ClockThứ Bảy, 10/09/2016 06:51

Dĩ vãng dầu chuồn

TTH - Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) không chỉ được biết đến với nghề làm gốm lâu đời mà còn có nhiều nghề phụ, nổi bật là nghề chế biến dầu Chuồn.

Ông Lương Thanh Khiếu giới thiệu các dụng cụ chế biến dầu chuồn (cái nêm bên trái và giá đỡ bên phải)

Dầu “made in Phước Tích”…

Khi dầu hỏa còn chưa phổ biến, điện chưa có, các làng quê Việt chủ yếu dùng các loại dầu thực vật để thắp sáng, sinh hoạt hằng ngày. Riêng ở làng cổ Phước Tích dùng loại dầu làm từ trái cây chuồn.

Nghề làm dầu chuồn xuất hiện ở làng Phước Tích từ bao giờ không ai còn nhớ rõ. Ngày nay, những người làm nghề chế biến loại dầu này còn rất ít. Ông Lương Thanh Khiếu (76 tuổi, người làng Phước Tích) là người từng làm dầu chuồn cho biết, cây chuồn là loài thực vật họ dầu, trái có hình dáng giống hạt sen, vỏ mỏng và cứng. Cây chuồn mọc nhiều trên rừng khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Để chế biến dầu chuồn phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, kéo dài khoảng 6-7 tháng.

Chiếc dĩa đựng dầu chuồn

Theo đó, vào tháng 10 hằng năm, các gia đình làm nghề chế biến dầu chuồn lên núi hái lượm hoặc thuê người hái về, đem phơi rồi chà sạch vỏ, ngâm trong nước trước khi nấu chín. Khi trái chuồn chín thì vớt ra rồi đem ủ kín.

Sau đó khoảng 5-7 tháng, khi chuồn đã kết lại thành khối lớn thì đem ra xắn thành từng phiến mỏng để phơi nắng, rồi chà bằng tay, sau đó giã nhỏ bằng chày tạo thành bột. Cuối cùng đem phơi nắng thêm lần nữa và đem đi hấp chín.

Tiếp theo, lấy ra gói thành từng bánh to bằng bàn tay người lớn cho vào cái bộng (khúc gỗ lớn trông như cái trống cơm dài chừng 3 mét, giữa thân được khoét lõm, mỗi bộng chứa khoảng 25-30 bánh). Có khoảng 6 thanh niên trai tráng của gia đình hoặc được thuê làm dầu dùng vồ lớn đứng hai bên bộng để thúc các nêm (vật dụng bằng gỗ) để ép dầu chảy ra.

Khi dầu chảy ra hết, người thợ nghiêng bộng lại lần lượt tháo nêm và lấy bánh dầu xải (xác dầu sau khi ép). Cứ thế, mỗi ngày ép được khoảng 12 bộng dầu. Sau khi chế biến xong, thu được chất loãng và nhờn nhưng đặc hơn dầu phụng, màu nâu sẫm đó chính là dầu chuồn.

Ưu điểm của dầu này là dễ dùng, không có khói, không hôi, không độc hại. Hạn chế của nó là khi thắp sáng thì lâu lâu phải khêu bấc đèn cho lửa đỏ”, ông Khiếu nói.

Dầu được bỏ vào dĩa nhỏ có lòng sâu (dĩa dầu chuồn do người Phước Tích đúc ra), miệng trề ra để tim đèn (làm bằng vải xe lại) cháy sáng. Dĩa dầu được đặt trên giá đỡ, thắp sáng được khoảng 3-4 tiếng tùy vào kích cỡ của tim đèn.

Chỉ còn là dĩ vãng

Không chỉ để thắp sáng, dầu chuồn còn được dùng làm thuốc để trị các bệnh ngoài da, dịch bệnh… cho trâu bò bằng cách lấy dầu này bôi vào chỗ bị thương thì bệnh sẽ lành. Bánh dầu xải đem phơi khô làm thức ăn cho gia súc.

Nghề làm dầu chuồn một thời mang lại nguồn kinh tế cho người dân làng Phước Tích. “Một số hộ gia đình trong làng một thời giàu có, thịnh vượng cũng nhờ một phần từ việc chế biến dầu chuồn”, ông Khiếu cho biết.

Trong nhà ông Lê Trọng Diễn (69 tuổi, người làng Phước Tích) hiện cũng còn lưu giữ những cái dĩa đựng dầu chuồn. Ông Diễn nghe bố mẹ ông kể lại rằng, ngày xưa gia đình ông cũng có làm dầu chuồn, dầu chủ yếu dùng để thắp sáng và đem bán.

Ngày nay, dầu chuồn đã trở thành ký ức của người già, với một thời gắn bó, giúp ích cho cuộc sống của người dân những năm tháng khó khăn, cơ cực. Ở đây có câu “Đêm khuya thắp dĩa dầu đầy/ Dầu vơi bao nỗi dạ em sầu bấy nhiêu” diễn tả dầu chuồn đã gắn bó với đời sống tâm hồn người dân làng Phước Tích như thế nào!

Dầu chuồn đã trở thành dĩ vãng trong đời sống, nhưng ngày nay nó vẫn được người dân Phước Tích tự hào giới thiệu cho nhiều du khách trong và ngoài nước khi tham quan, để họ biết thêm về nét đẹp văn hóa, nghề truyền thống của làng quê bên dòng Ô Lâu này.

Bài, ảnh: Tuấn Hiệp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Động lực từ tuyến đường Khúc Lý - Mỹ Xuyên

Sau bao năm chờ đợi, huyết mạch Khúc Lý - Mỹ Xuyên, thuộc Tỉnh lộ (TL) 6B ở huyện Phong Điền đang nâng cấp mở rộng tạo diện mạo mới, góp phần đưa Phong Điền tiến nhanh lên thị xã trong thời gian đến.

Động lực từ tuyến đường Khúc Lý - Mỹ Xuyên
GIẢI CHẠY HALF MARATHON HUYỆN PHONG ĐIỀN:
Hứa hẹn những trải nghiệm mới

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa giải chạy Half Marathon huyện Phong Điền lần thứ II, năm 2023 chính thức bắt đầu. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho giải chạy cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng đón tiếp các vận động viên và du khách. Thông qua giải chạy lần này, Ban Tổ chức muốn lan tỏa tinh thần rèn luyện thể dục thể thao và thúc đẩy quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh về vùng đất con người Phong Điền hiền hòa, thân thiện và mến khách.

Hứa hẹn những trải nghiệm mới
Lan toả thương hiệu “Hương xưa làng cổ Phước Tích”

Đó là mục tiêu hướng đến của dự án (DA) khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh về tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN): “Hương xưa làng cổ Phước Tích” cho làng cổ Phước Tích (Phong Hoà, Phong Điền) đã được Sở KH&CN thành lập hội đồng nghiệm thu vào chiều 5/10.

Lan toả thương hiệu “Hương xưa làng cổ Phước Tích”
Những chấm phá về văn hóa làng

Khác với các cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa làng xã ở Thừa Thiên Huế đã được công bố (như làng văn vật ở Thừa Thiên Huế, gia đình và dòng họ ở Thừa Thiên Huế…), cuốn “Tìm chút hương xưa nơi làng cổ” của tác giả Thanh Tùng vừa mới ra mắt bạn đọc (tập hợp 30 bài viết dạng báo chí về 27 làng quê ven Huế, dọc biển, làng nghề truyền thống tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế), nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu cho những người quan tâm, và du khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu, qua đó, quảng bá hình ảnh về văn hóa Huế, con người Huế, gắn với phát triển du lịch.

Những chấm phá về văn hóa làng
Return to top