ClockThứ Sáu, 22/05/2015 10:49

Đêm nực giông

TTH - Tháng năm đầu hè, Huế có những đêm kỳ lạ. Sau ngày nắng rát, đêm về đất trời lặng im. Không tiếng gió, những cành cây đứng phắt. Trong nhà hơi nóng hầm hập tỏa ra. Nồng nặc và oi bức. Người lớn tuổi bảo, đó là lúc trời nực giông, ông bà chẳng ai chịu nhường nhịn ai, không chóng thì chầy rồi cũng sẽ có mưa, mưa giông.

Chuyện mưa gió vốn không xa lạ với vùng đất xứ Thần kinh. Giông tố lại là điều gì đó rất bình thường. Người ta tính rằng, mỗi năm ở Thừa Thiên Huế có từ 96 đến 144 ngày giông và tháng năm nhiều nhất với từ 18 đến 27 ngày giông. Mưa to gió lớn là giông. Chưa hết, giông còn kèm theo mưa đá, lốc xoáy dữ dằn chẳng kém chi bão tố. Gần 35 năm trước, vào ngày 7/4/1981, một cơn lốc kèm theo mưa giông với sức gió cấp 13 (40m/s) đã xuất hiện ở A Lưới. Năm 1997, một cơn lốc xoáy khác với sức gió cấp 10 đã tràn qua huyện Phú Vang, gây thiệt hại ước tính khoảng 8 tỷ đồng.

Trở lại với những cảm giác nực giông khó quên của những đêm trước có mưa giông. Nắng nóng đầu hè kèm theo bụi bẩn đã tạo nên sự nực nội, bứt rứt khó chịu. Ở quê, đó cũng là lúc mùa về, trong nhà ngoài sân ngồn ngộn rơm rạ và thóc lúa. Và rồi, có những ngày nực giông. Bữa cơm tối dưới ngọn đèn dầu tù mù, mồ hôi cứ nhễ nhại. Đêm không ngủ được, nghe tiếng ai đó trở mình, cựa quậy. Nhớ mãi không quên trong đêm khuya nực giông là tiếng quạt phành phạch, rồi tiếng mạ càu nhàu: “Giông nực chi lạ thiệt. Ngó tề, không có một tý gió”. Lại dặn dò: “Cửa ngõ lo đóng gài cẩn thận, kẻo mưa!”.

Theo cách giải thích khoa học, giông hình thành khi có một khối không khí ẩm nóng chuyển động. Nó được biết đến như một hiện tượng khí tượng phức tạp, gồm chớp kèm theo sấm do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra. Khi cơn giông lớn sắp tới, mọi người đều cảm thấy oi bức và nóng nực, vì đó là lúc nhiệt độ không khí thì cao mà lại chứa nhiều hơi nước. Sự đời, cũng như con người ta chuyển dạ trước khi sinh nở, dài vắn khác nhau. Cơn nực giông cũng vậy, thật khó lường. Có khi nó chỉ là loáng qua. Kinh nghiệm dân gian cho biết, và mùa hè khi chân trời bỗng đùn lên những cuộn mây, núi mây đen ngòm, có khi che kín cả một góc trời là điềm báo trời sắp có giông. Giông có thể đến nhanh nếu mây đen kéo lên ở phía đông, khi đó cần khẩn trương, nhất là đối với những ai đang làm đồng hay phơi lúa phải coi chừng “vừa trông vừa chạy”.

Tôi vẫn thích và thèm sao những cơn giông đến vào lúc đêm khuya. Thiếp ngủ bỗng choàng tỉnh dậy khi nghe tiếng sấm sét đùng đoàng và tiếng mưa rôi lộp độp nơi mái hiên, rồi một cảm giác mát mẻ, thư thái như một sự kết thúc có hậu. Để rồi buổi sáng dậy, nhìn xung quanh cảnh vật như hồi tỉnh, xanh mát và dịu êm. Không khí oi bức được dội một trận mưa xối xả nên nhiệt độ hạ xuống; mặt khác, mưa to phun nước rửa sạch hết bụi bặm làm cho không khí tinh khiết. Một thời thơ ấu ở quê, lại nhớ lời ai đó “mưa nực giông ra đồng tìm ếch nhái. Mưa rào ra ao kiếm cá rô”, thế là chạy vội ra cánh đồng làng phía trước...

Xứ Huế mình vẫn nổi tiếng về mưa. Thì đây, với những đêm ngày nực giông kết thúc với cơn mưa mùa hè xối xả và mát lạnh là sự bổ sung vào bộ sưu tập mưa Huế với nhiều những cung bậc và cảm xúc khác nhau.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top