ClockThứ Ba, 19/02/2019 13:30

Đến lúc phải “quân sự”

TTH - Nghị định 155 đã chính thức có hiệu lực cách đây hơn 2 năm, nhưng áp dụng thì còn chưa nghiêm, chưa ráo riết nên không ai ngán ngại...

Sức hút từ cầu gỗ lim trên sông HươngSẽ triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn và cảnh quan cho cầu đi bộ gỗ lim

Ba mươi tết, cậu con trai kì kèo quá, tôi nén mệt chở cu cậu về công viên Quốc Học chờ xem pháo hoa. Năm nay thời tiết tốt, người người, nhà nhà đổ về phía bờ sông Hương chờ đón pháo hoa giao thừa đông nghịt, đầy háo hức.

Gửi xe xong, hai cha con băng đường Lê Lợi vào công viên. Hoa cỏ xanh tươi rực rỡ. Người và người chen chân. Vậy nhưng, ngay gốc cây cổ thụ, hai cậu thanh niên trẻ giày vớ áo quần sành điệu, miệng phì phèo thuốc lá điềm nhiên kê gốc cây "trút bầu tâm sự" trước bàn dân thiên hạ, cho dù cách đó không xa là toilet di động được đặt sẵn để phục vụ người có nhu cầu (!) Tôi lắc đầu ngao ngán, cảm thấy hết cả hào hứng với pháo hoa pháo hòe. Lạ cái là cũng cách đó không xa rất đông các đồng chí công an, dân phòng nhưng hình như cũng chẳng ai thấy, chẳng ai nhắc, cho dù hành vi phản cảm ấy hoàn toàn xứng đáng bị xử phạt và đã có quy định để xử phạt (Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định hành vi này sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng).

Rác trên đường gỗ lim (ảnh chụp sáng 15/2 - tức 11 Tết Kỷ Hợi)

Nhưng chưa hết, đó mới chỉ là "khúc dạo đầu". Trước thềm Tết Kỷ Hợi, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cây cầu gỗ lim trên sông Hương được khánh thành đưa vào sử dụng. Cho dù có ý kiến này ý kiến nọ đi nữa, thì cây cầu gỗ lim và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu nối kết với công viên Lý Tự Trọng vẫn là không gian thu hút vô vàn du khách và người dân địa phương suốt những ngày tết cho đến bây giờ. Buồn cái là tuyến phố gỗ lim đẹp và cuốn hút như thế, được nhiều người mến ái, selfie, livestream rần rần như thế, nhưng mà... rác ơi là rác. Đến mức, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dù rất điềm tĩnh cũng không thể "nín nhịn" lâu hơn, chờ cơ hội thích hợp để post lên trang FB cá nhân mấy tấm hình phản ánh cái thực trạng xấu xí rất rầu lòng kia để chia sẻ, kêu gọi cộng đồng chung tay gìn giữ vẻ đẹp cho Huế, cho dòng sông Hương huyền thoại. Hàng ngàn lượt like, share, comment bày tỏ đồng cảm với nỗi lòng của ông phó chủ tịch, có nhóm những bạn trẻ hưởng ứng ngay bằng hành động xắn tay dọn rác... Tất cả cho thấy tuyệt đại đa số cộng đồng xã hội đều bức xúc với hành vi phản cảm, kém văn minh của những kẻ vô ý thức và đều thao thức, khao khát giữ gìn vẻ đẹp cho Huế. Thế nhưng, rác được các bạn tình nguyện, được anh chị em công nhân dọn xong, ngay hôm sau lại thấy xuất hiện. Mấy buổi sáng đến cơ quan sớm, tôi cất xe cuốc bộ trực chỉ về đường gỗ lim. Cỏ hoa vẫn mơn mởn tươi, sông Hương lãng đãng trong sương sớm, nhiều người đang đi bộ, đang vươn vai hít thở thể dục... Buổi sáng thật thanh thản, thật bình yên. Nhưng dưới chân và trên những hàng ghế là túi ni-lon, là hộp xốp, là thức ăn thừa... vương vãi. Trên mặt sàn gỗ là vô số vỏ hạt dưa. Tại các điểm đặt thùng rác, rác cũng bị ném lung tung chứ không bỏ vào thùng... Còn nói gì hơn ngoài mỗi cảm giác: Chán!

Ai đó đã nói: "rác tự trong đầu mà ra". Ý bảo cơ sự là do ý thức mà ra cả. Cho nên, cần phải thay đổi ý thức thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Nhưng thay đổi bằng cách nào. Phải vận động, tuyên truyền; phải tăng cường giáo dục từ nhà trường, trong gia đình; phải thuyết phục bằng hành vi trực quan, tự mình gương mẫu để mọi người làm theo, vân vân và vân vân...  Nếu theo dõi thì sẽ thấy tất cả đều đã có rồi đấy. Trên đài, trên báo nói vô kể; nhà trường, gia đình có khi cũng đã thuyết "đến mẻ răng"; rồi bao nhiêu là phong trào này khác trong xã hội với hàng vạn lượt người cùng xắn tay dọn, nhặt rác trong công viên, dọc đường phố, trên bãi biển; nhiều du khách, cư dân ngoại quốc sang du lịch, làm việc ở ta cũng tự nguyện xắn tay nhặt rác để mong tác động đến ý thức cộng đồng...Vậy mà vẫn... tiếc thay, chán thay!!!

