ClockThứ Bảy, 17/02/2018 16:02

Đẹp & xấu

TTH.VN - Xuống phố. Đi khắp các ngả đường thành phố, các vùng ven đô khi đêm muộn, trong cái lạnh se sẽ để tặng lì xì cho những người vẫn đang mưu sinh muộn mằn trong đêm cuối của năm cũ, ngày mới của năm mới là những hình ảnh tôi nhìn thấy trên tường facebook của một người bạn.

Xuống phố. Đi khắp các ngả đường thành phố, các vùng ven đô khi đêm muộn, trong cái lạnh se sẽ để tặng lì xì cho những người vẫn đang mưu sinh muộn mằn trong đêm cuối của năm cũ, ngày mới của năm mới là những hình ảnh tôi nhìn thấy trên tường facebook của một người bạn. Những hình ảnh cụ thể, với những tên tuổi cụ thể, cả những trạng thái cụ thể được ghi lại trong những khoảnh khắc bấm máy với đôi tay nhăn nho cầm chặt, nắm chặt; những đôi mắt mệt mỏi vừa được sưởi ấm bằng sự chân thành đến từ những người lạ; những câu chuyện có thể đọc và mường tượng được trong đôi ba dòng chữ rất ngắn… là những cảm xúc thật đẹp trong những ngày đầu năm mới.

Sẽ là điều không cần thiết và quá thừa nếu hỏi các bạn ấy về nguồn lì xì ấy từ đâu. Chỉ cái nhảy cẫng lên vui sướng của hai bé bán ốc phóng sinh ngày đầu năm khi người lì xì vừa rời đi đã cho thấy, việc mang đến một món quà còn đẹp hơn cả việc đã bắt đầu nó như thế nào.

Một đồng nghiệp khác của tôi, mỗi tết về lại đổi tiền mới từ khoản nhuận bút của mình để làm quà tặng cho những người nghèo khó, dù em đã lớn lên, trưởng thành và giờ đang là trụ cột chính của gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Nơi ở của gia đình em vẫn nhờ vào mái nhà nhỏ của người chị gái. Năm nay, em đã cùng thêm những người có chung tâm niệm để 50.000 đồng vào 80 phong bao để dành tặng cho các em nhỏ ở khoa ung bướu và những người không thể rời bệnh viện về nhà ăn tết. Tôi nhìn thấy ấm áp trong mắt em khi ngồi trò chuyện bên hiên nhà ngày đầu năm mới. Chỉ là tôi gợi chuyện, về điều mình biết, chứ em cứ lặng lẽ như thế, không chỉ mỗi khi năm mới về mà cả ở trong những ngày thường, khi ai đó cần giúp, khi ai đó cần đến nhóm máu mà em luôn sẵn lòng san sẻ…

Sẻ chia tết với trẻ em vùng cao A Lưới

Nhớ ngày cuối năm, một đồng nghiệp nữ khác của tôi đã để lại cả núi việc nhà, bỏ lại cả không khí tất niên đang sôi nổi ở sân cơ quan, “đèo” thêm đứa con hơn ba tuổi và “điều” chồng lái xe lên A Lưới, ngủ lại một đêm để sớm mai kịp lì xì cho bà con đồng bào ở phiên chợ sớm nơi vùng cao A Lưới. Một chuyến xe chở áo quần và nhiều thứ khác đã xuất phát trước đó 1 giờ đồng hồ. Các bạn và cả em nữa, đã có ý định về việc này từ lâu và mỗi năm, lại cố gắng làm một việc gì đó thật sự có ý nghĩa.

Có những con người, những nghĩa tình mà nếu ta không để ý, không dõi theo sẽ chẳng bao giờ biết và hiểu được. Nó là một vỉa tầng khác đằng sau cuộc sống ngày thường với mọi thứ buồn vui, cả những áp lực về câu chữ, bài vở và những cuộc giao ban nảy lửa để có thể mang đến những sản phẩm tốt nhất ở công việc mình đang đứng chân. Thế nên, điều mà tôi nghĩ là chúng ta cũng sẽ như bao nhiêu người khác nếu không đồng hành và học cách chia sẻ ngay cả với người đang đồng hành với ta hàng ngày. Nếu không, sẽ chỉ nhìn thấy chuyện cơm áo với những khoản thu nhập, là những hơn kém về con số và chỗ đứng...

 2. Có một dòng người khác, đông hơn, đã từ các ngả đường đổ về Tượng đài Quán Thế Âm Bồ tát (hay gọi là tượng Phật đứng) ở Thủy Bằng để làm lễ cầu an, cầu may mắn…và thường đông nhất vào những ngày đầu năm, hay các mùa thi cử. Điều này cũng là chuyện đã trở nên khá phổ biến khi người dân muốn có thêm niềm tin từ chốn linh thiêng, ngoài những nỗ lực tự thân của chính mình và người thân.

Điều không bình thường là ở chỗ, vì quá đông dẫn đến quá tải, nên có rất nhiều người phải đứng từ phía xa bái vọng tới. Vì ai cũng mang theo chai nước, nắm hương nên hương không đủ chỗ để cắm nên có người thả luôn nắm hương ấy vào bệ nhang, mặc kệ việc bùng lên những đám cháy nhỏ; người không len chân vào được thì vãi hương ở bất cứ chỗ nào quanh đường lên tượng. Nước cúng xong uống lấy may không hết thì thả la tiệt xuống nền đường. Cứ thế và cứ thế. Những hình ảnh này được mọi người nói với nhau, được đăng tải khá nhiều trên các trang báo điện tử và cả mạng xã hội. Tất cả tạo thành một bãi rác ngay chốn lễ lạt. Người đi sau phải tìm cách để né người và né các sản phẩm bị bỏ lại ngay trên  đoạn đường dốc. Con đường phía dưới vẫn tấp nập những người.

Người dân Huế thường tìm đến chùa cầu bình an với lòng thành kính, thâm nghiêm

Đó là những hình ảnh quá xấu khi người ta ứng xử kém văn hóa. Nó làm cho mọi thứ trở nên xô lệch, nhếch nhác, bẩn thỉu và những lời nguyện cầu bị tầm thường hóa. Vấn đề là ở chỗ, điều không bình thường này đã trở thành bình thường và hình như người đi lễ mặc nhiên chấp nhận nó từ năm này qua năm khác. Sao không có ai, đơn vị nào đứng ra tổ chức một cách có văn hóa và quy củ hơn, hay mọi việc đã trở nên vượt qua tầm kiểm soát?

Tôi không tin vào điều đó. Điều duy nhất chỉ là không bắt tay vào để thay đổi hành vi văn hóa mà thôi.

Vẫn biết đó không phải là số đông, nhưng sự tập trung những điều không đẹp ở một nơi, đã mang lại điều không hay về một góc nhìn. Thế nên, đa phần người dân Huế hầu như chỉ tìm về các chùa để thắp hương cầu an trong sự bình lặng, yên tĩnh và thâm nghiêm.

Ngày đầu năm, kể đôi điều về những nghĩa cử đẹp và một sự xấu xí, chỉ cốt mong cái đẹp được nhân lên, cái xấu sẽ bớt dần đi khi điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính mỗi ứng xử của chúng ta…

                                                                                                                            Bài: Nguyễn An Lê, Ảnh: L.Tuệ 

           

           

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top