ClockThứ Sáu, 14/12/2018 05:45

Di chuyển Bảo tàng Lịch sử đến địa điểm mới trong năm 2019

TTH - Sau nhiều năm mong đợi, chủ trương di dời Bảo tàng Lịch sử đến địa điểm mới sẽ thành hiện thực trong năm 2019.

Bảo tàng phải là điểm đếnKỷ niệm 35 năm thành lập Bảo tàng Lịch sử tỉnhTriển lãm 130 hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến áo dài

Du khách tham quan trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Lịch sử

Mong đợi 20 năm

Từ ngày thành lập đến nay, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế “tá túc” tại di tích Quốc Tử Giám, một công trình thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Vì thế, bảo tàng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, công tác trưng bày, bảo quản hiện vật khá chật vật vì không thể cải tạo di tích. Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cho biết: “Tâm thế không ổn định hạn chế sự phát triển của bảo tàng. “An cư mới lạc nghiệp”, việc di chuyển bảo tàng đến một địa điểm phù hợp là yêu cầu bức thiết để phát huy các giá trị di sản bảo tàng đang lưu giữ”.

Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc di dời bảo tàng này đã được đặt ra cách đây 20 năm. Năm 1998, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương di chuyển Bảo tàng Lịch sử (lúc đó có tên là Bảo tàng Tổng hợp) đến địa điểm khác. Tuy nhiên, đến bây giờ, chủ trương ấy mới dần thành hiện thực.

Để tạo điều kiện cho Bảo tàng Lịch sử có địa điểm hoạt động ổn định, trả lại di tích Quốc Tử Giám cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tháng 9/2016, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị bàn giao cho tỉnh một phần khu đất có diện tích 7.500m2 tại 268 Điện Biên Phủ do Tiểu đoàn 19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý để làm Bảo tàng Lịch sử. Tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý điều chuyển tài sản khu nhà, đất này sang cho UBND tỉnh quản lý và sử dụng.

Tháng 5/2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao khu đất trên cho Sở Văn hóa và Thể thao quản lý, thực hiện các thủ tục đầu tư cải tạo để di chuyển Bảo tàng Lịch sử đến vị trí này. Ông Phan Tiến Dũng cho hay, đến nay, mọi thủ tục đều đã hoàn thành. Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thống nhất lộ trình, thời gian bàn giao thực tế sau khi hoàn thành công tác đầu tư xây dựng doanh trại mới của tiểu đoàn 19 tại thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, thị xã Hương trà. Tiến độ xây dựng đang được đẩy nhanh để đến quý 3 hoặc quý 4 năm 2019, có thể chuyển Bảo tàng Lịch sử đến địa điểm mới theo kế hoạch.

Sau khi có quyết định bàn giao đất, Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành khảo sát trên cơ sở vật chất hiện có, thuê đơn vị tư vấn xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án “Di dời và xây dựng Bảo tàng Lịch sử tại địa điểm 268 Điện Biên Phủ”. UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này với kinh phí trên 14 tỷ đồng. Trước mắt, sẽ tận dụng cơ sở vật chất hiện có của khu đất gồm ngôi nhà chính và hai ngôi nhà phụ để trưng bày, nâng cấp không gian phù hợp với yêu cầu của thiết chế bảo tàng, đồng thời cải tạo, xây dựng hệ thống kho kiên cố để lưu giữ hiện vật. Sở Văn hóa và Thể thao hiện đang làm thủ tục tổ chức khoan thăm dò địa chất để lập dự án trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật để khởi công dự án trong năm 2019.

Mấy mươi năm nay, Bảo tàng Lịch sử "tá túc" tại di tích Quốc Tử Giám

Chuẩn bị phương án trưng bày

Ông Dũng cho rằng, Bảo tàng Lịch sử chuyển đến địa điểm mới ngoài tạo sự ổn định và phát triển lâu dài cho bảo tàng, còn hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, thuận lợi cho nhu cầu tham quan của công chúng, tạo thêm sản phẩm du lịch theo tuyến lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, đền Huyền Trân… Đây cũng sẽ là một không gian đẹp về đô thị ở đường Điện Biên Phủ.

Chuẩn bị về địa điểm mới, Bảo tàng Lịch sử đã hoàn thành việc xây dựng đề cương trưng bày. Một số chuyên gia đã được mời để cùng với Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Lịch sử xem xét chọn lựa những hiện vật có thể trưng bày cố định, hiện vật đưa vào các sưu tập để trưng bày luân phiên. Với gần 33 nghìn hiện vật, nội dung trưng bày của Bảo tàng Lịch sử tại địa điểm mới gồm 3 phần chính: Trưng bày cố định, trưng bày chuyên đề và trưng bày ngoài trời.

Hệ thống trưng bày cố định gồm có không gian khánh tiết bố cục biểu tượng của vùng đất Thừa Thiên Huế, đặc trưng văn hóa các dân tộc, lịch sử xã hội vùng đất từ cổ đại đến những năm đầu thế kỷ XX, trải qua các cuộc kháng chiến đến công cuộc xây dựng CNXH – đổi mới và phát triển. Ở phần trưng bày chuyên đề tùy theo yêu cầu để có những chuyên đề thích hợp, giới thiệu những sưu tập khảo cổ học. Ở không gian ngoài trời sẽ trưng bày những hiện vật gốc có khối tích lớn như: xe tăng, pháo, máy bay, phục dựng cảnh tượng đời sống sinh hoạt của bộ đội Trường Sơn, trạm giao liên…

“Ngoài công tác trưng bày, chúng tôi sẽ tập trung vào việc bảo quản các tài liệu, hiện vật, nhất là những hiện vật quý gắn với lịch sử của Thừa Thiên Huế”. Ông Cao Huy Hùng cho biết.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới

Hàng chục ngàn hiện vật với rất nhiều chất liệu, kích thước thuộc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang được đóng gói một cách cẩn thận chuẩn bị cho việc dời về địa chỉ mới ở số 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế.

Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Du xuân ở bảo tàng

Ngoài các điểm du xuân vui nhộn, trang trí đẹp mắt, những năm gần đây một trong những điểm đến vào dịp Tết Nguyên đán được nhiều người tìm tới đó chính là bảo tàng. Bảo tàng vì thế cũng mở cửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng.

Du xuân ở bảo tàng
Gửi gắm hiện vật quý cho bảo tàng

Rất nhiều hiện vật trong số hàng chục hiện vật vừa được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tiếp nhận từ người tặng được các chuyên đánh giá vô cùng quý hiếm. Những hiện vật ấy là di sản văn hóa gắn liền với vùng đất, con người, đời sống văn hóa, thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Thừa Thiên Huế.

Gửi gắm hiện vật quý cho bảo tàng
Return to top