ClockThứ Sáu, 21/12/2018 09:18

Dịch vụ tài chính trỗi dậy ở ASEAN

TTH - Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 xảy ra ở khu vực châu Á, nhiều nhà quan sát nhận thấy một số quốc gia bị ảnh hưởng sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Các quốc gia Đông Nam Á nằm trong số những nạn nhân, trong đó Indonesia và Thái Lan là những nền kinh tế hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tiền tệ của cả hai quốc gia này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công đầu cơ dẫn đến sự mất giá đáng kể. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải can thiệp và cung cấp gói cứu trợ lên tới 43 tỷ USD cho cả Indonesia và Thái Lan.

Nền kinh tế ASEAN ngày càng đối mặt với nhiều thách thứcASEAN cần tăng cường đầu tư cho an ninh mạng

Các kỹ thuật viên chuẩn bị một ngân hàng di động và máy ATM ở thành phố Palu, tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia. Ảnh: AFP

20 năm sau đó, khu vực này phát triển mạnh mẽ như một nền kinh tế tập thể. 10 quốc gia thành viên tạo nên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp đạt 2,4 nghìn tỷ USD, đồng thời là nền kinh tế lớn phát triển nhanh thứ 3 khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Hầu hết các quốc gia đều xây dựng nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.

Một trong những động lực tăng trưởng như vậy là lĩnh vực dịch vụ tài chính đang nổi lên của khu vực. Kể từ năm 2005, lĩnh vực dịch vụ tài chính đã phát triển nhanh chóng. Trong vòng 10 năm, lĩnh vực này đóng góp hơn 20 tỷ USD cho nền kinh tế Philippines, Thái Lan, Singapore và Indonesia.

Trong khi Singapore luôn là nền kinh tế nổi trội trong lĩnh vực tài chính của khu vực, thì các quốc gia khác trong khu vực cũng đang nhanh chóng bắt kịp. Trong năm 2016, Indonesia vượt Singapore để trở thành thị trường dịch vụ tài chính lớn nhất ASEAN về tổng giá trị gia tăng (GVA).

Theo một báo cáo của hãng PwC, mặc dù các dịch vụ tài chính gia tăng trong giai đoạn 2005-2016, lĩnh vực dịch vụ tài chính được dự báo ​​sẽ chậm lại trong những năm tới. Điều này không có nghĩa là sẽ không có sự tăng trưởng, bởi sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ không còn theo cấp số nhân như trước đây. Bên cạnh đó, PwC cũng dự báo, lĩnh vực dịch vụ tài chính trong ASEAN vẫn được kỳ vọng sẽ vượt xa những thị trường trưởng thành hơn.

Yếu tố tăng trưởng

Sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính, bao gồm: sự gia tăng trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng, sự tiến bộ của công nghệ tài chính (fintech) và sự hội nhập liên tục của ASEAN.

Khi nền kinh tế ASEAN tiếp tục phát triển, tầng lớp trung lưu của khu vực cũng đi theo xu hướng này. Hiện tại, có 87 triệu hộ gia đình trung lưu ở khu vực Đông Nam Á và con số này được dự kiến ​​sẽ đạt 116 triệu hộ gia đình đến năm 2020. Thu nhập khả dụng gia tăng của nhóm công dân này sẽ làm tăng nhu cầu về các công cụ tài chính, có thể tạo điều kiện cho hoạt động mua các dịch vụ và sản phẩm có giá trị cao hơn.

Nắm bắt được nhu cầu về các dịch vụ tài chính, nhiều công ty công nghệ tài chính bắt đầu thiết lập cửa hàng trong khu vực. Điều này, kết hợp với việc sử dụng điện thoại thông minh và tốc độ thâm nhập internet không ngừng phát triển của khu vực, cho thấy các dịch vụ ngân hàng số sẽ chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân.

Thử thách

Tương lai có thể sẽ trở nên tươi sáng đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính của ASEAN; tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản mà khu vực này cần vượt qua. Một vấn đề lớn là việc thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và quản lý tài sản. Indonesia, Philippines, Việt Nam và Campuchia vẫn còn tụt lại phía sau trong việc tiếp cận ngân hàng so với Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Sự gia tăng của ví kỹ thuật số và các dịch vụ kỹ thuật số có thể hỗ trợ những cá nhân không sử dụng các dịch vụ ngân hàng ở những quốc gia này. Tuy nhiên, nếu không có cơ sở hạ tầng tài chính và ngân hàng phù hợp, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính đối với những công dân này sẽ duy trì ở mức thấp.

Việc thiếu tiếp cận tài chính cũng sẽ tạo ra những vấn đề khác cho lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đây là lĩnh vực chủ yếu dựa vào các giao dịch phi tiền mặt, có thể là kỹ thuật số hoặc thông qua hình thức ghi nợ và tín dụng.

Bởi nhiều người trong khu vực không tiếp cận tài chính, điều này đã tạo ra một xã hội thích dùng tiền mặt làm hình thức thanh toán hơn. Báo cáo của PwC nhấn mạnh 3 thách thức chính đối với việc chuyển đổi từ tiền mặt sang hình thức ghi nợ hoặc tín dụng, bao gồm: thiếu tiếp cận điểm bán hàng (POS), khả năng tương tác thấp và khối lượng thanh toán thấp.

Ngay bây giờ, lĩnh vực dịch vụ tài chính của khu vực đang nắm giữ tất cả các yếu tố phù hợp để phát triển, nhưng vẫn còn những khoảng trống lớn cần phải được giải quyết. Tuy nhiên, đó không phải là trách nhiệm của bất kỳ một bên cụ thể nào, chẳng hạn như các Chính phủ hay các ngân hàng, mà là của tất cả các bên để đóng vai trò một cách hiệu quả nhằm đảm bảo sự tăng trưởng liên tục.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The ASEAN Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng

Theo phân tích của Maybank Investment Bank Bhd, việc áp dụng xe điện (EV) ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng nhờ các quy định thuận lợi, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tung ra các mẫu xe mới với giá thấp hơn, đồng thời khu vực này cũng có các cơ sở sản xuất ô tô lớn và nhu cầu xe điện đáng kể.

Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng

TIN MỚI

Return to top