ClockThứ Sáu, 28/06/2019 07:19

Đê xuống cấp, hàng trăm ha lúa nguy cơ bị xâm nhập mặn

TTH.VN - Tuyến đê ngăn mặn Tây phá Tam Giang kéo dài từ xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền đến xã Hương Phong (TX. Hương Trà) bị xuống cấp khiến hàng trăm ha lúa có nguy cơ nhiễm mặn.

Nguy cơ tái sạt lở sau sửa chữaNhiều tuyến đê xuống cấp chờ đầu tưNhiều tuyến đê bao không đảm bảo cấp, thoát nước

Người dân cho rằng cao trình đê quá thấp, không còn phù hợp với thực tế

Không còn phù hợp thực tế?

Tuyến đê ngăn mặn này được xây dựng từ rất lâu, có tổng chiều dài hơn 6km, với nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cũng như nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ dân ở xã Hương Phong.

Những năm gần đây, trước diễn biến khí hậu phức tạp, tuyến đê đã cũ nên xuống cấp, hư hỏng. Đặc biệt là đoạn đê dài gần 2km kéo dài từ Quốc lộ 49B đến Bàu Su (thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong).

Tại đoạn đê này, bờ đê bằng đá hộc bị sóng đập nên bị sạt xuống mặt nước, mặt đê bằng bê tông với cao trình khá thấp khiến những lúc triều cường, nhiều diện tích ruộng và nuôi trồng thủy sản bị xâm nhập mặn.

“Vào mùa lũ năm 2018, khi triều cường và nước biển dâng, hơn 1ha ruộng lúa đông xuân của tôi bị xâm nhập mặn. Chúng tôi phải tiến hành huy động máy bơm để tiêu cục bộ nên chi phí rất lớn. Mặc dù vậy, sản lượng của lúa bị ảnh hưởng rõ rệt”, ông Nguyễn Văn Thành (xã Hương Phong) nói.

Tuyến đê Tây phá Tam Giang ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo cho khoảng 600 ha lúa của xã Hương Phong. Ông Phan Hữu Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho rằng, do xây dựng từ quá lâu nên cao trình thiết kế đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Triều cường và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp nên hàng trăm ha lúa của người dân địa phương đang bị ảnh hưởng. “Nhiều đoạn đê xuống cấp nghiêm trọng nên chúng tôi chỉ gia cố tạm thời, thủ công chư chưa có biện pháp dài lâu. Đặc biệt là đoạn đê từ Quốc lộ 49B đến khu vực phía Rú Chá đã hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến 25 ha lúa và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân”, ông Vinh cho biết.

Đá gia cố bờ đê hư hỏng, tràn xuống mặt phá

Theo ông Vinh, những năm qua, cứ vào mùa lũ, địa phương phải huy động sức dân để gia cố đê bao cũng như tạo ra những “bức tường” thủ công ngăn mặn, bảo vệ mùa màng. “Sản xuất nông nghiệp là thu nhập chính của người dân tại địa phương. Năng suất bình quân qua các vụ từ 60-62 tạ/ha. Hiện nay, diễn biến khí hậu đang bất lợi cho nông dân, do vậy về lâu dài cần có những biện pháp bảo vệ, nâng cấp tuyến đê này”, ông Vinh đề xuất.

Khó về nguồn vốn

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây, cử tri xã Hương Phong đã đề đạt nguyện vọng về những giải pháp, bố trí nguồn vốn nâng cấp tuyến đê ven phá Tam Giang này. Song, Bí thư Thị ủy Hương Trà Trần Duy Tuyến cho biết, nguồn kinh phí để tu sửa, nâng cấp rất lớn nên cần chờ những chính sách của tỉnh và trung ương.

Tuyến đê Tây phá Tam Giang đoạn qua xã Hương Phong được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước có chiều dài gần 10km. Từ năm 2006 - 2010, các cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư xây dựng kiên cố được hơn 6,2 km. Kết cấu mặt đê rộng 5m bằng bê tông, bờ đê bằng đá hộc. Năm 2014, đoạn đê từ Quốc lộ 49B đi vào phía Rú Chá bị hư hỏng nặng nề, UBND thị xã Hương Trà cũng đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để sửa chữa, gia cố. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều đợt triều cường và xâm nhập mặn, đoạn đê này tiếp tục bị hư hỏng.

Ông Trần Xuân Anh, Trưởng phỏng Kinh tế thị xã Hương Trà thừa nhận: “Người dân xã Hương Phong nhiều lần kiến nghị về vấn đề này. Tuy nhiên, kinh phí để nâng cấp, sửa chữa rất lớn, lên đến hơn 6 tỉ đồng. Để khắc phục tạm thời, đảm bảo cho nông dân sản xuất, hàng năm chúng tôi phải gia cố tạm thời. Về kinh phí để nâng cấp, hoàn thiện cần có sự hỗ trợ của cấp trên”.

Đê xuống cấp không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn ảnh hưởng đến nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản

Theo các cơ quan chức năng ngành môi trường, tuyến đê từ Quốc lộ 49B về phía Rú Chá nằm trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Việc kiên cố hóa đoạn đê này có thể  phá vỡ cân bằng sinh thái, gây cản trở cho việc trao đổi nước từ đầm phá với rừng ngập mặn Rú Chá rộng 5ha. Điều đó sẽ tác động đến môi trường.

Việc tuyến đê Tây phá Tam Giang xuống cấp cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhiều lần khảo sát. Về vấn đề cao trình của đê quá thấp khiến dễ xảy ra xâm nhập mặn, ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai &Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho rằng, nếu nâng cao trình đê, khi lũ về việc thoát lũ sẽ rất khó khăn. “Nếu biến đổi khí hậu quá lớn sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung. Trong trường hợp triều cường vượt tần suất sẽ có phương án làm con chạy, đắp đê bao”, ông Hùng nói.

Về nguyện vọng của người dân cần nâng câp tuyến đê từ Quốc lộ 49B về phía Rú Chá, ông Hùng thông tin: “Có hai lý do khiến việc nâng cấp không khả thi đó là kinh phí lớn và vấn đề cân bằng sinh thái. Hiện, tỉnh cũng đã thống nhất với UBND thị xã Hương Trà về việc hỗ trợ kinh phí hàng năm để gia cố đê bao vào mùa mưa lũ và vụ đông xuân”.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng trăm ha lúa đang thiếu nước

Thời tiết nắng nóng khiến hàng năm ha lúa trên địa bàn đang bị hạn. Thời gian đến, nếu không có mưa nhiều diện tích lúa sẽ bị hạn nặng.

Hàng trăm ha lúa đang thiếu nước
Return to top