ClockChủ Nhật, 27/11/2016 13:26

Địa đàng Như Ý

TTH - Có lẽ, dòng sông chính là nơi cất giấu tiềm thức và thiên đàng dào dạt nhất trong con tim của bất kỳ một kẻ đa cảm nào.

 Vẻ đẹp của nó, dẫu rực rỡ hay úa tàn, thì đều có khả năng quán xuyến và chi phối mọi cảnh vật xung quanh. Và do đó, hồn cốt của thiên đàng ấy có thể được dựng lên hoặc biến mất một khi hồn sông không còn nữa.

May thay, bên dòng Như Ý, mọi thứ dường như vẫn thiên đàng.

Huế tháng 11 không hiểu sao vẫn có những ngày nắng tuyệt đẹp giữa mùa mưa. Nắng không gắt gỏng khó nhằn như cái nắng tháng 6 mà tươi vàng sóng sánh, thể như vẻ đẹp đằm thắm phồn thực của một nhan sắc trung thì. Đi dọc đường Hàn Mặc Tử bên bờ Như Ý giữa buổi chiều mới ngỡ ngàng thì ra trong thi tứ của chàng Trí, khung cảnh “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” thực điệu nghệ. Dưới sức chiếu tỏa của nắng, lá cau và lá sầu đông mơn man quấn quyện, tạo thành một tấm vải thiên thanh, ngọc ngà, trong vắt bên sông.

Đứng trên cầu Vân Dương nhìn về phía Thuỷ Vân, cảm giác mênh mông thâm nhập vào lòng. Như Ý hiện ra như một vườn địa đàng mà ở đó có cả những điều mộng và thực. Tôi nghe thấy tiếng sông trôi, tiếng con cá lẻ bơi tìm bạn, tiếng phì phà của rêu lặn đáy sông, và cả tiếng kèn hiếu bi ai thống thiết... Cuộc sống của con người nơi đây không có chi nhiều, chỉ là một mô hình kinh tế nhỏ lẻ và có phần tự cung tự cấp, và chỉ thế, sự yên bình làng xã cứ vậy trôi đi.

Dưới luồng nước xiết, bóng dáng của người đàn ông lái thuyền chở ngói đi về phía Hương Thuỷ ngày một nhỏ dần. Cái bóng gầy guộc, nhỏ xíu trong chiếc áo lam bạc màu và gương mặt cũng buồn… như ngói của anh khiến tôi hình dung đến những người chèo thuyền bên bờ sông Đông trong tác phẩm của Solokhov. Xa xa, chiếc thuyền nhỏ tung chài thả lưới, không vội vã hay tham vọng nhiều, và có thể với họ, chỉ cần bữa ăn tối nay của cả nhà có chất tươi là được. 

Nhưng hình ảnh khiến trái tim tôi bị lay động nhiều nhất phải là đôi vợ chồng già dìu nhau ra bờ sông giặt áo quần. Họ vừa giặt vừa nói chuyện rủ rỉ, nụ cười hiền từ khuyết móm của họ chính là bảo chứng cho sự hồn nhiên trở lại của tuổi già. Tóc đã bạc, da đã mồi, đôi bàn tay nhăn nheo rúm ró chạm yếu ớt xuống nguồn nước như một điển lễ sinh hoạt của những người đã lớn lên bên dòng sông này. Mọi thứ phù sinh dường như không còn nghĩa lý.

Họ chỉ có nhau.

Như Ý lúc chạng vạng đẹp lạ lùng, như một thiếu nữ ngủ say mà quên nỗi đời bận bịu. Những tàng cây bên bờ nhuộm mình trong nắng, nằm xăm xắp mặt nước sông dâng, tạo thành khóm nhỏ san sát tuồng như cảnh vật của mùa thu xứ bạch dương bên sông Neva. Thi thoảng, có đàn cò lặng lẽ bay về từ Cồn Hến, chúng cố gắng nâng đôi cánh mỏng của mình để ưu thắng sức cản của gió trời hòng về được tổ ấm. Cánh cò trắng rất trắng hư hao như từ trong cổ tích, dội xuống lòng sông những nhân ảnh nhẫn nại, chịu thương chịu khó qua dâu bể thời gian. 

Trong những bước đi lạ lùng của mùa mưa xứ Huế, có những lúc chính thiên nhiên cũng phải tự chất vấn lại mình. Tỉ như sông xanh thế, trong thế nhưng sao mà buồn thế. Hay thực ra, sông buồn cũng bởi xanh và trong? Hay đó là nguyên lý muôn đời của thiên nhiên xứ Huế? Và nghĩ rằng, dẫu buồn hay vui thì trước hết, dòng sông ấy cũng đang sống không chỉ phận đời cho riêng mình. 

Tôi nhắm mắt. Tôi muốn ngủ vùi mãi trong giấc mơ về một ngôi làng bên kia sông. Gió về nhiều, mặt sông tịnh không một lời lay động mà im lìm một vẻ điềm nhiên. Mới hiểu, con người ta chắc hẳn phải có những phần số nhất định mới được rơi ra từ một dòng sông mến yêu nào đó. Cũng như dòng Như Ý bây chừ, dẫu đã trải qua nhiều đắp đổi nhưng tin rằng, những đứa con ra đi từ làng vẫn luôn nhung nhớ dòng sông ấu thơ của họ.

Đời người vốn ngắn nhưng đời sông cứ chảy mãi không cùng...

NGUYÊN HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

JICA tài trợ gần 260 tỷ đồng xây tuyến đi bộ ven sông Như Ý

Ngày 7/7, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Cải thiện Môi trường nước TP. Huế cho biết, đơn vị bắt đầu triển khai công trình đường đi bộ ven sông Như Ý (TP. Huế) thông qua nguồn vốn của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ gần 260 tỷ đồng.

JICA tài trợ gần 260 tỷ đồng xây tuyến đi bộ ven sông Như Ý
Trao 20 triệu đồng cho em Như Ý

Bài viết của Báo Thừa Thiên Huế về trường hợp em Lê Thị Như Ý (11 tuổi, nhà ở xóm 7, An Lưu, Phú Mỹ, Phú Vang) ngày 23/4 đã được bạn đọc quan tâm và ủng hộ.

Trao 20 triệu đồng cho em Như Ý
Xin cứu cháu Như Ý

Như Ý là một cô bé từ nhỏ đã lanh lợi, ngoan hiền, khi đến trường bé chăm chỉ chịu khó và học giỏi.

Xin cứu cháu Như Ý
Return to top