ClockChủ Nhật, 09/10/2016 07:09

Đến trường trên lưng cha

TTH - Tấm lưng gầy, đôi chân không mệt mỏi và một tình yêu vĩ đại của người cha đã biến ước mơ trở thành sinh viên của cô học trò khuyết tật thành hiện thực. Câu chuyện cổ tích giữa đời thường về nữ sinh Trần Thị Diệu Thanh, 12 năm đến trường trên lưng người cha khiến nhiều người xúc động, rơi nước mắt.

Diệu Thanh bây giờ là tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin – Trường Cao đẳng công nghiệp Huế. Dẫu hành trình phía trước còn gian nan, nhưng cả cha và con chưa bao giờ từ bỏ hy vọng.

Hình ảnh 12 năm cõng con đến trường của anh Trần Phương như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Vai mòn tình cha

Về cồn Hến (Vĩ Dạ) tạt vào những gánh hàng rong ở khu ốc đảo này hỏi anh Trần Phương 12 năm cõng con gái Trần Thị Diệu Thanh đến trường không ai là không biết. Hình ảnh quen thuộc ấy ăn sâu vào tâm thức người dân trong vùng. “À, ba nó vừa chở nó về tức thì đó”, một người vừa nói, vừa chỉ dẫn chúng tôi đi vào cuối con hẻm số 7 đường Ưng Bình, nơi cả nhà Thanh đang tá túc. Cách đây 18 năm, khi vừa lọt lòng mẹ, Thanh liệt cả hai chân. Lớn lên chút nữa, cả nhà phát hiện đôi tay của Thanh yếu ớt không thể bưng được vật gì quá nặng. “Ngày ấy, tất cả như sụp đổ với hai vợ chồng tôi. Tưởng chừng ông trời ban cho chúng tôi đứa con lành lặn, ai ngờ…”, anh Phương nhớ lại.

Thương con, nghe tin ở đâu có thầy thuốc giỏi, phương thuốc hay là anh lặn lội dò tìm rồi đưa con đến khám. Từ Nam ra Bắc, đã tìm đến nhiều nơi nhưng anh đành lặng lẽ ra về trong bất lực. Không chịu đầu hàng, anh lại tìm đến các tổ chức nước ngoài đến Huế khám từ thiện để được khám sàng lọc, sau đó phẫu thuật. Hy vọng mong manh ấy được nhen nhóm trong một lần Diệu Thanh được một tổ chức nước ngoài đồng ý mổ, sắp xếp gân chân. Và rồi, tất cả lại rơi vào bế tắc. Thanh vẫn không thể đi lại được trên chính đôi chân của mình… “Số trời đã định rứa thì biết làm răng. Không còn cách nào khác, tôi quyết định từ bỏ tất cả để lo cho con gái mình”, anh Phương bồi hồi.

Ngày ấy, anh Phương bàn với vợ là chị Nguyễn Thị Diệu Thúy từ bỏ công việc thợ may để toàn tâm lo cho con, cõng con đến trường. Dẫu mưa hay nắng hình ảnh anh Phương cõng con đi đi, về về, qua những con đường quanh co, lầy lội khiến nhiều người cảm phục. Thời điểm khó khăn nhất là lúc Diệu Thanh vào học cấp 3 ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ. Quãng đường đưa đón bằng xe máy, cõng con vào lớp xa, chưa kể giờ học thêm dày đặc. Có lần trời mưa tầm tã, vừa cõng con từ lớp ra xe, che chắn áo mưa cho Diệu Thanh xong, vừa nổ máy thì xe kẹt số giật mạnh khiến hai cha con ngã ra giữa đường. Hai cha con đau đớn, chỉ biết ôm nhau khóc giữa cái lạnh buốt giá mùa đông xứ Huế.

Nhiều lần, ý định cho Thanh nghỉ học đã lởn vởn trong đầu anh Phương bởi gia cảnh túng thiếu kèm theo căn bệnh lao lâu năm tái phát thất thường khiến anh kiệt quệ. Mỗi lần như vậy, Diệu Thanh lại năn nỉ ba, thể hiện quyết tâm của mình. Ông Nguyễn Thanh Xuân, hàng xóm của cha con Thanh đã ví cuộc đời của Thanh như một hành trình phiêu lưu, vượt qua không biết bao nhiêu thử thách gian khó để rồi vỡ òa trong hạnh phúc. “Dù nắng hay mưa cha nó vẫn cõng nó đi học. Tui và xóm làng tưởng chừng không vượt qua được, vậy mà hai cha con nó đúng là tấm gương nghị lực hiếm thấy”, ông Xuân nói với tất cả sự khâm phục.

Đi về phía mặt trời

Giờ đây khi giấc mơ thành hiện thực cũng là lúc mái tóc của người cha vừa bước sang tuổi 47 bạc màu sương… Gần tháng nay, Diệu Thanh bắt đầu ở môi trường mới, là giảng đường Trường cao đẳng Công nghiệp Huế. Giữa dòng người đông đúc, anh Phương vẫn miệt mài cõng con lên tầng 3 để vào lớp học. “Trước  học phổ thông có thể xin chuyển phòng, nhưng chừ cháu học tin học mà phòng máy thì cố định ở tầng 3 nên chỉ còn cách cõng lên thôi. Nhưng không sao, tôi sẽ cố được. Thêm 3 năm nữa, lo gì”, anh Phương nói với đôi mắt lấp lánh, cùng nụ cười ướt đẫm mồ hôi trên khuôn mặt.

