ClockThứ Tư, 03/08/2016 14:12
VỤ HÀ CƯỜNG D. ĐÂM CHẾT NGƯỜI

Đề nghị chấp nhận cho giám định lại tâm thần

TTH - Bà Ngô Thị Hạnh (phường Phú Hiệp, TP. Huế) khiếu nại nội dung: Con trai bà là Bùi Ngọc Phương bị Hà Cường D. (Việt kiều Mỹ) đâm chết. Thế nhưng, D. lại thoát tội do cơ quan công an căn cứ kết luận Giám định (GĐ) của Trung tâm giám định pháp y tâm thần (TTGĐPYTT) tỉnh, kết luận tại thời điểm gây án D. lên cơn tâm thần, mất năng lực hành vi (NLHV), mất năng lực chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). Bà Hạnh cho rằng, bản GĐ không khách quan, dẫn đến cơ quan chức năng bỏ lọt tội phạm...

Diễn biến sự việc

Đêm 7/3/2015, Phương cùng nhóm bạn ngồi chơi tại quán bar Zen (phường Xuân Phú, TP. Huế) thì bị D. ngồi bàn cạnh đó vô cớ dùng dao đâm vào đùi, tay, gây tử vong do mất nhiều máu. D. bị bắt giữ tại nhà (ở 61 Mạc Đĩnh Chi, TP. Huế). Tại đây, công an thu giữ 56 viên đạn, mũi cung tên, dao bấm, rìu. Ngày 10/3/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh (CQĐT) ra quyết định (QĐ) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với D. về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Quá trình điều tra, bị can giao nộp một số chứng từ hóa đơn sử dụng thuốc an thần tại Mỹ. Mặt khác, nhận thấy những bất thường trong hành vi và thái độ khai báo của D. nên ngày 21/4/2015, CQĐT ra quyết định trưng cầu GĐ, trưng cầu TTGĐPYTT tỉnh tiến hành GĐ tâm thần đối với D.. Ngày 28/5/2015, trung tâm này có bản kết luận GĐ số 13, kết luận: Trước thời điểm gây án: Bệnh động kinh hỗn hợp kèm rối loạn tâm thần và biến đổi trí năng nhân cách; giảm NLHV và giảm năng lực chịu TNHS. Tại thời điểm gây án: Trạng thái rối loạn ý thức của động kinh hỗn hợp kèm rối loạn tâm thần và biến đổi trí năng nhân cách; mất NLHV và mất năng lực chịu TNHS. Tại thời điểm hiện tại (sau gây án): Bệnh động kinh hỗn hợp kèm rối loạn tâm thần và biến đổi trí năng nhân cách (yêu cầu điều trị bắt buộc); giảm NLHV và giảm năng lực chịu TNHS (đề nghị điều trị bắt buộc).

Căn cứ kết luận của bản GĐ nêu trên, ngày 12/6/2015, VKSND tỉnh ra QĐ áp dụng biện pháp chữa bệnh, đưa bị can D. đi bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần TP. Đà Nẵng; ngày 15/6/2015, CQĐT ra QĐ tạm đình chỉ vụ án hình sự, QĐ tạm đình chỉ bị can đối với D.; Ngày 22//2/2016, ra QĐ đình chỉ điều tra vụ án hình sự và quyết định đình chỉ điều tra bị can D. về tội cố ý gây thương tích. D. vẫn bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” (phiên tòa mở ngày 22/6/2016, D. bị TAND tỉnh phạt 2 năm 6 tháng tù).

Luật cho phép giám định lại khi có nghi ngờ

Không đồng ý với bản giám định, QĐ đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, do nghi ngờ có sự không minh bạch, bà Hạnh có đơn yêu cầu GĐ lại tâm thần đối với D., bởi một cơ quan GĐ khác, đồng thời khiếu nại QĐ đình chỉ điều tra bị can đối với D., gửi CQĐT, VKSND tỉnh. Tại QĐ giải quyết khiếu nại số 02 ngày 14/3/2016, CQĐT căn cứ vào kết quả GĐ, trả lời: “Việc ra QĐ đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can đối với D. là đúng theo quy định của pháp luật”.

Khoản 1 điều 158 Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định” “Bị can, những người tham gia tố tụng khác được trình bày những ý kiến của mình về kết luận GĐ, yêu cầu GĐ bổ sung hoặc GĐ lại” và khoản 2 điều 159 BLTTHS quy định: “Việc GĐ lại được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả GĐ... Việc GĐ lại phải do người GĐ khác tiến hành”. Tại phiếu thông báo số 558 ngày 12/4/2016, VKSND tỉnh cũng viện dẫn khoản 1 điều 158 để thông báo cho bà Hạnh “gửi đơn đề nghị CQĐT giám định lại tình trạng tâm thần của D.”. Thế nhưng ngược lại, tại thông báo số 564 ngày 23/5/2016, CQĐT căn cứ điều 158 và khoản 2 điều 159 BLTTHS trả lời: “việc yêu cầu GĐ lại tâm thần đối với D. là không có căn cứ, nên CQĐT không thể ra quyết định trưng cầu GĐ lại”. Đối chiếu với quy định của pháp luật nêu trên, thì trả lời của CQĐT về vấn đề bà Hạnh yêu cầu (GĐ lại) là chưa thỏa đáng.

