Thể thao

Đích đến của bơi - lặn

ClockChủ Nhật, 10/11/2019 10:23
TTH - Sau gần 10 năm “im hơi lặng tiếng”, bơi - lặn Huế đang cho thấy nhiều dấu hiệu “trở mình” khi đặt ra đích đến ở những đấu trường lớn.

Hơn 200 VĐV tham gia giải bơi - lặn vô địch quốc gia

Lê Thế Triều (đứng) được đánh giá là 1 trong 3 VĐV lặn hay nhất Việt Nam thời điểm hiện tại. Ảnh: Trần Thuận

Bất ngờ

Được đánh giá cao trong công tác đăng cai các giải bơi - lặn cấp khu vực, quốc gia nhờ hệ thống cơ sở vật chất đạt chuẩn, nhưng nhiều năm qua, dù tham gia tranh tài với tư cách đơn vị chủ nhà, số huy chương bơi - lặn Huế giành được luôn nằm trong top cuối.

Là địa phương có hệ thống sông, biển dày, cơ sở dành cho tập luyện, thi đấu đạt chuẩn, hội tụ nhiều điều kiện để phát triển cả về phong trào lẫn đỉnh cao, vậy nhưng bơi - lặn Huế lại “chìm” trong thời gian dài gần 10 năm, trong khi không phải không có những đầu tư nhất định cho 2 môn này.

Cũng như nhiều tỉnh, thành khác, thời điểm bơi Huế chuẩn bị ra mắt dàn VĐV có thể tranh chấp huy chương ở các giải vô địch quốc gia, ĐHTT toàn quốc…, Việt Nam lần lượt xuất hiện Ánh Viên, Quý Phước, sau nữa là Hưng Nguyên, Huy Hoàng... Không chỉ thống trị làng bơi Việt Nam trong suốt thời gian dài mà những cái tên này còn để lại dấu ấn đậm nét tại đấu trường SEA Games, ASIAD. Ngoài tố chất, chu kỳ đào tạo, đó cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến bơi Huế mất hút trên bản đồ thành tích.

Trà My (áo vàng) - một trong 2 VĐV dự kiến được gửi đi tập huấn nước ngoài. Ảnh: Trần Thuận

Sau thời gian quyết tâm làm lại, bơi Huế với dàn gần 30 VĐV trải đều 3 tuyến được đánh giá rất triển vọng. Trong khi đó, dù thời gian thành lập khá ngắn (từ 2015) so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhưng môn lặn đã phần nào cho thấy tiềm năng với dàn 10 VĐV trẻ ở các cự ly từ 50m - 400m nội dung chân vịt đôi cả ở nam và nữ.

Minh chứng là sau những lần cọ xát, tranh chấp huy chương ở các giải đấu, hiện tuyển bơi - lặn Huế đã có 3 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng, 1 dự bị kiện tướng và 5 cấp I, trong đó 3 VĐV kiện tướng là Lê Thế Triều, Hoàng Thị Trà My (lặn) và Dương Thị Cẩm (bơi). Đây là sự tiến bộ bất ngờ khi mà trước đây, ở mỗi một lứa VĐV, bơi - lặn Huế thường chỉ có 1 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng.

Đích đến SEA Game 2021 & ĐHTT toàn quốc 2022

Đang là học sinh lớp 9 và mới đến với môn lặn được 4 năm, nhưng sau một số thành tích đáng ghi nhận ở các giải trẻ, tháng 6/2019, Hoàng Thị Trà My đã gây tiếng vang khi giành HCV, đồng thời phá kỷ lục quốc gia nội dung lặn 50m chân vịt đôi tại giải vô địch các lứa tuổi trẻ tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, sau 2 HCB, 3 HCĐ ở giải vô địch bơi lặn bể bơi 25 mét toàn quốc (3/2018) và giải vô địch các nhóm tuổi trẻ tại Đà Nẵng (5/2018), tại giải vô địch bơi - lặn quốc gia 2019 ở Đà Nẵng, Lê Thế Triều đã xuất sắc giành được 1 HCV 400m (3’38”99) và 1 HCB 200m (1’42”20), tất cả đều ở nội dung chân vịt đôi. Đáng nói, thành tích 2 nội dung trên của Lê Thế Triều đều tiệm cận với thành tích châu Á. Điều này giúp Triều giành 1 suất tham dự giải vô địch bơi - lặn trẻ châu Á diễn ra tại Nhật Bản.

