ClockThứ Tư, 20/07/2016 14:18

Đi chợ cùng làn nhựa...

TTH - Dùng làn nhựa, hộp nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lông là “điểm nhấn” trong hành động chung tay bảo vệ môi trường của phụ nữ thị xã Hương Trà, được Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) tỉnh đánh giá cao.

Chị em thôn Cổ Lão (xã Hương Toàn) rủ nhau xách làn nhựa, hộp nhựa đi chợ.

Cứ tầm sau 8 giờ sáng, trên các con đường thôn Cổ Lão (xã Hương Toàn) hình ảnh các mẹ, các chị xách làn nhựa đi chợ đã trở thành quen thuộc. Khi chúng tôi đến, chị Chi chuẩn bị ra khỏi nhà với chiếc làn nhựa đỏ cùng mấy chiếc hộp nhựa kèm theo. Nở nụ cười mộc mạc, chị Chi giải thích, nếu không có mấy cái hộp nhựa này để đựng thực phẩm thì vẫn chưa hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng bao bì ni lông. Chị bảo, khi mới nghe tuyên truyền, vận động thực hiện, cũng như nhiều phụ nữ trong thôn, chị không khỏi ngại ngần. Bởi, các bà, các chị đã quen “tay không” đi chợ. Mua món gì người bán đều có túi ni lông, khách hàng chỉ việc xách về. Lấy thức ăn ra, túi ni lông chỉ cần vứt đi là xong.

Sau khi “thấm” những lời “rỉ rả” của cán bộ phụ nữ, chị hiểu việc sử dụng bao bì ni lông có “tiện”, nhưng không lợi, thậm chí tác hại đến sức khỏe của chính bản thân, con cháu. “Khi hiểu có thể bị bệnh tật, thậm chí là bệnh hiểm nghèo như ung thư nếu sử dụng bao bì ni lông đựng thức ăn nóng hoặc gói thực phẩm để trong tủ lạnh; “xả” ni lông ra môi trường, ô nhiễm sẽ tác động ngược trở lại cuộc sống của mình, của cộng đồng, chúng tôi đã dứt khoát lựa chọn làn nhựa, hộp nhựa” - chị Chi bộc bạch. Bà Hoàng Thị Xãng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Cổ Lão “cụ thể” hơn. Bà chỉ vào mấy đứa trẻ đang chăm chú ngồi tô truyện tranh, dí dỏm: “Tui mà không thực hiện, mấy đứa cháu nội, cháu ngoại tui đây ảnh hưởng chứ ai”.

Đó cũng là suy nghĩ chung của các hội viên Chi hội phụ nữ tổ dân phố 4, phường Hương Chữ. Ngoài làm ruộng, chị Lê Thị Cúc còn hàng thức ăn ở chợ, chị “tranh thủ” tuyên truyền cho khách hàng. Chị Hà Thị Hà, Chủ tịch HLHPN phường Hương Chữ “bật mí”: Hội viên còn “giám sát” nhau bằng cách đặt ra “luật”, nếu chị em buổi nào đi chợ “quên” làn nhựa, hộp nhựa thì bị “phạt” 10 nghìn đồng. Rồi chị cười: “Nói vui vậy thôi chứ ai phạt? Vậy nhưng, chị em cũng lấy điều đó để tự nhắc nhở, không để mình “buông lỏng” ý thức”.

Từ ý thức bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, các chị từ bỏ thói quen “tiện” để tìm đến, giữ gìn sự “lợi”, thông qua việc sử dụng làn nhựa hộp nhựa, hạn chế bao bì ni lông, là một cách làm hữu hiệu, chung tay bảo vệ môi trường. Sử dụng hộp nhựa, làn nhựa có vẻ hơi “cồng kềnh” khi di chuyển, ban đầu chị em có chút ngại, nhưng do “ý thức tiềm năng” về việc bảo vệ sức khỏe, môi trường nên hội viên tích cực hưởng ứng. “Với trách nhiệm của Chủ tịch HLHPN xã, mỗi lần ra chợ quan sát thấy những chiếc làn nhựa, hộp nhựa “theo chân” các bà các chị, tôi cảm thấy thật vui và yên tâm”, chị Hoàng Thị Thảnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Toàn chia sẻ.

Theo chị Trần Thị Tuyết, Chủ tịch HLHPN thị xã Hương Trà: Thời gian qua, các chi hội, các phường, xã trên địa bàn thực hiện tốt rất nhiều mô hình như xử lý rác thải, làm sạch bờ biển, thu gom xử lý cá chết theo quy trình đảm bảo vệ sinh... Tuy nhiên, dùng làn nhựa, hộp nhựa đi chợ và hạn chế sử dụng túi ni lông là “điểm nhấn” trong hành động chung tay bảo vệ môi trường của phụ nữ thị xã Hương Trà. Hiện mô hình này đang được tiếp tục nhân rộng.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập huấn tái chế rác thải nhựa

Hoạt động trên được Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức ngày 27/3 nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Tập huấn tái chế rác thải nhựa
“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo

Bằng những hoạt động, mô hình cụ thể như hỗ trợ kinh phí học tập, hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng, hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế... Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Đông Ba đã đồng hành, “tiếp sức” cho trẻ em, phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn phường để họ có thêm động lực, cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống.

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối

Ở chợ Phú Hậu - chợ đầu mối lớn nhất Thừa Thiên Huế, không khí bán buôn bắt đầu tấp nập từ lúc 2 giờ sáng, khi ngày mới vừa chớm qua. Tiếp sau những chuyến xe hàng chở nông sản từ các miền Nam, Bắc ghé chợ là công việc bốc dỡ và vận chuyển hàng giúp các tiểu thương của các chị cửu vạn. Công việc vất vả, nhưng tiền công mỗi chuyến chở hàng nông sản của các chị cũng chỉ được vài ngàn đồng. Có phần nhẹ nhàng hơn nhưng cũng bám chợ vất vả không kém là chị em tiểu thương có sạp hàng ổn định hay các chị “chạy hàng” nhỏ lẻ. Dẫu vậy, khi nói về “ngày của mình”, các chị cũng chỉ đơn giản: Mong gia đình bình an và bản thân đủ sức khỏe để theo chợ, bám việc mỗi ngày.

Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối
Return to top