ClockThứ Hai, 19/10/2015 14:46

Để trẻ yêu sách

TTH - Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ điện tử truyền thông với sức hấp dẫn của nó đang lôi kéo trẻ em ngày càng xa rời thú vui đọc sách. Cần làm gì để con trẻ yêu sách và có thói quen đọc sách? Sau đây là những chia sẻ và lời khuyên hữu ích của PGS.TS.Trần Thị Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm Huế.
Nhiều em nhỏ và thanh thiếu niên chăm chú đọc sách tại nhà sách trong dịp cuối tuần

Thưa PGS, bà đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với con trẻ?

Người lớn, đặc biệt là bố mẹ phải ý thức được vai trò của đọc sách đối với trẻ không chỉ cung cấp tri thức mà còn giúp trẻ học hỏi được kinh nghiệm, trải nghiệm trong cuộc sống từ trong sách vở. Với trẻ nhỏ, việc đọc sách còn quan trọng trong việc giúp phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ, cung cấp vốn từ cho trẻ, giúp trẻ biết sử dụng từ ngữ đó trong những hoàn cảnh khác nhau như thế nào (tức ngôn ngữ thực hành như các nhà ngôn ngữ học vẫn gọi).

Một thực tế bây giờ là người lớn ở Việt Nam ít đọc sách. Có thể vì bận rộn, cũng có thể vì không thực sự thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách và có thể do có quá nhiều cách thức giải trí như phim ảnh, internet, mạng xã hội,... Mặt khác, có một thực tế nữa là kể cả khi trẻ đọc sách cũng khiến người lớn lo lắng vì chất lượng sách cho trẻ bây giờ cũng có nhiều vấn đề, chẳng hạn như một số loại sách đưa vào quá nhiều yếu tố bạo lực, tình yêu,... và không phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Theo bà, bố mẹ cần có những cách thức nào để giúp trẻ yêu sách và có thói quen đọc sách?

Để tạo thói quen đọc sách cho trẻ bố mẹ phải rất quan tâm, tập thói quen đọc sách cho con ngay từ nhỏ. Đã có những tài liệu nói nên dạy trẻ yêu thích sách từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Có nhiều cách để trẻ thích đọc sách từ lúc còn nhỏ, đó là cho trẻ tiếp xúc hay chơi với những loại sách thú vị như loại sách bằng lụa khi sờ vào kêu sột soạt, sách có âm thanh, màu sắc... để đứa trẻ dù chưa hiểu được lời nói, câu chuyện trong đó thì đã được chơi với sách, được làm quen với sách rồi. Bố mẹ có thể ôm con vào lòng đọc sách cho con nghe. Việc bố mẹ dành thời gian cho con sẽ đem lại cho trẻ cảm xúc rất dễ chịu, vì thế hãy liên kết cảm xúc dễ chịu đó với việc đọc sách thì đứa trẻ sẽ dần dần thấy được việc đọc sách vô cùng thú vị.

Khi trẻ lớn dần lên một chút, bố mẹ hãy đọc cho trẻ nghe những sách có màu sắc, có hình con vật, bông hoa,... Vừa đọc vừa chỉ cho trẻ, giải thích, giới thiệu cho trẻ biết đây là cái gì, con gì. Bố mẹ nên tập thói quen đọc sách hàng ngày cho trẻ. Thường thời gian đọc sách dễ nhất của trẻ là buổi tối, sau khi ăn uống xong thay vì xem tivi, lên facebook, hãy dành thời gian nhất định cho trẻ đọc sách. Cứ lặp đi lặp lại như vậy đứa trẻ sẽ biết đến giờ đó là giờ đọc sách, nếu không đọc sách, nó sẽ cảm thấy thiếu, tức là hãy tạo cho con thói quen và nhu cầu thực sự đối với sách.

