ClockThứ Năm, 28/06/2018 13:45

Để rừng khỏi kiệt

TTH - Lực lượng giữ rừng dù có đông đảo đến bao nhiêu cũng khó mà bao quát hết. Đó là chưa nói đến việc, lực lượng bảo vệ rừng hiện nay, chúng ta hay nói là “rất mỏng”. Và, cũng chưa kể đến tiêu cực trong lực lượng bảo vệ rừng?

Cải tạo & mở rộng rừng thông núi Ngự, tại sao không?Phong Điền chủ động phòng, chống cháy rừngTrồng 20 ha rừng ngập ngọt tại vùng cửa sông Ô LâuGiống lâm nghiệp thân thiện môi trườngTrồng cây gây rừngKhai thác và bán gần 5.500 tấn gỗ rừng FSCTrồng rừng ngập mặn bảo vệ đầm phá

Khảo sát diện tích rừng trồng gỗ lớn. Ảnh: Hoài Thương

Mới quản từ “gốc”

Giữ rừng, bao giờ cũng là một công việc hết sức khó khăn. Đơn giản là rừng rộng mênh mông và bao la.

Do đặc điểm của Thừa Thiên Huế, và có lẽ cũng là trên cả nước, người dân sống ven rừng rất nhiều. Rừng thì quá “nhiều cửa” (ở đây là nói đến rừng tự nhiên), người dân sống ven rừng đa số là dân nghèo. Bám vào rừng để sống là một tập quán từ quá lâu đời. Trước đây là săn bắn, hái lượm. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Nhưng rừng cũng là một nguồn lợi rất lớn. Bắt vài con sóc, con chim, con thú. Hái cái  lá nón, chổi đót, rút mây. Săn con cá suối, cá chình… Vào rừng không thiếu cái ăn và cách kiếm tiền. Nhưng kiếm tiền nhiều nhất và hấp dẫn nhất là từ gỗ.

Thứ nữa là do thói quen sử dụng gỗ tự nhiên của người dân. Khi kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng gỗ càng ngày càng tăng cao. Cứ nhìn giá của các loại gỗ nhóm một nhóm hai tăng đến chóng mặt là hiểu điều này. Vì sao giá gỗ tăng cao? Vì nhu cầu quá lớn và gỗ ngày càng khan hiếm. Rừng cạn kiệt là vì vậy.

Một khi giá cả tăng cao lại càng kích thích người dân đi khai thác, dù đó là trái phép.

Lâu nay chúng ta quản lý rừng là quản lý từ “gốc”.  Gốc ở đây nghĩa là cắm chốt, chặn bắt gỗ từ rừng đưa ra trái phép. Giờ chúng ta thử quản lý từ “ngọn” xem sao!? Ngọn ở đây muốn nói là quản lý từ người sử dụng.

Giao rừng cho cộng đồng quản lý cũng là cách để rừng, đất rừng có chủ. Ảnh: Hoài Thương

Gỗ ở một xưởng cưa từ nguồn gốc gỗ rừng tự nhiên phải có xuất xứ hóa đơn. Người sử dụng làm nhà cũng vậy. Anh mua gỗ từ đâu? Anh phải chứng minh nguồn gốc? Khi anh không chứng minh được điều này nghĩa là anh sử dụng gỗ trái phép.

Nếu sử dụng biện pháp này và sử dụng một cách kiên quyết, có khi là ngân sách thu được thêm tiền và cũng “hạ nhiệt” được nhu cầu sử dụng gỗ. Hiểu từ phương diện này, có nghĩa chúng ta quản lý từ gốc là đi “đuổi hình bắt bóng”, còn quản lý từ ngọn là có địa chỉ hẳn hoi, rất rõ ràng, cấm cãi !

Rừng phải thực sự có chủ

Khi ý thức về bảo vệ môi trường thiên nhiên và cân bằng sinh thái ngày càng được nâng cao, chúng ta có nhiều động thái tích cực về sử dụng các vật liệu thay thế. Ví dụ như gạch xây các công trình cũng dần chuyển đổi. Nếu các công trình sử dụng từ nguồn vốn ngân sách, bắt buộc phải sử dụng gạch không nung. Tuy nhiên trong việc sử dụng gỗ, ngay Nhà nước cũng không gương mẫu trong vấn đề sử dụng các vật liệu thay thế. Nếu chúng ta làm tốt việc này cũng đã giảm áp lực đi rất nhiều về sử dụng gỗ thiên nhiên.

Giờ chúng ta bàn thêm một tí về quản lý rừng. Muốn bảo vệ được rừng là rừng phải có chủ. Chủ ở đây là vấn đề sở hữu. Đã sở hữu thì trách nhiệm sẽ cao hơn. Không ai muốn mất cái mà chúng ta có quyền sở hữu. Nói nôm na là cái của mình.

Dù có một tỷ lệ rất lớn rừng được giao cho tổ chức, tập thể, cá nhân nhưng rừng vẫn bị mất. Nghĩa là cái sở hữu ở đây còn mang tính danh nghĩa, chưa thực chất. Chưa gắn kết được trách nhiệm, nghĩa vụ và  quyền lợi. Rừng được giao rồi đấy nhưng vấn đề không biết thế nào là người ta có trách nhiệm với rừng? Ai dám chắc rằng chính chủ rừng không xâm hại đến rừng? Việc xâm hại đến rừng không phải là đã không diễn ra mà diễn ra nhiều là đằng khác. Bởi nguồn lợi từ rừng, đặc biệt là gỗ quá sức hấp dẫn.

Giao rừng để rừng có chủ là một ý tưởng tốt đẹp. Đã giao rừng kèm theo điều kiện bảo toàn rừng là lẽ đương nhiên. Nếu rừng bị mất thì nó nằm ở chỗ vấn đề kiểm tra, giám sát. Mà việc kiểm tra giám sát là việc chúng ta thực thì còn rất yếu. Không phải chỉ ở lĩnh vực rừng mà nhiều lĩnh vực khác cũng vậy.

Đụng đến việc quản lý bảo vệ rừng là một vấn đề phức tạp. Nguồn lợi từ rừng không hề nhỏ và sự ham muốn của con người chưa bao giờ dứt. Nếu chúng ta không tìm được một giải pháp nào đó để thay đổi thói quen “ưa thích” sử dụng gỗ thiên nhiên, thì xem chừng, rừng tự nhiên ngày càng nghèo kiệt cũng không phải là điều khó hiểu !?

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển lâm nghiệp bền vững

Phát triển lâm nghiệp bền vững (LNBV) là chủ trương, chương trình lớn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng và độ che phủ rừng, ứng phó biến đổi khí hậu. Để nhìn nhận rõ hơn về những thành tựu, hạn chế, khó khăn cũng như các giải pháp thúc đẩy phát triển LNBV, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Phát triển lâm nghiệp bền vững
Return to top