ClockThứ Ba, 03/05/2016 22:02

Điểm nhấn phía Tây Hương Trà

TTH - Hương Trà có 5 xã vùng đồi là Hồng Tiến, Bình Thành, Bình Điền, Hương Bình và Hương Thọ. Sau một thời gian dài nỗ lực, đến nay, kinh tế- xã hội tại các địa phương này có sự đổi thay mạnh mẽ, trở thành điểm nhấn kinh tế phía Tây đầy triển vọng của Hương Trà.

Biến tiềm năng thành lợi thế

Phát triển kinh tế từ trồng rừng và cây cao su là mục tiêu chung đặt ra của Đảng bộ, chính quyền các xã vùng gò đồi Hương Trà. Thực tế cho thấy, đây đã và đang trở thành hướng đi tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của người dân trên địa bàn.

Rừng cây cao su ở Hương Bình

Hương Bình là xã điển hình. Từ những vùng đồi khô cằn sau chiến tranh, giờ đây, màu xanh của rừng trồng bao phủ toàn bộ vùng đồi trọc. Nguồn lợi từ rừng và cao su đã làm thay đổi diện mạo của vùng kinh tế mới một thời. 

Đi dọc chiều dài hơn 5km của Tỉnh lộ 10 chạy qua 7 thôn của Hương Bình, trải tầm mắt xa xa là những ngọn đồi cao su xanh mướt. Thấp thoáng giữa những tán vườn xanh um của tiêu, của cây trái là những căn nhà kiên cố, nhà hai tầng khang trang. Xe máy là “chuyện nhỏ”, có gia đình còn sắm cả ô tô, mua nhà ở Huế cho con về học... Bí thư Đảng uỷ xã Hương Bình, ông Phan Hữu Tuế phấn khởi: “Tất cả đều nhờ cây cao su mà có”. Hiện, Hương Bình có diện tích hơn 1.160 ha cao su, trong đó, hơn 930 ha đưa vào khai thác lấy mủ... Không ngần ngại, ông Tuế khoe, lúc cao điểm, mỗi ngày, cả xã thu hàng tỷ đồng từ tiền bán mủ cao su. Một con số mà nghe qua ai cũng bất ngờ. Chưa hết, Hương Bình còn có 600 ha rừng kinh tế đang kỳ khai thác, 120 ha sắn công nghiệp... đã đem lại nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Nhờ cao su, Hương Bình giờ đang vươn lên làm giàu trên vùng đất vốn là chốn “rừng thiêng, nước độc” này.

Cùng với phát triển cây “vàng trắng”, thời gian qua, Hương Bình thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp để nâng chất lượng vườn cây ăn trái hiện có. Theo đó, những khu vườn “chuyên canh” bước đầu đã và sẽ được hình thành, như: vườn hồ tiêu (2,5 ha) và vườn bưởi da xanh, thanh trà (4,5 ha) sắp cho thu hoạch; vườn quýt (1,5 ha) và chôm chôm (0,5 ha) chuẩn bị triển khai; dự án nuôi cá nước nước ngọt trên lòng hồ thủy điện Hương Điền đang “rục rịch” thực hiện... Phó Chủ tịch UBND xã Hương Bình, Trần Viết Tuấn hồ hởi khi đề cập đến “tương lai hứa hẹn” của nông nghiệp địa phương.

Có dịp trở lại Hương Thọ, mới thấy xã vùng núi khó khăn trước đây nay đã thành quá vãng. Dọc theo chiều dài của xã và các con đường liên thôn, xóm, nhà cửa mọc lên san sát xen giữa không gian của vườn đồi, vườn rừng. Xe máy chạy trên các tuyến bê tông qua các xóm làng. Ngắm nhìn những trường học, bệnh viện khang trang, thật khó hình dung nơi đây từng một thời mang trong mình nhiều vết tích chiến tranh. Bí thư Đảng ủy xã Hương Thọ, Mai Văn Xuân vui mừng: “Đến nay, có 98% trong tổng số trên 1 ngàn hộ ở Hương Thọ đều đã có rừng trồng. Hộ nhiều nhất hơn 15 ha, ít nhất khoảng 0,5ha. Trong đó, tổng diện tích cao su trên 570ha, đưa vào khai thác hơn 450 ha, sản lượng mủ tươi ước đạt khoảng gần 2.000 tấn. Trên 1.100ha rừng kinh tế cho thu hoạch đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con. Hương Thọ…”.

Tiếp tục phát huy thế mạnh

Trong nhiều chương trình phát triển kinh tế ở địa phương, Hương Trà rất thành công khi chọn rừng kinh tế và cây cao su “đứng chân” trên vùng núi, gò đồi này. 

Anh Mai Văn Xuân phân tích, nhờ điều kiện thổ nhưỡng, rừng trồng ở các xã gò đồi luôn đảm bảo về năng suất cũng như chất lượng. Trồng rừng đã và đang trở thành nghề hấp dẫn đối với đại bộ phận dân cư”. Từ nguồn lợi rừng mang lại, cộng với sự hỗ trợ về kiến thức và biết đầu tư chăm sóc nên đến nay, đã có nhiều gia đình khá giả, thậm chí làm giàu.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Trương Toàn, thôn Tân Phong (xã Hương Bình) kể: “Năm 1993, được sự vận động của chính quyền địa phương và cán bộ lâm trường, gia đình tôi nhận trồng thử nghiệm “cho vui” 1 ha cao su tiểu điền”. Hỏi tại sao lại trồng cho vui ? Ông cười thật to: “Thì tôi cứ nghĩ cũng như cây sắn, cây mía trồng lúc trước, đủ ăn là may chớ nghĩ chi tới làm giàu”. Nay, cơ nghiệp của vợ chồng ông gồm 6 ha cao su đang kỳ thu hoạch, tính sơ sơ mỗi ngày cũng mang lại cho gia đình tiền triệu, chưa kể thu nhập “lấy ngắn nuôi dài” từ lợn, gà.

Việc đưa cây cao su, keo, tràm “đứng chân” ở Hương Bình, Hương Thọ hay Bình Điền, Bình Thành, Hồng Tiến như một cuộc cách mạng làm thay đổi bộ mặt vùng quê trước đây vốn rất nghèo khó.

Theo ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà,  rừng và cao su đang là kinh tế chủ lực của bà con ở đây. Hiện nay, toàn vùng có hơn 2.450 ha cao su, phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 2.500 ha. Cùng với cao su, Hương Trà sẽ phát triển thêm rừng, nâng tổng diện tích đất rừng từ 25.000 ha đang có đến ổn định khoảng 30.000 ha và nâng độ che phủ của rừng lên 60%. Các xã vùng đồi cũng sẽ tập trung vào phát triển chăn nuôi trang trại, chế biến lâm sản từ gỗ rừng trồng...  

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hành kỹ năng bán hàng cho hội viên phụ nữ

Ngày 29/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Hội LHPN thị xã Hương Trà tổ chức truyền thông nâng cao kỹ năng thực hành bán hàng thông qua hình thức livestream, quảng cáo sản phẩm nền tảng số. Tham dự có bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

Thực hành kỹ năng bán hàng cho hội viên phụ nữ
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ

Ngày 6/3, Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025” và thông tin về định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42 CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ
Return to top