Tuy giải vô địch bơi - lặn trẻ châu Á (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019) hoãn do thời tiết, nhưng với phong độ hiện tại, khả năng Triều giành HCV là rất cao, đồng nghĩa bơi Huế sẽ có 1 suất dự SEA Game 30 ở Philippines vào cuối năm nay.

Còn ở môn bơi, dù phải đối chọi với hàng loạt VĐV mạnh nhất Việt Nam, nhưng tại giải vô địch quốc gia 2019 - sân chơi nhằm tuyển chọn những VĐV xuất sắc tham dự SEA Games 30, Dương Thị Cẩm vẫn xuất sắc giành được 1 HCV, 1 HCB lần lượt ở các nội dung 50m và 100m ếch.

Sở hữu dàn VĐV đầy triển vọng, thậm chí ở nội dung lặn chân vịt đôi cự ly 200 và 400m, Lê Thế Triều còn là 1 trong 3 VĐV hay nhất Việt Nam thời điểm hiện tại, song ở độ tuổi còn rất trẻ, Triều (17 tuổi), Cẩm (17 tuổi) và Trà My (15 tuổi) cần cọ xát, tích lũy thêm kinh nghiệm thi đấu để đủ độ cứng cáp, bản lĩnh khi tranh tài ở những giải đấu đẳng cấp.

“Sau thời gian được rèn giũa trong môi trường chuyên nghiệp khi Lê Thế Triều và Dương Thị Cẩm đào tạo ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 3 (Đà Nẵng), còn Trà My được huấn luyện bởi HLV Trần Văn Vương (anh trai kình ngư Trần Thị Thuận), bơi - lặn Huế đang có kế hoạch gửi 2 trong số 3 VĐV nói trên đi tập huấn nước ngoài, và đích trước mắt là quyết tâm giành thành tích cao tại SEA Games 31-2021 tại Việt Nam và ĐHTT toàn quốc lần IX - 2022”, ông Trần Thanh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thể thao tỉnh chia sẻ.

HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chạy vì những ngôi trường xanh

Từ những bước chạy để rèn luyện sức khỏe gắn với ý tưởng phủ xanh bóng cây ở các ngôi trường, hàng ngàn cây xanh đã được trồng mới với chương trình “Chạy vì những ngôi trường xanh”.

Chạy vì những ngôi trường xanh
Bóng đá ở làng

Từ trẻ em đến người lớn, từ cánh mày râu đến chị em phụ nữ, trái bóng tròn đã gắn kết tình làng nghĩa xóm, nâng cao tinh thần thể dục thể thao tại thôn Giáp Kiền (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà).

Bóng đá ở làng
Đóng thế

Còn đến 2 trận đấu nữa vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á mới hạ màn, nhưng với thất bại nặng nề 0 - 3 trước Indonesia trên sân Mỹ Đình, HLV Philippe Trousser đã sớm phải kết thúc hợp đồng dẫn dắt cả 2 đội tuyển Quốc gia và tuyển U23 Quốc gia Việt Nam.

Đóng thế
Khi thể thao không khán giả

Ngoài động lực, là “liều dopping” cho mỗi VĐV, khán giả cùng sự cổ vũ cuồng nhiệt còn là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của bất kỳ giải thể thao nào theo cách trực quan nhất.

Khi thể thao không khán giả
Return to top