Nỗi lo bây giờ là học phí, bởi sau Diệu Thanh còn hai em đang ở tuổi ăn, tuổi học, trong khi tất cả gánh nặng cả gia đình dồn lên vai người mẹ với số tiền thu nhập ít ỏi bằng nghề bánh bánh dạo ở chợ.

Ngay chính bản thân Thanh cũng nhiều lần có ý nghĩ bỏ học vì thương ba cực khổ, tốn kém tiền bạc và tự ti. Thanh tâm tình: “Đi học 12 năm trên lưng ba đó là một chặng đường dài và vô cùng khó khăn đối với em. Sinh ra là một cô bé khuyết tật, mang trong nhiều mặc cảm về bản thân không giống như bạn bè đồng trang lứa khác nên em gặp rất nhiều khó khăn về sinh hoạt, học tập. Nhiều lúc em chỉ biết khóc và khóc”. Khó khăn là vậy, nhưng Thanh luôn cố gắng, mọi việc sinh hoạt trong nhà em tự mình làm để đỡ đần gánh nặng cho cha mẹ. “Dù thiệt thòi hơn bạn bè rất nhiều, nhưng khi nói về ý chí, quyết tâm thì Thanh không thua bạn bè nào trong lớp. Dẫu đôi chân khuyết tật, đôi tay cũng yếu, thế mà chưa bao giờ Thanh than phiền, chưa bao giờ thôi từ bỏ giấc mơ của mình”, Thân Tống Quỳnh Như, người bạn thân cấp 3 nói về Thanh như vậy.

Kể về chuyện chọn ngành học, định hướng cho tương lai của bản thân, Thanh nói rằng, đợt xét tuyển vừa rồi em đậu với số điểm khá cao 19,5 và giấc mơ trở thành lập trình viên máy tính đã mở ra. “Em chọn ngành này vì phù hợp với khả năng của mình. Sau này có thể ngồi một chỗ để làm việc nhưng vẫn kết nối được với thế giới bên ngoài. Hơn hết, em sẽ chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình đến với mọi người có hoàn cảnh khó khăn hơn”, Thanh tự tin. Không dừng lại đó, hiện tại cô gái nghị lực này còn tự mày mò học Anh văn thông qua các trang, diễn đàn trên mạng. Với Thanh, việc học giờ đây phục vụ cho chính bản thân mình để sau này có thể nuôi lấy bản thân, lo cho gia đình, và nếu được sẽ giúp đỡ cho những phận đời thiệt thòi hơn.

Cô Bùi Thị Hà Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 12B2 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, nơi mà Thanh theo học đã không kìm được cảm xúc khi nhắc về câu chuyện kỳ diệu này. Cô Hà nói rằng, với một người bình thường việc đến trường còn khó khăn thì với Diệu Thanh đó là cả một nghị lực can trường. Đặc biệt, cô học trò ngoan hiền, học giỏi này chưa bao giờ vắng học. “Nhắc đến Diệu Thanh tôi luôn nhớ về hình ảnh trời mưa tầm tả, vậy mà hai cha con vẫn cõng nhau đến trường. Đây là bông hoa đẹp hiếm thấy giữa đời thường”, cô Thu nói.

Dẫu hành trình phía trước còn lắm gian truân, nhưng trong suốt câu chuyện dài với chúng tôi, người cha vĩ đại Trần Phương và người con nghị lực Diệu Thanh vẫn kiên cường giữa bộn bề lo toan của cuộc sống. Và, trong câu chuyện với người xung quanh, ánh mắt họ vẫn lấp lánh niềm tin bất kể hành trình phía trước vẫn lắm gian truân và gập ghềnh.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ

Những ngày bước sang thu, trời Huế bớt oi nóng và dịu nhiệt hơn. Chúng tôi những người làm việc ở bảo tàng mang tên Bác tại Huế, trong chuyến thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế” tại huyện Phú Lộc, may mắn gặp được bác Lê Đình Thông - người đã từng gặp Bác Hồ. Bác Lê Đình Thông, hiện đang sống ở thị trấn Phú Lộc. Năm nay, bác đã gần chín mươi rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, lanh lợi và rất minh mẫn.

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ
San sẻ yêu thương, vui bước đến trường

Dưới ánh nắng đầu thu, anh Trần Đăng Ba (TP. Huế) hồi hộp cùng con chờ đợi để nhận học bổng trong chương trình “Vòng tay yêu thương”. Là trụ cột của gia đình có đến 5 miệng ăn, với anh Ba, suất học bổng này chẳng khác nào than ấm được tặng giữa đêm đông, tiếp thêm động lực để con của anh, em Trần Đăng Huy tiếp tục vững bước đến trường.

San sẻ yêu thương, vui bước đến trường
Return to top