ClockThứ Hai, 30/01/2012 21:20

Dẻo dai sợi bún Ô Sa

TTH - Qua con đường đê cách TL11A chừng 2 km, bao bọc quanh làng là lũy tre xanh và đồng xanh cây lúa. Những cánh đồng trù phú đã cho hạt lúa, để dân làng Ô Sa làm ra sợi bún, bằng sự sáng tạo, công phu và những bí quyết phức tạp. Cũng như bao người dân làng bún khác, ông Lê Xiêm, trưởng thôn, nhà có nhiều đời làm bún vẫn ngập ngừng khi trao đổi cách làm bún, được cho là bí quyết của làng. Tuy không được ghi chép nhưng những điều chúng tôi nhớ được thật quả, không dễ làm theo.

Sáng đi bán bún, trưa về chằm tơi

Cái thời công cụ còn thô sơ, bún Ô Sa đã phát triển bán nhiều trong vùng. Hồi đó, để có 50 kg bún tươi chất đầy 2 thúng con gánh đi bán, phải mất 4 ngày. Bắt đầu từ việc xay lúa, giã, dần, sàn chọn lấy những hạt gạo ngon, không bể. Sau đó đem ngâm nước lạnh chừng một buổi thì vớt ra để ráo, rồi đổ vào một cái nong tre to, banh mỏng ra, gác lên giàn bếp 3 ngày, lấy lá cây ủ thêm cho nóng để hạt gạo tự chín. Khi hạt gạo dậy chuyển sang màu vàng thì hạ xuống, tiếp tục ngâm vào nước lạnh thêm vài giờ. Xong lại vớt ra, bỏ vào xìa để xát thành bột, cho vào cối giã... cuối cùng cho vào khuôn thành sợi bún. Trong quá trình chế biến còn múc nước cũ hòa với nước mới; lấy nước mới thứ 2 hòa nước mới thứ nhất với số gáo nước nhất định để cho sợi bún dẻo, dai... Nếu sơ suất một công đoạn thôi là mẻ bún coi như bỏ. Để ngày nào cũng có bún bán ra thị trường, người dân phải làm nhiều mẻ gối nhau, thức khuya dậy sớm với nghề.


Sản xuất bún với nhiều công đoạn phức tạp

Theo các nhà nghiên cứu, làng Ô Sa được thành lập từ khoảng năm 1626, khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh phủ về Phước Yên. Nghề bún cũng tồn tại và phát triển từ đó. Dân làng Ô Sa giờ không biết vị tổ truyền nghề bún cho dân làng là ai, chỉ biết là tồn tại từ lâu lắm rồi. Cùng với nghề bún, trước đây, làng còn có nghề chằm áo tơi đi mưa. “Ươi Đồng Vá lá Chình Vình” - Ngày trước, tại Đồng Vá của làng có loài cây ươi dùng làm chỉ để may áo tơi. Lá tơi cũng được hái khu vực Chình Vình gần đó.

Điều thú vị là, những sản phẩm từ nghề mà dân làng Ô Sa làm ra đều phục vụ cho nhà nông. Áo tơi mặc ra đồng ngoài che mưa còn rất ấm. Quá trình làm tơi đồng hành với quá trình làm bún. Tranh thủ trong thời gian đợi gạo tới để làm bún thì chằm tơi. Khi các sản phẩm hoàn tất thì được gánh đi bán luôn thể. Hình ảnh các mẹ, các chị làng Ô Sa gánh 2 thúng bún trên vai, móc kèm thêm 2 cái tơi 2 đầu để đi bán đã rất quen thuộc một thời. Người dân trong vùng thường truyền tụng câu “Nếu anh lấy được vợ hai nghề, sáng đi bán bún trưa về chằm tơi” để ca ngợi đức tính cần cù, chịu khó của phụ nữ trong thôn. Giờ đây, cái áo tơi không còn cạnh tranh nổi với áo ni lông, nên trong làng không ai chằm tơi nữa. Riêng nghề bún thì vẫn tồn tại và phát triển.

Hiện đại hóa làng nghề

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề bún Ô Sa ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) vẫn trường tồn và phát triển. Trong xu thế CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn hiện nay, nghề bún Ô Sa cũng bắt nhịp, góp phần nâng cao giá trị hạt lúa cho nhà nông.

Qua những con đường làng rợp bóng tre xanh, chỉ tay vào những ngôi nhà được xây dựng đồ sộ, khang trang, trưởng thôn Lê Xiêm nói: Nhờ bún cả đó! Làng Ô Sa hiện có 135 hộ thì có hết 106 hộ làm bún. Nghề bún đã giúp người dân có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng nhà cửa khang trang, con em trong làng đều có điều kiện ăn học. Riêng trong năm học qua, làng Ô Sa có đến 6 em thi đỗ vào các trường đại học trong cả nước”.

Trong thời đại CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, hạt thóc làm ra dễ dàng hơn, nhu cầu dùng bún để thay thế cơm trong bữa ăn của đại bộ phận người dân từ nông thôn đến thành thị càng lớn, nên làng bún Ô Sa có cơ hội để phát triển. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất bún. Các hộ có dây chuyền ngoài việc sản xuất bún cho gia đình mình còn nặn bún cho người dân trong thôn. Nhờ vậy, người dân làm bún cũng đỡ vất vả hơn. Thay vì trước đây phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp thì nay chỉ đảm nhận việc làm gạo, ngâm, ép khô rồi gánh đến dây chuyền để nặn thành bún. Hiện nay, toàn làng Ô Sa có 6 dây chuyền sản xuất bún, mỗi dây chuyền được đầu tư gần 100 triệu đồng, mỗi ngày cho ra thị trường hơn 4 tấn bún.

Anh Nguyễn Tượng, chủ dây chuyền bún trong làng cho hay, dây chuyền của anh mỗi ngày sản xuất 7 tạ bún. Đây là con số khiêm tốn, bởi thị trường chủ yếu cung cấp cho các huyện Quảng Điền, Phong Điền và Hương Trà. Còn nếu có thị trường thì có thể sản xuất nhiều hơn, bởi công suất máy còn rất lớn. Tuy chỉ tiêu thụ tại thị trường lân cận nhưng trừ mọi chi phí, mỗi ngày anh thu lãi gần 1 triệu đồng. Các hộ không có dây chuyền thì vẫn duy trì mức lãi từ 150 đến 200 ngàn đồng mỗi ngày.

Hiệu quả kinh tế của nghề bún Ô Sa thì rất rõ. Song, làng bún Ô Sa hiện đang đối diện với vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Lượng nước sau khi chế biến bún được thải thẳng ra môi trường tạo mùi hôi khó chịu. Lúa, hoa màu, gia cầm gần khu vực sản xuất bún không sống nổi. Nhiều vùng thổ cư, nông nghiệp bị hoang hóa. Tại khu thổ cư xóm 3, có 8 hộ được cấp đất làm nhà đã 3 năm nay, nhưng không dám đến làm nhà, vì ô nhiễm...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng phòng Công thương Quảng Điền cho biết: -Dự án xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún Ô Sa đã lập và đã được phê duyệt, với tổng mức đầu tư 2,7 tỷ đồng. Dự án được triển khai ngay tại làng nghề, với hệ thống thu gom nước thải, xử lý mùi hôi; hiện đang chờ bố trí vốn để thực hiện. Cùng với xử lý môi trường, huyện đang tiếp tục vận động các doanh nghiệp, các hộ cá thể trong làng nghề mạnh dạn đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa
Return to top