ClockThứ Bảy, 13/12/2014 05:06

Đèn trang trí mang thương hiệu Huế

TTH - Băn khoăn trước những sản phẩm đèn trang trí trên thị trường đều xuất xứ từ Trung Quốc, thạc sĩ Nguyễn Trọng Anh Tuấn, 33 tuổi, ở phường Vỹ Dạ (TP Huế) mày mò chế tạo ra các loại đèn mang thương hiệu Huế.

Đến cơ sở sản xuất đèn trang trí nội thất Góc Huế tại 31 Ưng Bình, phường Vỹ Dạ của anh Tuấn vào một buổi chiều muộn; dạo quanh một vòng trong không gian trưng bày các loại đèn, chúng tôi cảm nhận được sự cổ kính, sang trọng.

Nguyễn Trọng Anh Tuấn cùng những chiếc đèn trang trí mang hình ảnh của vùng đất Cố đô Huế
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, anh Tuấn tiếp tục thi vào cao học và hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành cơ khí chế tạo máy sau đó 2 năm. Trở về quê hương, anh gói những văn bằng sau năm tháng dài dùi mài kinh sử vào góc tủ để lập nghiệp bằng nghề… làm đèn trang trí nội thất. Hỏi tại sao chọn nghề này, anh bảo: “Học ở trường là một chuyện, ra đời bươn chải với cuộc sống lại là chuyện khác. Mình đến với nghề này, một phần bởi niềm đam mê kinh doanh và làm một điều gì đó có dấu ấn trên đất Cố đô”.
Những lần tham quan tại các khu nhà rường có đèn trang trí chính là khởi nguồn cho ý tưởng muốn tạo ra những loại đèn phù hợp với không gian Huế của Anh Tuấn. Vượt qua những khó khăn ban đầu, như thiếu vốn đầu tư, chưa am hiểu về kỹ thuật, thị trường tiêu thụ…anh Tuấn tạo chiếc đèn đầu tiên đậm chất Huế. “Đó là chiếc đèn có hình dáng như một chiếc đèn kéo quân, cao 1,8m, đường kính 1,3m, các họa tiết trên đèn mang “hơi thở” của dân tộc. Sau khi hoàn thành chiếc đèn trị giá hơn 20 triệu đồng, mình liền mang tặng Trung tâm Festival Huế để tạo không gian cho các buổi lễ hội tại Festival Huế năm 2008”, anh Tuấn tâm sự.
6 sản phẩm của Góc Huế đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn để giới thiệu, trưng bày, triển lãm tại “Tuần Văn hóa – Du lịch biển đảo Việt Nam – Hà Nội 2014” (diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam).
Ước mơ của Tuấn được hiện thực hóa bằng một cơ sở sản xuất nhỏ vào năm 2011. Bây giờ, cơ sở sản xuất của anh có đến 150 mẫu đèn khác nhau. Mỗi năm sản xuất hơn 1.200 chiếc đèn, giải quyết cho 5 đến 7 lao động tại địa phương với mức lương 3 triệu đồng/tháng và hơn 10 lao động theo thời vụ. So với các loại đèn được bày bán trên thị trường, đèn của anh Tuấn có ưu điểm vượt trội và giá thành rẻ. Mỗi họa tiết, nét chạm khắc đều mang hồn Huế, đó là rồng, phượng, nón bài thơ, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền… được cách điệu hoá. “Ở Huế, chưa có một loại đèn trang trí nào giữ nét đặc trưng của địa phương. Mình là người Huế nên sản phẩm cũng phải chuyển tải được một điều gì đó về văn hóa Huế. Đèn của mình được làm từ chất liệu gỗ 100%, có độ bền hơn 20 năm”, anh Tuấn chia sẻ.
“Hiện tại, đèn của mình mới chỉ ở giai đoạn bước đầu. Vấn đề lời lãi từ việc bán sản phẩm chưa cao vì thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Điều vui nhất lúc này là đã tạo ra những đèn do chính bàn tay người Huế làm, ngay trên đất quê hương. Sản phẩm cũng được nhiều người biết đến. Một sản phẩm chất lượng và ý nghĩa chắc chắn sẽ có chỗ đứng, thậm chí đánh bật các sản phẩm kém chất lượng trôi nổi lâu nay”, anh Tuấn tự tin.
Anh Lê Văn Tuấn (chủ nhà rường ở Phú Mộng) nhận xét: “Đèn trang trí của anh Tuấn rất phù hợp với không gian của vùng đất Huế, đặc biệt là những ngôi nhà rường. Có rất nhiều mẫu, như đèn lục giác, vuông, tam giác… để lựa chọn. Các hoa văn được chạm khắc tinh xảo, vừa cổ kính, vừa hiện đại”.
Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

TIN MỚI

Return to top