ClockThứ Bảy, 12/03/2016 13:31
ĐÀO TẠO THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG:

Đến gần doanh nghiệp

TTH - Từ một ngành đầu tiên được đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) năm 2005, Trường đại học Nông Lâm Huế tiếp tục mở rộng đào tạo theo định hướng này cho 5 ngành nữa và sắp tới là tất cả các ngành học của trường.

Nhà tuyển dụng phỏng vấn sinh viên Trường đại học Nông Lâm Huế tại Ngày hội việc làm 2015 

 

Trường đại học Nông Lâm là 1 trong 8 trường đại học tại Việt Nam được chọn tham gia dự án Phát triển giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng ở Việt Nam - POHE (Professional Oriented Higher Education) do Hà Lan tài trợ.

Đáp ứng nhu cầu

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã tham gia dự án hơn 10 năm và chia làm hai giai đoạn. Đến nay, đã phát triển hoàn thiện một chương trình đào tạo POHE theo đúng mô hình của Hà Lan là ngành Khoa học cây trồng và hiện tiếp tục giai đoạn 2 - mở rộng cho 5 ngành nữa của Khoa Nông học, Khoa Thủy sản và Khoa Lâm nghiệp với các ngành: Bảo vệ thực vật, Nông học, Lâm nghiệp, Lâm nghiệp đô thị, Nuôi trồng thủy sản. Sắp tới, trường tiếp tục mở rộng cho tất cả 22 ngành trong toàn trường.

“Số liệu khảo sát cho thấy có đến 90% sinh viên được đào tạo theo chương trình POHE đã tìm được việc làm đúng với nghề nghiệp ngay từ năm đầu tiên và 100% sinh viên có việc làm sau 2 năm ra trường”, PGS.TS.Trần Đăng Hoà, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo giảng viên theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng; Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm Huế cho biết. Các sinh viên đào tạo theo POHE được các nhà sử dụng lao động đánh giá cao về năng lực nghề nghiệp. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp đến hợp tác đào tạo với trường tăng lên đáng kể vài năm trở lại đây. Từ khoảng 100 doanh nghiệp năm 2010, đến nay đã có hơn 500 doanh nghiệp hợp tác với nhà trường ở tất cả các chuyên ngành đào tạo như trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, thuỷ sản,... Việc chủ động và mạnh dạn “bắt tay” hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp trong đào tạo đã góp phần đưa sản phẩm đào tạo của trường ngày càng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.

“Hiệu quả chương trình là đào tạo phải gắn với thị trường lao động và sinh viên ra trường phải đảm bảo được 3 chuẩn đầu ra, đó là kỹ năng, thái độ, kiến thức, PGS.Chương nói - Đặc biệt đào tạo phải gắn với việc làm mà muốn có việc làm thì tất cả các chương trình đào tạo phải có sự tham gia của thế giới việc làm. Họ góp ý vào chương trình đào tạo và giảng viên, sinh viên bắt đầu từ năm thứ nhất đã phải gắn với định hướng việc làm. Sinh viên không chỉ học trên giảng đường mà phải tiếp cận thực tế để xem cần học cái gì, thậm chí có thể chuyển đổi ngành nghề nếu thấy khả năng mình không phù hợp. Giảng viên cũng phải linh động để gắn với thị trường lao động, đưa sinh viên đến với thị trường lao động, đến với doanh nghiệp để học tập tay nghề. Nhờ đó, sinh viên khi ra trường năng động hơn, kinh nghiệm hơn và sát với thực tế hơn, có thể vào làm được ngay mà không cần đào tạo lại”.

POHE - định hướng đổi mới giáo dục đại học

Luật Giáo dục đại học 2012 quy định về phân tầng giáo dục đại học, trong đó hệ thống giáo dục đại học sẽ bao gồm: các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành. Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, các chương trình POHE sẽ tương ứng với tầng “cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng” và dự kiến chiếm khoảng 70-80% tổng số các cơ sở giáo dục đại học. Bên cạnh đó, quy hoạch mạng lưới phát triển các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, tổng quy mô đào tạo đại học - cao đẳng cả nước đạt khoảng 2,2 triệu sinh viên. Như vậy, số lượng sinh viên theo học các chương trình POHE ước khoảng 1,5-1,7 triệu sinh viên và số lượng cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng ước khoảng 320-370 trường. Điều này cũng có nghĩa là giáo dục đại học sẽ chứng kiến những chuyển biến mạnh mẽ trong cấu trúc hệ thống và POHE sẽ trở thành định hướng đổi mới của đa số các cơ sở giáo dục đại học.

Cũng theo Nghị định hướng dẫn phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, hầu hết các trường đại học khu vực miền Trung -Tây Nguyên sẽ phát triển theo tầng “cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng”, vì vậy nhu cầu được đào tạo POHE trong khu vực là rất lớn.

Với số lượng lớn sinh viên theo học các chương trình POHE, để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình POHE cần phải có số lượng lớn giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục hiểu rõ về POHE. Vì vậy mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý thành lập Trung tâm Đào tạo giảng viên theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Trường đại học Nông Lâm Huế. Đây là 1 trong 5 trung tâm POHE trong cả nước.

“Khó nhất hiện nay là làm sao đủ lượng giảng viên có đủ năng lực và tinh thần POHE để giảng dạy. Cái khó thứ hai là nhận thức về quản lý rất quan trọng vì để đào tạo POHE kéo theo cả một hệ thống, không chỉ là về đào tạo mà còn tài chính, cơ sở vật chất, giảng đường và cả chế độ cho giảng viên, vì lúc đó giảng viên phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn. Đó là cái mà nhà trường phải tiếp tục cải thiện và hướng tới. Nhà trường sẽ xây dựng Trung tâm POHE Trường đại học Nông Lâm Huế trở thành cơ sở đào tạo, chuyển giao POHE có chất lượng cho các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong tỉnh và ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết.

                                                                Bài, ảnh: Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRẠI NGHIÊN CỨU THÍ NGHIỆM NÔNG NGHIỆP TẠI PHƯỜNG TỨ HẠ (HƯƠNG TRÀ):
Đang phát huy tác dụng

Một số người dân của tổ dân phố 4, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà phản ánh, trại nghiên cứu thí nghiệm của Trường đại học Nông Lâm Huế nhiều diện tích bỏ hoang, lãng phí, không phát huy tác dụng. Trong khi đó, người dân không có đất để sản xuất.

Đang phát huy tác dụng
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Diễn ra vài ngày với quy mô của một workshop trải nghiệm và tương tác, workshop với tên gọi dễ thương “Người phụ nữ với nghệ thuật thêu” đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng không chỉ những thành viên tham gia mà còn ở tính lan tỏa dịu dàng của hoạt động văn hóa này.

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao “made by… SV”

Với đề án "Sản xuất, phân phối bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao", nhóm sinh viên Lê Hải Đăng, lớp Khoa học cây trồng 50 và Hồ Sơn Công, Đặng Trí Dũng, Trương Quang Sinh, Nguyễn Anh Nhiên, lớp Khoa học cây trồng 47A vừa xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp từ nông nghiệp 2017 do Trường đại học Nông Lâm Huế tổ chức lần đầu vào cuối tháng 3/2017.

Bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao “made by… SV”
Return to top