Khoản 2 điều 158 BLTTHS quy định: “Trong trường hợp CQĐT, VKS không chấp nhận yêu cầu của bị can, những người tham gia tố tụng khác thì phải nêu rõ lý do và thông báo cho họ biết”. Trước đó, tại công văn số 986 ngày 17/8/2015, CQĐT trả lời kiến nghị bà Hạnh: “Kết luận GĐ của TTGĐPYTT tỉnh là cơ quan chuyên môn, độc lập được CQĐT trưng cầu GĐ để phục vụ công tác điều tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình…”. Nếu đây là lý do thì vô hình chung lý do này đã “vô hiệu hóa” nội dung các điều, khoản của BLTTHS nêu trên, quy định về việc giám định lại khi có nghi ngờ...

Yếu tố tác động do men bia chưa được xem xét khi giám định

Bà Hạnh bức xúc: “Việc GĐ tiến hành là sau 2 tháng kể từ lúc gây án. Căn cứ nào để kết luận trước khi gây án, D. giảm NLHV, giảm năng lực chịu TNHS, sau khi gây án cũng giảm NLHV, giảm năng lực chịu TNHS. Nhưng ngay tại thời điểm gây án lại mất NLHV và mất năng lực chịu TNHS. Phải chăng có sự khuất tất, gian dối”?

Theo Ths.Bs Tôn Thất Hưng (lúc đó là Giám đốc TTGĐPYTT tỉnh, Chủ tịch Hội đồng GĐ, hiện là chuyên gia biên chế của trung tâm): Qua GĐ, tại thời điểm gây án D. rơi vào cơn động kinh tâm thần vận động, có hành vi tự động vô cớ đôi khi gây nguy hiểm cho xã hội, kèm theo những cơn hoang tưởng ảo giác kéo dài 5 đến 10 phút hoặc 1 đến 2 giờ đồng hồ không biết gì. Sau cơn không nhớ gì. Do đó bệnh nhân mất NLHV và mất năng lực chịu TNHS. Dù sau 2 tháng hay nhiều năm cơ quan chuyên môn vẫn GĐ được, căn cứ vào bệnh án có từ trước, khai thác bệnh từ bệnh nhân và người nhà. D. khai tại thời điểm gây án, thấy một bóng đen trùm xuống mình, tưởng là quỷ nên rút dao đâm. Người nhà của D. cũng kể nhiều lần D. lên cơn, vô cớ đánh vợ, mẹ. Ở Mỹ, anh ta đã từng nhiều lần tự tử không thành...

Đặt câu hỏi, có thể lợi dụng tiền sử tâm thần, D. và người nhà khai như thế để thoát tội. Điều đáng nói, trước khi gây án, D. đã uống 3 “cử” bia, thấy Phương nhìn mình, D. cho rằng Phương “nhìn đểu”. Có thể do một phần tác động của bia rượu, D. nổi máu côn đồ, gây án. Tại sao cơ quan GĐ không xem xét điều này mà lại khẳng định D. rơi vào cơn hoang tưởng, mất ý thức do đó mất năng lực chịu TNHS? Ông Hưng khẳng định, ông tin vào chuyên môn của hội đồng GĐ. Mặt khác, tại hồ sơ GĐ không thể hiện việc D. uống bia và có người nhìn đểu D..

Thế nhưng, trong bản kết luận GĐ pháp y về tử thi Bùi Ngọc Phương số 52 ngày 12/3/2015 của Trung tâm Pháp y tỉnh, mục “tình hình sự việc” ghi: “Quá trình ngồi uống bia, D. nhìn qua bàn bên cạnh thấy Phương đang nhìn mình, D. cho rằng người thanh niên này đang nhìn đểu mình nên D. đi qua bàn Phương, rút dao giấu sẵn trong người đâm”. Và tại bản án số 23 ngày 22/6/2016 của TAND tỉnh (xét xử D. về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”) thể hiện trước khi đâm Phương, D. đã 3 lần uống bia. Chỉ riêng TTGĐPYTT, khi tiến hành GĐ, không được biết các tình tiết nêu trên (theo lời ông Hưng). Điều này có thể dẫn đến kết luận của bản GĐ thiếu khách quan, chưa chính xác. Bởi lẽ, tác động của hơi men có thể là một phần tác động hành vi (gây án) của D., chưa được xem xét trong quá trình GĐ. Vì vậy, CQĐT nên chấp nhận yêu cầu giám định tâm thần lại đối với D. (theo quy định của pháp luật) để tránh bỏ lọt hành vi tội phạm.

Quỳnh Anh  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lừa của nhiều người gần 30 tỷ đồng rồi… tâm thần

Lợi dụng danh nghĩa nhân viên của một ngân hàng có chi nhánh tại Huế, Hà nói dối với nhiều người “Cần vay tiền để đáo hạn các khoản vay cho khách đang vay tại ngân hàng mình đang làm việc và cam kết sẽ trả tiền gốc và lãi trong thời gian ngắn” để lừa của 11 người với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Lừa của nhiều người gần 30 tỷ đồng rồi… tâm thần
Return to top