chưa đủ độ răn đe?... Phân tích, mổ xẻ sẽ tìm ra nguyên nhân của mọi nguyên nhân để có hướng khắc chế. Riêng tôi, đề nghị việc trước hết là giao và quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan báo chí phải quản chặt “đất canh tác” của mình, không để cho những thông tin “có mùi” lên sóng, lên trang. Không có đất dụng võ, cánh “nhà báo lôm côm” hẳn cũng hết còn cơ hội để quấy nhiễu, kiếm chác.

Vui và may mắn là trong bối cảnh nhiễu nhương ấy, báo giới vẫn không thiếu người sống chết, trách nhiệm với nghề. “Vui thật nhiều, tự hào thật nhiều về nghề báo và tự hứa phải sống, viết không để mọi người quay lưng với mình...” - Tôi mỉm cười khi bắt gặp được dòng cảm xúc của một đồng nghiệp trên fb khi anh nhận được những bó hoa sớm nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Mong cho mỗi đồng nghiệp của mình đều tự hứa và làm được như thế, để nghề báo sẽ mãi được tôn vinh, mãi là cái nghề ước mơ của nhiều bạn trẻ...

Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 năm 2024 với chủ đề: "Công tác xã hội Việt Nam - Tiên phong, chuyên nghiệp và kết nối"; đồng thời tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động công tác xã hội (CTXH) trên địa bàn tỉnh. Đến dự lễ kỷ niệm có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội
Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.

Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế
Tôn vinh 50 cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều 11/12, UBND huyện A Lưới tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) huyện A Lưới lần thứ nhất.

Tôn vinh 50 cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số
Return to top