ClockThứ Tư, 26/07/2017 13:31

Đi tìm đồng đội.

TTH - Còn đó những đồng đội phải nằm lại nơi rừng thiêng, nước độc, người thân chưa một lần được thắp nén nhang lên mộ… Trăn trở đó đã thôi thúc cựu chiến binh (CCB) Phan Văn Đình (sinh năm 1954, sống tại Thủy Bằng, TX. Hương Thủy) và đồng đội tiếp tục hành trình đi tìm mộ liệt sĩ trong suốt hơn 20 năm qua.

CCB Phan Văn Đình (bên trái) và đồng đội trong hành trình đi tìm mộ liệt sĩ

Băng rừng, vượt suối

Năm 1968, cậu bé 14 tuổi Phan Văn Đình dũng cảm tham gia du kích xã, sau đó được cử ra Hà Nội học và năm 1972 trở về làm nhiệm vụ thông tin liên lạc. Chiến tranh kết thúc, Phan Văn Đình chuyển công tác sang ngành lâm nghiệp. Thường xuyên lên rừng, về lại các căn cứ cách mạng nên ông biết được vị trí nhiều phần mộ liệt sĩ được an táng trong rừng. “Khi còn là cán bộ lâm nghiệp, năm nào tôi cũng tham gia tìm mộ liệt sĩ, nhưng đến khi về hưu mới có nhiều thời gian hơn.  Mỗi năm 4 - 5 đợt vào rừng, có đợt đi cả 10 ngày, nửa tháng mới về. Vẫn còn những đồng đội nằm đâu đó trong rừng sâu khiến tôi đau đáu không nguôi”, ông Đình chia sẻ.

Biết khu vực đồng đội từng mai táng ở đó, nhưng do địa hình thay đổi quá nhiều, người trực tiếp chôn cất cũng không còn nên công việc tìm kiếm càng khó khăn. Sau nhiều năm lặn lội từ Khe Roong (Hương Thủy) cho tới Mỏ Tàu (Phú Lộc), đến năm 2007, ông Đình cùng gia đình đã tìm được mộ liệt sĩ Nguyễn Ngọc Á (người bạn thân cùng quê, hy sinh năm 1972) trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

Lật từng trang giấy trong cuốn sổ khá cũ ghi lại thông tin, đánh dấu địa hình mộ những liệt sĩ đã được tìm thấy lẫn những liệt sĩ chưa tìm được cho chúng tôi xem, thì điện thoại ông reo liên tục. Đó là thân nhân của các liệt sĩ từ Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam… hỏi về thông tin người thân của họ. Sau mỗi cuộc điện thoại, ông cẩn thận lưu lại số, thông tin về liệt sĩ cũng như người thân để đối chiếu và liên lạc khi cần. Sau khi kết nối thông tin, khảo sát thực địa, những người lính già tiến hành thẩm định lại thông tin rồi mới đi tìm. Khi tìm thấy mộ, họ sẽ báo cho Ban chỉ huy quân sự địa phương để hỗ trợ đưa các liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang.

Không một sự hỗ trợ nào nhưng người CCB ấy vẫn miệt mài băng suối, vượt dốc để đưa đồng đội của mình về với quê hương, gia đình. Với ông Đình, những bữa cơm nắm ăn cùng muối đậu, uống nước suối, ngủ qua đêm trong rừng chẳng là gì so với những năm tháng chiến tranh ác liệt hay sự đợi chờ ngày đoàn tụ của thân nhân liệt sĩ. “Tìm mộ không phải là chuyện đơn giản, nếu mình làm không vì cái tâm, trách nhiệm với những người đã nằm xuống thì rất khó hoàn thành. May mắn còn sống sót để hưởng hòa bình, độc lập của dân tộc thì cần phải có trách nhiệm với những người đã hy sinh”, ông Đình bộc bạch.

Tiếp tục hành trình

Không phải chuyến đi nào cũng có kết quả, nhưng CCB Phan Văn Đình và những người bạn đồng hành chưa một lần nản chí. “Mỗi lần trở về tay không là đôi chân cứ nặng trĩu, không hẳn là mệt mà là tâm chưa yên”, ông Đình trải lòng.

 Để đưa được hài cốt hai liệt sĩ về nghĩa trang vào đầu tháng 4/2017, những người lính già đã không biết bao nhiêu lần vượt sông Hai Nhánh (thuộc địa phận xã Dương Hòa), đi bộ hơn hàng km đường rừng, vượt con dốc Thanh Niên dựng đứng để đến được Khe B57 - nơi các liệt sĩ được an táng. Lộ phí cho những chuyến đi chính là những chắt chiu, dành dụm từ những đồng lương hưu ít ỏi. Những người vợ chưa một lần than phiền về việc làm của chồng, có chăng chỉ là những âu lo khi trời trở gió, lo cho vết thương tái phát khi đang giữa hành trình là động lực để những người lính già “chân cứng đá mềm” sau mỗi chuyến đi. Từng tham gia nhiều chuyến tìm kiếm mộ liệt sĩ cùng ông Đình, CCB Nguyễn Văn Bé (ở Phú Bài) chia sẻ: “Nhiều CCB biết thông tin về các phần mộ nhưng vì điều kiện sức khỏe, không trực tiếp đi được cũng thường xuyên liên hệ với chúng tôi để cung cấp thông tin. Khi đón được các liệt sĩ về, họ cũng thường xuyên tới lui thắp cho người nằm xuống nén nhang, đó là cái tình đồng chí, đồng đội.

Hiện nhiều gia đình vẫn mỏi mòn chờ người thân trở về. Đó cũng chính là nỗi lòng của chúng tôi- những người may mắn trở về còn khá nguyên vẹn. Chúng tôi nguyện còn sống ngày nào sẽ còn tiếp tục đi tìm kiếm, đưa đồng đội về an nghỉ nơi quê nhà, để người thân nhang khói mỗi ngày”.

Trong hành trình tìm mộ liệt sĩ, CCB Phan Văn Đình đã đưa hàng chục liệt sĩ trở về an táng tại các nghĩa trang, về với sự chờ đợi mòn mỏi của các gia đình. Theo kế hoạch, chuyến đi tiếp theo của cuộc hành trình vào cuối tháng 6 âm lịch dự kiến kéo dài hai ngày, đây là chuyến khảo sát và tìm phần mộ của một người lính đặc công hy sinh tại Khe Vàng (chiến khu Dương Hòa).

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Tìm lối đi riêng cho du lịch phố cổ

Các khu phố cổ là một trong những bộ phận quan trọng, cấu thành đô thị Huế từ xưa đến nay. Những khu phố cổ ấy đã để lại rất nhiều di sản phong phú. Ngày nay, dấu ấn văn hóa xã hội phố thị vẫn còn rất sống động ở Gia Hội, Bao Vinh và được các chuyên gia nhìn nhận có rất nhiều tiềm năng du lịch để “hút” du khách tìm đến.

Tìm lối đi riêng cho du lịch phố cổ
Người anh cả của Đại đội 20 trinh sát

“Anh là một người chỉ huy mẫu mực, hết lòng vì đồng đội trong cuộc sống cũng như công việc; gần gũi, và luôn dành những tình cảm thân thương đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị”. Đó là nhận xét của cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 20 trinh sát về khi nói về Chính trị viên (CTV) Đại đội, Thượng úy Ngô Văn Lực.

Người anh cả của Đại đội 20 trinh sát
Return to top