Một trong những điều cần làm là giảm thời gian xem tivi, chơi ipad, smartphone của trẻ. Thường phim hoạt hình hay trò chơi trên đó rất sống động và dễ thu hút sự chú ý của trẻ nhưng nếu bố mẹ để cho con dùng quá nhiều thời gian vào đó hơn là đọc sách thì trẻ sẽ ngày càng xa rời sách. Ở nhiều nước phát triển, bố mẹ hầu như không cho con xem tivi, làm quen ipad. Khi lớn lên do nhu cầu thì trẻ có thể tiếp xúc với những cái đó nhưng họ vẫn hạn chế thời gian sử dụng chứ không cho dùng nhiều.

Một cách để rèn thói quen đọc sách cho trẻ là bố mẹ cũng đọc sách và cảm thấy hứng thú khi đọc sách. Gương của bố mẹ rất thuyết phục với con. Trẻ con thấy khi rảnh bố cầm sách đọc, mẹ cũng cầm sách đọc thì nó cũng sẽ thích đọc sách. Một cách khác mà mọi người cũng hay làm để cho những đứa trẻ cùng ngồi đọc sách với nhau, tức là đọc sách mà có nhóm bạn. Vài bố mẹ có thể tập hợp trẻ lại và hẹn khoảng thời gian nhất định như ngày cuối tuần chẳng hạn để đưa con đến nhà sách hoặc đến thư viện. Các con sẽ vừa đọc sách vừa chơi vừa trao đổi về sách với nhau. Như vậy cùng một lúc thoả mãn rất nhiều nhu cầu đồng thời tạo hứng thú đọc sách cho trẻ.

Có những bố mẹ chưa tạo thói quen đọc sách cho con từ nhỏ, khi con lớn lên rồi họ mới ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách. Vậy khi đó những phụ huynh này cần làm gì để khơi gợi sự thích thú đọc sách cho con mình?

Thực ra, dễ hơn nếu bắt đầu từ sớm nhưng dù có hơi muộn nhưng vẫn phải bắt đầu. Bố mẹ phải có kế hoạch và cương quyết trong chuyện giảm thời gian xem tivi, chơi ipad,... của trẻ. Bố mẹ hãy mua sách về cùng đọc và trao đổi với con về sách. Khi đó, đứa trẻ sẽ cảm nhận được thời gian bố mẹ dành cho mình, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi tiểu học vẫn cần sự hướng dẫn của bố mẹ. Nếu trẻ lớn hơn nữa thì bố mẹ một phần làm gương cho con, đồng thời tạo không gian, thời gian để đọc sách và trao đổi với con về một cuốn sách nào đó. Cả bố mẹ và con cùng đọc một cuốn sách và có thể hỏi con thấy nhân vật trong đó như thế nào? Vì sao nhân vật đó ứng xử như vậy? Thay vì hỏi hôm nay con có làm bài tốt không, có bị cô giáo la không, hãy chuyển đề tài sang đọc sách để đứa trẻ thấy nó có một cái gì đó chung với bố mẹ. Với những trẻ lớn, bản thân đứa trẻ phải tìm thấy cái gì đó trong sách mà trên lớp học không có. Ví dụ trẻ ở lứa tuổi dậy thì, mẹ có thể chọn những sách nói về tuổi dậy thì để con tìm hiểu thêm. Thay vì để tự con tìm hiểu thì bố mẹ cùng tìm hiểu với con về một chủ đề nào đó. Muốn làm được điều này, bố mẹ phải biết con thích gì, con tò mò muốn hiểu biết về cái gì, để giáo dục lòng yêu thích sách cho con.

Đối với những đứa trẻ trước đó không yêu thích sách, một trong những điều tối kỵ là không bắt buộc trẻ đọc mà khơi gợi sự hứng thú của trẻ. Việc giáo dục trẻ yêu thích sách không bao giờ là muộn, kể cả với người trưởng thành, vấn đề là cách làm như thế nào.

Xin cảm ơn bà về những chia sẻ này.

Ngọc Hà (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Return to top