ClockThứ Bảy, 01/07/2017 12:59

Di tích Huế qua bản đồ số hóa 3D

TTH - Khác với những bản đồ du lịch thông thường, bản đồ số hóa 3D của ThS.KTS. Nguyễn Quang Huy, giảng viên Khoa Kiến trúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ 3D Kiến trúc Huế cung cấp cho người xem những hình ảnh 3D cùng góc nhìn 360 độ đẹp và lạ mắt về các điểm di tích và các di sản vật thể của Huế.

Tái hiện 3D Trường Quốc học thời kỳ đầu

Bản đồ số hóa 3D là dự án phi lợi nhuận của ThS. KTS. Nguyễn Quang Huy nhằm số hóa và lưu trữ các đặc trưng của di sản vật thể của Huế. Việc ứng dụng giải pháp Sketchfab (nền tảng 3D chuyên dụng) kết hợp của trên nền google map tạo nên giao diện trực quan từ tổng thể vị trí địa lý các di tích đến chi tiết của hiện vật triều Nguyễn. Đây là nguồn dữ liệu miễn phí và hữu ích không chỉ cho các nhà nghiên cứu Huế mà tất cả những ai muốn tham quan, tìm hiểu về Huế.

Bản đồ số hóa 3D gồm 3 phần chính: Thông tin lịch sử các hiện vật và di tích; mô hình hóa 3D các hiện vật và liên kết thông tin người nghiên cứu, du khách đến với địa điểm và cơ quan quản lý di sản. Một số sản phẩm cụ thể mà Huy và các thành viên trong Câu lạc bộ 3D Kiến trúc Huế đã bỏ nhiều công sức để thực hiện trong suốt 3 năm vừa qua là bản đồ 360 độ trải nghiệm dọc sông Ngự Hà, bản đồ 360 độ các điểm di tích; một số hiện vật đá ngoài trời của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; tái hiện 3D Trường Quốc học thời kỳ đầu (sản phẩm này đã được Sở Văn hóa và Thể thao tặng giấy khen). 

“Bản đồ số hóa 3D về di tích Huế hình thành sau dự án flycam lấy không ảnh phục vụ quy hoạch và giám sát đô thị được giải Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2014. Google 3D map thực tế đã dùng công nghệ này để phát triển các bản đồ 3D của họ dành cho các thành phố di sản nổi tiếng nhưng chưa có Huế. Vì vậy, tôi nghĩ mình có thể làm được cho Huế theo phương pháp này”. ThS. KTS. Nguyễn Quang Huy cho biết.

Theo ThS. KTS. Nguyễn Quang Huy, ở Huế đã có nhiều đề tài nghiên cứu về quản lý di sản ứng dụng công nghệ GIS, tuy nhiên việc tích hợp 3D chưa có vì các công cụ nghiên cứu trước đều dựa trên nền tảng phần mềm có sẵn. Bản đồ mới Huy đang xây dựng ưu việt hơn ở chỗ, nó kế thừa một phần nền tảng Google API nhưng chi tiết 3D thì tích hợp với Sketchfab. “Tôi đã ứng dụng giải pháp này để thực hiện dự án Nghị định thư Việt - Ý có tên "Khảo sát trên cơ sở ứng dụng công nghệ khảo cổ, địa chất, sinh học và công nghệ thông tin để phục vụ việc quy hoạch, phục dựng và phát triển cảnh quan Thành cổ Quảng Trị". Ở Huế, tôi đang hỗ trợ Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế triển khai số hóa các hiện vật đá ngoài trời. Chúng ta có thể sử dụng cho thiết bị cầm tay không cần đến phần mềm chuyên dụng hay máy tính cấu hình cao để có thể tra cứu hiện vật một cách đa chiều với 3D. Ngoài ra, tôi có bổ sung dữ liệu ảnh 360 độ để làm đa dạng góc nhìn về các điểm di tích và hiện vật”, ThS.KTS.Nguyễn Quang Huy nói.

Minh họa giao diện mới dựa trên nền Google Map của dữ liệu chi tiết 3D dưới dạng tổng quan

Có thể hình dung, với một hiện vật bức tượng đá ngoài trời ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, bản đồ số hóa 3D của Huy giúp người xem có thể quan sát, nhìn hiện vật từ tất cả các góc độ khác nhau, từ bên phải sang bên trái, mặt trước qua mặt sau, từ mặt trên xuống mặt dưới của bức tượng. Hiện vật vì thế trở nên sống động như thật và vô cùng hấp dẫn người xem.

“Bản đồ số hóa 3D bắt đầu được thực hiện từ năm 2014 đến nay. Thuận lợi là công nghệ đã có sẵn và có sự hỗ trợ của Sketchfab (giải pháp hiển thị và trình diễn nội dung số 3D online). Câu lạc bộ 3D Kiến trúc Huế là đại diện hỗ trợ phát triển 3D cho các bảo tàng tại Việt Nam trong dự án Sketchfab (Sketchfab là một startup nổi tiếng đã được nhiều hãng công nghệ như Microsoft… hỗ trợ). Tuy nhiên khó khăn là di sản thuộc quản lý của các cơ quan di tích nên không dễ để thu thập thông tin và chụp ảnh một số điểm khi chưa có sự cho phép; đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ cho dự án mang tính phi lợi nhuận này cũng ít. Hiện nay bản đồ đang tiếp tục hoàn thiện dữ liệu và may mắn được Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ủng hộ về hướng đi. Chúng tôi đã thử nghiệm dữ liệu 3D cho bảo tàng lên Sketchfab để quảng bá”, ThS. KTS. Nguyễn Quang Huy chia sẻ.

ThS.KTS. Nguyễn Quang Huy và các cộng sự của mình sẽ bổ sung dữ liệu từ các nhà nghiên cứu lịch sử và các nguồn tin cậy để đảm bảo tính chân xác cho bản đồ số hóa 3D và cải tiến thêm về giao diện để bản đồ số thân thiện hơn. “Đây là dự án mang tính phi lợi nhuận và kế thừa nên cần có sức mạnh cộng đồng mới duy trì được. Hướng đi sắp tới là sẽ tích hợp thêm dữ liệu hệ thống nhà vườn truyền thống Huế và Kiến trúc thuộc địa Pháp ở Huế nhằm góp phần lưu trữ dữ liệu online phục vụ nhà nghiên cứu và khách du lịch. Tôi cũng đang ấp ủ thực hiện bộ sưu tập 3D những hiện vật bình phong cổ của Huế; tái hiện 3D hệ thống phòng thủ Kinh thành từ Hải Vân Quan đến Kinh thành Huế, trong đó không chỉ cung cấp hiện trạng mà còn tái hiện lại các tư liệu lịch sử về di tích này”, ThS. KTS. Nguyễn Quang Huy bật mí.

Bài, ảnh: NGỌC HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

TIN MỚI

Return to top