Liệu có cách nào khác hơn? Tôi nghĩ là có đấy. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này có hiệu lực từ 1/2/2017, mức xử phạt cao hơn 10-20 lần so với các quy định trước. Lâu nay xem như đã dùng giải pháp "chính trị" rồi, không chuyển thì phải dùng "quân sự" thôi. Nghị định 155 đã chính thức có hiệu lực cách đây hơn 2 năm, nhưng áp dụng thì còn chưa nghiêm, chưa ráo riết nên không ai ngán ngại. Thử hỏi như 2 anh chàng "kê gốc cây" đêm giao thừa mà trên kia tôi đã kể, tuýt còi "quất" ngay mỗi anh chừng 2 triệu, bảo đảm lần sau dù có "động viên" cũng... "thót". Tương tự, những trường hợp xả rác lung tung, không đúng nơi quy định, cứ "chộp" được anh/chị nào là cứ "tiền tươi thóc thật" mà nộp. Sau này, khi có hệ thống camera giám sát thì mọi chuyện sẽ càng đơn giản hơn. Về mặt chế tài, cần thiết bổ sung thêm cả việc bắt lao động dọn vệ sinh, tùy theo mức độ vi phạm mà thời gian dài ngắn tỷ lệ thuận. Người không có điều kiện tài chính nộp phạt thì buộc phải lao động vệ sinh mà "trả". Tuyên truyền, giáo dục, đi kèm với giải pháp "quân sự" riết như vậy một thời gian, ý thức nào mà chẳng chuyển? Hãy du lịch sang Singapore một chuyến khắc rõ. Dân ta ở xứ ta "bầy hầy, đại khái" như thế, trước khi vào cửa khẩu, nghe hướng dẫn viên quán triệt mức phạt của nước sở tại, suốt cả hành trình bỗng trở nên văn minh liền. Vì sao vậy?

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn

Nhà máy xử lý rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, TX. Hương Thủy) do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB đầu tư xây dựng, với kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 1/2024, góp phần rất quan trọng giải bài toán đầu ra cho việc xử lý rác thải hiệu quả và đảm bảo môi trường ở Thừa Thiên Huế - vấn đề nhức nhối của địa phương khi các bãi chôn lấp rác ở Thủy Phương đã đầy và cuộc sống người dân bị đảo lộn bởi mùi hôi thối từ các hố chôn lấp.

Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn
Biến rác thành .. tiền

Rất vui khi cuối năm 2023, nhà máy đốt rác - phát điện tại Phú Sơn (Hương Thủy) do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB đầu tư xây dựng gần 1.700 tỷ đồng trên diện tích hơn 11ha đi vào hoạt động. Nhà máy này được sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi đa cấp - phát điện phù hợp với Quy chuẩn QCVN 61MT/2016/BTNMT, tiêu chuẩn khí thải đáp ứng theo tiêu chuẩn châu Âu; xử lý nước rỉ rác và tuần hoàn sử dụng trong hoạt động không phát tán mùi hôi, giải quyết việc ô nhiễm mùi ra môi trường.

Biến rác thành  tiền
Vệ sinh rác, bèo để ổn định sau lũ

Sau các đợt lũ liên tiếp, bèo, rác ứ đọng trên các sông, hồ, cầu, cống… rất nhiều, làm dòng chảy khó lưu thông, nhất là khi nước rút, ảnh hưởng đến tốc độ rút lũ của công trình. Vì thế, ngoài tập trung vệ sinh trên bộ, trên cạn, một số nơi, người dân chủ động ra quân khơi thông cầu, cống, vệ sinh ao, hồ.

Vệ sinh rác, bèo để ổn định sau lũ
TP.Huế tiếp nhận gần 140 bộ thùng phân loại rác từ WWF-Việt Nam

Sáng 11/11, UBND TP. Huế phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức tập huấn hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn và tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Tham dự có lãnh đạo thành phố và hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND 36 phường xã trên địa bàn.

TP Huế tiếp nhận gần 140 bộ thùng phân loại rác từ WWF-Việt Nam
Mưu sinh từ rác

Ở thị xã Hương Thủy, đặc biệt là phường Thủy Châu hiện nay có không ít phụ nữ “lo cơm” cho gia đình bằng cách đến bãi rác tìm ve chai, phế liệu. Phần lớn trong số này có hoàn cảnh khó khăn.

Mưu sinh từ rác
Return to top