ClockThứ Bảy, 01/09/2018 09:56

Dịch vụ đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

TTH - Trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế về dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, mục tiêu xây dựng ĐTTM của tỉnh là phát triển kinh tế, đô thị bền vững; người dân được cung cấp dịch vụ tốt nhất, được tham gia giám sát hoạt động của Nhà nước trong quá trình cung cấp các dịch vụ công; Nhà nước đảm bảo hiệu quả hoạt động quản lý và phục vụ tốt nhất cho người dân.

Lấy người dân làm trung tâm, chính quyền phục vụGiải pháp thông minh ở các thành phố ASEAN giúp cải thiện chất lượng cuộc sốngLấy người dân làm trung tâmDịch vụ đô thị thông minh phải lấy phục vụ con người làm trung tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ

Phát triển ĐTTM trên nền tảng chính quyền điện tử

Lý do tỉnh chọn thực hiện đề án “Phát triển dịch vụ ĐTTM” là gì, thưa ông?

Đề án này được hình thành ý tưởng cách đây hơn 2 năm, thông qua sự hỗ trợ của Hàn Quốc, các tập đoàn lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT. Qua nghiên cứu, khảo nghiệm và thí điểm, có thể khẳng định giải pháp thông minh là hình thức quản lý và cung cấp dịch vụ tối ưu nhất trong giai đoạn hiện nay, khi mà xu thế 4.0 đang trở nên mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam, Thừa Thiên Huế không nằm ngoại lệ.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về dịch vụ ĐTTM

Với đặc thù có cả khu vực đô thị và nông thôn, nên việc lựa chọn hình thức phát triển một số dịch vụ ĐTTM thay vì xây dựng ĐTTM là một định hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh. Phát triển dịch vụ ĐTTM được lựa chọn theo một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) trải qua quá trình dài, từ giai đoạn manh nha phát triển theo diện rộng về ứng dụng tin học, đến giai đoạn phát triển chiều sâu có tính tích hợp hệ thống. Do vậy, nền tảng thông minh là hướng đi đúng đắn, hiệu quả.

Việc xây dựng đề án này được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào, thưa ông?

Phát triển dịch vụ ĐTTM là sự “chuẩn bị, chủ động chuyển tiếp” từ nền tảng CQĐT, với quan điểm “Người dân làm trung tâm, Doanh nghiệp làm động lực, Nhà nước kiến tạo”, trên nguyên tắc phù hợp với thực tiễn địa phương, CQĐT là nền tảng, đảm bảo tính độc lập về công nghệ, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ, xã hội hóa. Dịch vụ ĐTTM dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để cung cấp cho người dân hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, toàn bộ các nội dung liên quan phải được nghiên cứu một cách chi tiết, cụ thể và có giải pháp để hạn chế những bất cập mà các dịch vụ thông thường chưa đáp ứng được, phải lấy sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá.

Mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của tỉnh là phát triển kinh tế, đô thị, bền vững. Ảnh: Văn Đình Huy

Nâng cao hiệu quả quản trị

Dịch vụ ĐTTM cần được hiểu đầy đủ như thế nào? Khi thực hiện đề án, hiệu quả quản trị đô thị sẽ được cải thiện ra sao, thưa ông?

Thực ra, ĐTTM bản chất là áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin trên nền tảng kết nối, chia sẻ của internet, cụ thể hơn trong tương lai là ứng dụng những thành tựu công nghệ về cơ sở dữ liệu lớn (Big data), internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động quản lý Nhà nước, cung cấp và quản lý dịch vụ cho người dân và xã hội một cách toàn diện.

Nếu triển khai thành công, hiệu quả đem lại sẽ rất lớn. Người dân được cung cấp và sử dụng trên nền tảng hiện đại, tiện ích và hiệu quả hơn. Việc chủ động thực hiện và tương tác dịch vụ không còn rào cản đối với dịch vụ thông minh. Đối với doanh nghiệp, sẽ tạo ra một môi trường mới, khuyến khích tham gia một cách công khai, bình đẳng. Môi trường này vừa là điều kiện mở rộng thị trường cho doanh nghiệp vừa là cơ sở để các doanh nghiệp nhận diện được hạn chế, từ đó sớm có phương án nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Các cơ quan Nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn. Hệ thống công cụ thông minh sẽ hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý Nhà nước, giảm chi phí, bộ máy nhân sự và thông tin hỗ trợ ra quyết định được tối ưu, rút gọn rất nhiều.

Tăng tương tác giữa người dân và chính quyền

Theo ông thì bao giờ người dân mới có thể cảm nhận được "hình hài" của ĐTTM?

