ClockThứ Bảy, 01/06/2019 13:35

Đền bù, hỗ trợ ảnh hưởng dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi: Cần giải tỏa những tâm tư

TTH - Hầu hết người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn thống nhất về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhưng tại dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi, một số hộ bị ảnh hưởng lại có những tâm tư…

Vi phạm tràn lan

Chân móng trụ đường dây 500kV đoạn ngang qua xã Phú Sơn

Ở dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn (đi qua địa bàn 2 xã Thủy Bằng và Phú Sơn của TX. Hương Thủy), sau khi Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn TX. Hương Thủy (Hội đồng) tổ chức họp lấy ý kiến các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án thuộc diện phải di dời và được bố trí tái định cư, đồng thời công bố khu tái định cư dự kiến (Khu quy hoạch thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng và Khu quy hoạch tái định cư mở rộng dân cư thôn 1 xã Phú Sơn), hầu hết người dân đều đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ mà Hội đồng đưa ra.

Tuy nhiên, ở dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi, đoạn tuyến đi qua thị xã Hương Thủy có chiều dài khoảng 13,78 km, gồm 26 vị trí móng trụ (đi qua 2 xã Dương Hòa và Phú Sơn) với phạm vi ảnh hưởng 19ha chủ yếu là đất rừng sản xuất của 40 hộ dân và 2 tổ chức, không ít ý kiến cho rằng, mức đền bù, hỗ trợ có nhiều điểm chưa thỏa đáng.

Theo người dân, trong số 19 ha đất bị ảnh hưởng có 18ha nằm trong hành lang an toàn lưới điện. Những diện tích đất này là đất gò đồi, chỉ có thể trồng keo, tràm nên khó chuyển đổi cây trồng phù hợp để đảm bảo sinh kế.

“Trước khi chưa bị ảnh hưởng bởi dự án, tôi có trồng thử một vài gốc chuối, bưởi da xanh… ở vùng đất này nhưng cây không lên nổi vì xa nguồn nước, không tiện chăm sóc. Trong khi keo, tràm, ngoài đầu tư cây giống ban đầu thì phân bón, nước tưới, công chăm sóc rất ít”, ông Nguyễn B. (xã Phú Sơn) bày tỏ.

“Nhà tôi ở Phú Bài, có diện tích đất sản xuất ở khu vực hành lang tuyến điện, nếu như chuyển sang trồng cây khác, chưa nói đến tính hiệu quả khi chuối, bưởi… có phù hợp với thổ nhưỡng đất đồi, có tìm được nguồn nước tưới hay không, chỉ riêng việc hằng ngày phải đi hàng chục km để lên chăm sóc, canh chừng đã là chuyện bất khả thi”, ông Nguyễn Văn L. nói.

Theo quy hoạch thiết kế trồng rừng ở Thừa Thiên Huế của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, 1ha rừng trồng quy định trồng 1.600 cây keo, tràm. Nhưng nếu trồng đúng thì bà con không có lãi hoặc lãi quá ít, đồng thời dựa trên độ màu của đất, có diện tích, người trồng có thể trồng 3-4.000 cây. Và nếu căn cứ theo quy định, đền bù 1.600 cây/ha, còn số cây “dôi dư” không đền bù thì thiệt thòi cho dân, nhiều hộ dân ở Phú Sơn bày tỏ.

Liên quan đến đền bù, hỗ trợ cho những hộ ảnh hưởng bởi hành lang an toàn lưới điện, ông Phan Thanh Tùng – PGĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất TX. Hương Thủy cho biết, có thể bà con chưa rõ khi Hội đồng đền bù, hỗ trợ tái định cư dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi tổ chức họp dân. Ngoài 3.600 đồng/m2 đất lâm nghiệp (vị trí 1) theo quy định, những người có diện tích đất bị ảnh hưởng bởi hành lang an toàn lưới điện còn nhận thêm tiền hỗ trợ 3.800 đồng/m2 để chuyển đổi cây trồng, nếu chưa tìm ra loại cây phù hợp thì bà con có thể dùng số tiền hỗ trợ để chuyển đổi sản xuất, kinh doanh.

Về vấn đề bồi thường tài sản trên đất, đa phần ở đây là keo, tràm, ông Phan Thanh Tùng cho rằng, sau khi nhận bồi thường, căn cứ vào loại cây, năm tuổi, mức đầu tư và thu hoạch của người trồng, số cây trồng trên đất người dân vẫn được tận thu. Ví dụ 1ha trồng 4.000 cây keo, tràm, trong khi quy định chỉ được trồng 1.600 cây. Sau khi nhận tiền bồi thường 1.600 cây, còn có thể bán 4.000 cây đã trồng thì sao gọi là thiệt thòi.

Với một số trường hợp cây không thể tận thu do dưới 4 năm tuổi, hay có hộ bị ảnh hưởng cho rằng vị trí đất của họ gần khu vực dân sinh và có hộ nêu lý do là đất mua lại chứ không phải đất khai khẩn nên giá thành cao hơn trong khi mức đền bù lại “đổ đồng”…, ông Tùng cho biết, cùng một loại đất lâm nghiệp thì Hội đồng tiến hành đền bù theo mức giá quy định. “Tuy nhiên, đây không phải là đa số, và chúng tôi không thể “vượt rào”, ông Tùng nói.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

TIN MỚI

Return to top