ClockThứ Sáu, 22/11/2013 11:53

Đi học

TTH - Đêm giao thừa Tết Nhâm Tý (1972), tôi đang ngủ dưới hầm tránh pháo với mấy em thì được mẹ đánh thức để lên đường ra Bắc đi học. Đó là những năm quê tôi tan nát bởi bom đạn giặc; trường lớp bị thiêu rụi, dân bị địch gom vào khu dồn. Sau này tôi mới biết, phải ra đi lúc giao thừa mới mong được bảo toàn do kẻ địch sơ hở. Lần ấy, ba chú du kích đưa tôi đi - người đi trước mở đường; người đi sau bảo vệ; tôi được cõng đi giữa. Đêm cuối năm mưa lạnh, tối đến trở bàn tay không thấy. Bỗng tiếng súng rộ lên từ phía sau; đêm bị loãng ra bởi rất nhiều pháo sáng phụt lên bầu trời. Địch phát hiện! Chú du kích cõng tôi nằm rạp xuống ruộng lúa lấp xấp nước, luôn miệng nhắc đừng khóc. Như có phân công trước, hai người ở lại chặn địch, tôi được đưa về chiến khu an toàn. Mãi đến hôm lên đường ra Bắc, tôi mới hay hai chú du kích ở lại chặn địch đã hy sinh. Vậy là, để đưa được một đứa trẻ đến trường, máu người chiến sĩ cách mạng đã đổ.

Vượt qua đồn bốt địch, những đứa trẻ từ khắp nơi trong tỉnh tập trung về căn cứ cách mạng Hòn Tàu. Tại đây, chúng tôi được lập hồ sơ, chuẩn bị tư trang, nghe hướng dẫn cách đối phó những bất trắc trên đường rồi hành quân. Đoàn gồm 56 chiến sĩ nhí; sàn sàn tuổi lên mười; cũng ba lô nhỏ, mũ tai bèo, dép râu; cũng cơm vắt, lương khô, bi đông nước... hệt như những người lính. Sau 15 ngày ròng rã đi bộ, chúng tôi đến đường Trường Sơn và được ô tô đón; thêm 15 ngày nữa thì đến Hà Nội. Riêng tôi, bị những cơn sốt rét hành hạ nên phải nằm lại các binh trạm, khi vào hè mới tới được Thủ đô.

Trạm đón tiếp học sinh miền Nam có mật danh T64 ở Hà Nội, ngay phía sau gò Đống Đa, xung quanh toàn những hồ sen thả cá và rất nhiều dừa. T64 thuộc Ban Thống nhất Trung ương, các cô chú làm ở đây hầu hết là cán bộ miền Nam tập kết. Việc đầu tiên là chúng tôi được khám sức khỏe, điều trị tại các bệnh viện E1, E2; phục hồi sức khỏe rồi sẽ được chuyển tới các trường nội trú dành riêng cho học sinh miền Nam. Những ngôi trường quá đỗi thân thương với hàng vạn người miền Nam từng học tập trên đất Bắc như trường học sinh miền Nam Số 1 Đông Triều (Quảng Ninh), Số 2 (Vĩnh Phú), Số 5 (Thái Bình), Số 7 (Nam Hà), Số 10 Chí Linh (Hải Hưng), Số 11 (Hải Phòng), Số 16 Hà Trung (Thanh Hóa)... Khi chiến tranh phá hoại của địch mở rộng ra miền Bắc, nhiều người trong chúng tôi được chuyển qua trường Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé ở Quế Lâm Trung Quốc. Riêng tôi, học tại trường Học sinh miền Nam Số 18 (còn gọi K90) thị xã Hưng Yên (Hải Hưng) do thầy Lê Đức Tường làm hiệu trưởng; sau đó chuyển về trường Số 9 Tân Yên (Hà Bắc) do thầy Huỳnh Thảng làm hiệu trưởng. Ngày đất nước thống nhất, chúng tôi bịn rịn chia tay thầy cô, về lại quê nhà trong mừng vui, đón đợi của người thân.

Nhớ những vui buồn thuở đi học cách nay hơn 40 năm, tôi không khỏi xúc động. Đất nước đang chiến tranh nhưng chúng tôi vẫn được nuôi dưỡng, học tập trong điều kiện tốt; sống xa ba má nhưng vẫn ấm lòng bởi tình thương vô bờ của thầy cô. Các cô chú quản lý chẳng quản đêm ngày, chăm sóc chúng tôi thật chu đáo, từ bữa cơm giấc ngủ đến hướng dẫn cách mặc ấm, vui chơi. Những bà mẹ người Mường ở khu sơ tán Hòa Bình, không nghe rõ tiếng miền Trung nhưng tỏ lòng thơm thảo với chúng tôi qua những tấm bánh đa, cây mía. Tôi nhớ mãi các thầy cô ở thị xã Hưng Yên hay huyện Tân Yên, ngày Tết, vẫn ở lại trường, bày chúng tôi giăng đèn kết hoa, vui chơi để đỡ nhớ nhà. Cả những khi chúng tôi hoang nghịch, thầy cô cũng không nỡ nặng lời, bắt phạt. Đi xe buýt hay tàu điện, học sinh miền Nam luôn được ưu ái chỗ ngồi và khỏi phải mua vé... Chưa bao giờ tôi cảm thấy tình Bắc-Nam sâu nặng được thể hiện rõ ràng đến thế.

Việc đưa hơn 30.000 thanh thiếu niên miền Nam ra Bắc học tập (thời kỳ 1954-1975) là chủ trương sáng suốt của Đảng và Bác Hồ; giữa lúc cuộc chiến đang quyết liệt vẫn lo tới công cuộc xây dựng đất nước khi hòa bình thống nhất; trong lúc tập trung tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vẫn lo đào tạo nguồn lực cho mai sau. Đó quả là việc làm có ý nghĩa chiến lược, với tầm nhìn xa trông rộng của những bậc lãnh đạo đất nước. Số học sinh miền Nam ngày ấy, sau này là lực lượng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà và xây dựng quê hương sau giải phóng. Ở thành phố quê tôi, vào ngày 20-11 hằng năm, các cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc lại gặp nhau tại Sở Giáo dục Đào tạo thành phố. Hội trường của Sở khá rộng nhưng lần nào cũng thiếu chỗ ngồi. Rất nhiều cán bộ chủ chốt, những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, văn nghệ sĩ... của thành phố từng học tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Người kể lại chuyện này - chú bé được cõng đi học trong đêm giao thừa năm xưa, nay đã là một Đại tá Quân đội.

Tôi thường kể cho các con nghe về tuổi thơ đi học nhiều gian khó của mình, những mong phần nào giúp các cháu cảm nhận được giá trị cao đẹp của cuộc sống thanh bình hôm nay để góp phần nâng niu, gìn giữ.

Nguyễn Trọng Hoạt
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học
Return to top