Theo kế hoạch triển khai đề án dịch vụ ĐTTM, trong năm 2018 những ứng dụng dịch vụ cơ bản được triển khai hoàn chỉnh để người dân có thể tiếp cận và hình thành thói quen sử dụng. Người dân có thể đăng ký dịch vụ công trực tuyến với các dịch vụ hành chính, sự nghiệp và công ích. Một số dịch vụ thanh toán trực tuyến về chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nộp thuế... cũng được triển khai trong năm. Giải pháp cụ thể cần tập trung là triển khai hoàn chỉnh hệ thống thẻ điện tử áp dụng cho doanh nghiệp, công dân, công chức - viên chức để làm công cụ tương tác với các hệ thống thông tin của tỉnh, lưu giữ thông tin cá nhân, tổ chức theo mã định danh và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Dịch vụ đô thị thông minh sẽ có nhiều tiện ích

Ngoài ra, người dân sẽ tham giao vào hoạt động quản lý Nhà nước thông qua ứng dụng phản ánh hiện trường. Qua đó, sẽ triển khai tích hợp thành một kênh thông tin tương tác giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước duy nhất để khắc phục tình trạng phân tán, thiếu kiểm soát như hiện nay. Hệ thống camera phục vụ giám sát an toàn, trật tự đô thị; quản lý trật tự xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường; xử lý vi phạm giao thông cũng như hỗ trợ thông tin dự báo, cảnh báo trong mùa bão lụt cũng được triển khai vận hành.

Các dịch vụ và tiện ích phục vụ cho nhu cầu sống, làm việc của cá nhân, gia đình đều được cung cấp trên môi trường mạng, tạo ra sự tiện lợi, thân thiện cho người dân. Việc sử dụng và đánh giá chất lượng dịch vụ của người dân sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước tốt hơn, là cơ sở để thúc đẩy hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp. Thông qua đó, người dân được phục vụ tốt hơn.

Ông có thể nói về những lĩnh vực được ưu tiên trong xây dựng dịch vụ ĐTTM?

Trên cơ sở đưa ra các tiêu chí đánh giá sự sẵn sàng cũng như đánh giá điều kiện thực tiễn của địa phương, nhất là những lĩnh vực mà có tỉ lệ người dân tham gia nhiều và sát với nhu cầu cuộc sống, đề án đưa ra 5 nhóm lĩnh vực cần ưu tiên giai đoạn 2018 - 2020, bao gồm: y tế, giáo dục, du lịch, giao thông và môi trường.

Dự báo chính xác để hoạch định tốt các chính sách

Có ý kiến cho rằng, việc quản lý ĐTTM không thể bằng kinh nghiệm mà phải có dự báo. Ông nghĩ sao về điều này?

Dự báo là một trong những khâu quan trọng để nâng cao chất lượng hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nếu dự báo tốt sẽ cung cấp một cách nhìn, đánh giá và đưa ra một định hướng sát, cụ thể và hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững được rõ ràng hơn.

Với việc triển khai dịch vụ ĐTTM, trong đó Trung tâm Giám sát điều hành ĐTTM là nơi sẽ kết nối toàn bộ dữ liệu các ngành, thông qua hệ thống cảm biến để thu thập thông tin, thông qua sự tương tác của người dân, doanh nghiệp trên nền tảng dịch vụ thông minh... sẽ hình thành nên một kho dữ liệu số. Qua đó, số liệu sẽ được cung cấp một cách toàn diện, theo thời gian thực và đảm bảo độ chính xác, độ thống nhất phục vụ hiệu quả cho công tác dự báo. Trên cơ sở đó, các giải pháp thông minh, cơ sở dữ liệu lớn được áp dụng vào để tự động tổng hợp, phân tích và đưa ra các thông tin, các khuyến nghị một cách tổng thể, đầy đủ hỗ trợ đắc lực trong công tác dự báo, xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và toàn diện.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

THÁI BÌNH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024

Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, giá hàng hóa thực phẩm thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, làm giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm. Động lực chính đằng sau sự sụt giảm này là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024
Chi tiêu CNTT toàn cầu dự báo tăng 8% lên 5.060 tỷ USD trong năm 2024

Theo dự báo mới nhất của Công ty Tư vấn và nghiên cứu công nghệ thông tin Gartner, chi tiêu cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) trên toàn thế giới trong năm nay dự kiến sẽ đạt tổng cộng 5.060 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2023. Con số này cao hơn so với dự báo tăng trưởng 6,8% được đưa ra hồi tháng 1 và đưa chi tiêu CNTT toàn cầu đi đúng hướng để vượt ngưỡng 8.000 tỷ USD trước năm 2030.

Chi tiêu CNTT toàn cầu dự báo tăng 8 lên 5 060 tỷ USD trong năm 2024

TIN MỚI

Return to top