ClockThứ Bảy, 24/02/2018 20:12

Đến Đền Huyền Trân, ngưỡng vọng tiền nhân

TTH.VN - Sáng 24/2 (mùng 9 Tết) là ngày thứ hai Lễ hội Đền Huyền Trân Xuân Mậu Tuất 2018 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP. Huế).

Khai hội Đền Huyền Trân

Đến dự, có ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Nam Tiến, UVTV, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; ông Nguyễn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đinh Khắc Đính, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.

Thành kính ngưỡng vọng

Cứ mỗi độ xuân về, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân lại rộn ràng vào hội, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương về dự.

Lễ hội năm nay được tổ chức tôn nghiêm theo nghi thức truyền thống, trước là để cáo yết các bậc tiền nhân, sau là để cầu mong cho Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, người người hạnh phúc...  

Đông đảo Nhân dân và du khách về trẩy hội Đền Huyền Trân

Với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”, Lễ hội đền Huyền Trân Xuân Mậu Tuất 2018 được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật sử thi đặc sắc tái hiện cuộc đời và công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân - ái nữ của vua Trần Nhân Tông đã hy sinh tình riêng để  vùng Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế có vị thế xứng đáng trong lịch sử dân tộc.

NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ: “Năm nay, chương trình nghệ thuật khắc họa hình tượng công chúa Huyền Trân nhưng được thể hiện mang tính ước lệ, cách điệu thông qua ngôn ngữ múa và hát”.

Sau phần nghi lễ và nghi thức đánh trống khai hội, lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, địa phương, cùng người dân và du khách đã dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh: “Lễ hội Đền Huyền Trân thể hiện đậm bản sắc truyền thống, nhằm tưởng nhớ đến Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân, những người đã có công khai mở xứ Thuận Hóa – Phú Xuân xưa để lại cho hậu thế vùng đất Thừa Thiên Huế ngày nay. Công chúa Huyền Trân là người con hiếu nghĩa vẹn toàn, sống tận tâm vì nước, thác hiển linh phò trợ giúp dân. Do vậy chúng ta vô cùng trân trọng về những giá trị mà các thế hệ đi trước đã gây dựng, hun đúc nên vùng đất địa linh nhân kiệt này”.

Sôi nổi các hoạt động truyền thống

Mặc dù thời tiết mưa lạnh nhưng trong hai ngày mùng 8 & 9 Tết, nhiều người dân và du khách thập phương đã nô nức đổ về Trung tâm Văn hóa Huyền Trân để tham quan, vãn cảnh, dâng hương. Có những gia đình gồm nhiều thế hệ từ ông bà đến cháu chắt cùng đi trẩy hội như cách để giáo dục thế hệ tương lai về truyền thống tốt đẹp của quê hương. Đi cùng gia đình đến lễ hội vãn cảnh và dâng hương, Lê Nguyên Minh Huyền, sinh viên Học viện Âm nhạc Huế, bộc bạch: “Tham gia lễ hội Đền Huyền Trân, em cảm thấy rất háo hức, không chỉ vì được đi du xuân cùng với cả gia đình, mà còn vì đây là một lễ hội ý nghĩa, để tưởng nhớ công ơn của vị công chúa đã mở mang bờ cõi để chúng ta được sống trên mảnh đất thơ mộng Thừa Thiên Huế ngày nay, từ đó em càng thấy tự hào mình đã được sinh ra và lớn lên ở đây”.

Chương trình nghệ thuật sử thi ca ngợi công đức của công chúa Huyền Trân

Năm nào cũng vậy, cứ đến lễ hội Đền Huyền Trân, Hội LHPN phường Phú Cát lại tổ chức đến đây dâng hương. Bà Lê Thị Thanh Loan, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Cát cho hay: “Tưởng nhớ công chúa Huyền Trân, Hội LHPN phường Phú Cát năm nào cũng tổ chức đến đây để dâng hương. Đây là dịp để mọi người cùng nhớ về truyền thống người Việt và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà từ xưa đến nay ông cha ta vẫn gìn giữ”.

Người dự hội không chỉ là Nhân dân trong tỉnh mà còn có du khách từ phương xa, nhớ ngày hội tìm đến dâng hương và cùng hòa vào các hoạt động của lễ hội. Tham gia hội bài chòi, chị Lê Minh Hương, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Không khí lễ hội ở Huế tươi vui, phấn khởi nhưng rất an toàn, trật tự với nhiều hoạt động truyền thống dân gian. Tôi rất thích không khí của hội bài chòi”.

Đây là năm thứ hai Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức lễ hội Đền Huyền Trân có quy mô, với đầy đủ hai phần lễ và hội. Bên cạnh các phần lễ chính, như: Lễ Tiên Thường (cáo giỗ), Lễ kỵ công chúa Huyền Trân, hành lễ, lễ dâng hương... thì phần hội năm nay thực sự tạo được không khí tươi vui, phấn khởi trong dịp đầu xuân. Để làm phong phú thêm lễ hội, ban tổ chức đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia, như: Biểu diễn võ cổ truyền, bài chòi, đập niêu, vật, đẩy gậy, thi đấu cờ tướng, trình diễn thư pháp, trưng bày các sản phẩm truyền thống…

Tại Lễ hội Đền Huyền Trân 2018, không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, không xuất hiện nạn chèo kéo, ăn xin và đốt, hóa vàng mã. Lễ hội cũng nhằm quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Thừa Thiên Huế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Ông Dũng cho biết: “Trung tâm Văn hóa Huyền Trân từ khi ra đời và hoạt động đã trở thành một biểu trưng tín ngưỡng tri ân cội nguồn của dân tộc. Đây cũng là địa điểm để giới thiệu các giá trị văn hóa của Huế. Một lễ hội được tổ chức mang đậm tính truyền thống, kết hợp với Khu di tích Chín Hầm, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sẽ là những địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn du khách”.

Một số hoạt động tại lễ hội Đền Huyền Trân vào ngày mùng 9 Tết:

Múa lân sư rồng

Tái hiện hình ảnh công chúa Huyền Trân gửi mình vào cửa Phật

Biểu diễn khí công

Vật thiếu niên

Đẩy gậy

Trình diễn thư pháp

Trưng bày sản phẩm truyền thống mây tre đan Bao La

Người lớn, trẻ nhỏ đều tham gia lễ hội

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số
Return to top